Màn đấu trí với 'nhà ngoại cảm' đúc cả tạ vàng giả lừa chục tỷ tiền thật
Mang một bọc vàng giả đến nhà bị hại, Vũ Thị Hòa nói có khả năng 'làm phép' để biến hàng trăm kg kim loại trên thành vàng thật, rồi cuỗm mất của nạn nhân hơn 14 tỷ đồng tiền thật.
Đấu trí với “nhà ngoại cảm”
Việc bắt giữ và khởi tố Vũ Thị Hòa (SN 1972, trú xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc) là một trong những vụ án điển hình nhất của Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo đuổi vụ việc trên khi còn là Đội trưởng Đội trọng án, Thượng tá Lê Quốc Tuấn - Phó trưởng phòng PC02 cho biết, Hòa rất ngoan cố, thực hiện hành vi chặt chẽ, cố xóa các dấu vết để chối tội.
Trước khi bị bắt, Hòa tạo dựng cho bản thân vỏ bọc là một nhà ngoại cảm với khả năng nhìn xuyên thấu, có năng lực siêu nhiên.
“Những màn cúng bái của Hòa đều chung cách thức khi có rắn hổ mang xuất hiện, Hòa bắt rắn và nặn ra từ cổ họng những viên đá có nhiều màu sắc. Khi người chứng kiến kinh ngạc với những gì xảy ra trước mắt, Hòa yêu cầu gia chủ đặt tiền vào để đạt được mục đích biến các khối vàng giả thành thật”, Thượng tá Tuấn nói.
Với thủ đoạn trên, giữa năm 2019, Hòa nói với ông Nguyễn Văn Đoàn (SN 1971, quê tỉnh Lâm Đồng, tên bị hại đã được thay đổi) về việc phát hiện hàng nghìn tấn vàng và muốn ông Đoàn giao nộp cho nhà nước.
Sau đó Hòa mang nhiều khối kim loại đến nhà ông Đoàn để làm lễ cúng. Quá trình làm lễ, Hòa yêu cầu ông Đoàn đưa 14,5 tỷ đồng để biến khối kim loại nặng hơn 200kg thành vàng thật. Việc không thành, Hòa bỏ về và cuỗm luôn toàn bộ số tiền của bị hại.
Bất ngờ đến tháng 2/2020, Hòa làm đơn tố cáo ông Đoàn về hành vi chiếm đoạt số “vàng” nặng hơn hai tạ. Cùng thời điểm, ông Đoàn tố cáo Hòa chiếm đoạt tài sản. Quá trình xác minh, Phòng PC02, Công an tỉnh Vĩnh Phúc có căn cứ xác định bà Hòa lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khi làm việc, Hòa tỏ thái độ không hợp tác, một mực chối tội, thậm chí gây áp lực cho cơ quan điều tra. Hơn 6 tháng sau, manh mối là mấu chốt của vụ án xuất hiện.
Thượng tá Lê Quốc Tuấn cho biết, các cán bộ tỏa đi nhiều địa phương để lần theo từng manh mối có được. Cảnh sát bắt đầu lần theo đường đi của những thỏi vàng giả.
“Nó là những thanh kim loại bằng đồng, bên ngoài được mạ một lớp vàng thật rất mỏng. Nhận định Hòa thuê người làm nên các cơ sở đồ đồng tại nhiều tỉnh được xác minh kĩ”, ông Tuấn nói và cho biết.
Với cách điều tra này, đến giữa tháng 7/2020, cơ sở nhận đúc đồng cho Hòa ở tỉnh Nam Định dần lộ diện.
“Khi hỏi về hình dạng của thỏi vàng giả thì chủ cửa hàng ngay lập tức nhớ và mô tả chính xác chân dung của Vũ Thị Hòa vì từ trước tới nay chưa ai đặt đúc thỏi đồng như Hòa. Toàn bộ quá trình giao dịch, Hòa chọn buổi giữa trưa hoặc tối”, Thượng tá Tuấn kể.
Khi thực hiện các buổi làm việc, Vũ Thị Hòa vẫn một mực phủ nhận các chứng cứ. Điều tra viên kiên trì trong thời gian dài kết hợp với vận động, thuyết phục Hòa thú tội để được hưởng khoan hồng. Những cuộc đấu trí diễn ra cân não khép lại khi những tờ hóa đơn giao dịch mua thỏi đồng của Hòa được tìm thấy. Hòa khi đó cúi đầu nhận tội.
Vay lãi “cắt cổ” núp bóng bốc bát họ
Trong những năm gần đây, đặc biệt là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, tội phạm tín dụng đen “nở rộ” buộc Công an tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc triệt xóa.
Cái tên Tuấn Yến gây chú ý tại Vĩnh Phúc với hình thức cho vay lãi cao “cắt cổ”. Ổ nhóm này do Nguyễn Thị Hải Yến và Nguyễn Văn Tuấn trú TP Vĩnh Yên điều hành.
Theo đó, qua công tác quản lý địa bàn, Phòng PC02 phát hiện ổ nhóm cho vay lãi nặng hình thức bốc bát họ núp bóng Công ty mua bán nhà đất, hỗ trợ tài chính do Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1983, trú tại phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên) cầm đầu.
Phòng PC02 nhanh chóng lập chuyên án để đấu tranh. Qua điều tra, xác định Yến và Tuấn lập công ty nhưng thực chất là tổ chức thực hiện hành vi cho vay lãi nặng và thu nhận nhiều “đàn em” để đi siết nợ.
Thủ đoạn của Yến khá tinh vi, khi người muốn vay tiền, Yến yêu cầu khách bốc bát họ và khống chế số tiền từ 5-50 triệu đồng với thời gian trả 20 hoặc 40 ngày. Thực chất đây là việc cho vay lãi nặng.
Khi cho vay, Yến trừ ngay tiền lãi hơn 180%/năm đối với bát họ 20 ngày, con số này là gần 370%/năm đối với bát họ 40 ngày. Người vay chỉ nhận được số tiền còn lại sau khi đã trừ tiền lãi. Khi thanh toán vay thì số tiền vay được chia đều cho số ngày vay, người vay sẽ phải trả số tiền gốc vay theo từng ngày.
Tháng 4/2020, “vợ chồng hờ” Tuấn, Yến và năm bị can bị khởi tố về tội cho vay lãi nặng.
Đường sa ngã của nam cán bộ ngân hàng
Từ một sinh viên tốt nghiệp loại ưu về ngành tài chính, Nguyễn Văn An (SN 1993, quê Mê Linh, Hà Nội) được nhận vào một ngân hàng tại tỉnh Vĩnh Phúc rồi những màn cá cược online đã đẩy An vào vòng lao lý. Cuối tháng 8/2021, An bị bắt giam về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trước khi bị bắt, năm 2016, nhân viên ngân hàng trẻ Nguyễn Văn An với cách giao tiếp khôn khéo đã chiếm lòng tin của những người xung quanh. Thời gian này An lao vào cá cược cờ bạc online với số tiền giao dịch có tuần lên đến 2 tỷ đồng.
Hết tiền kèm theo nợ nần chồng chất, An lên kế hoạch lừa đảo bằng chính công việc mình đang làm. Tháng 4/2021, chị Phượng ở huyện Tam Đảo vay số tiền 1,2 tỷ đồng lấy vốn kinh doanh. An khuyên bị hại làm hồ sơ vay hạn mức tối đa gần 1,7 tỷ đồng, ngân hàng sẽ giải ngân trước 1,2 tỷ đồng theo yêu cầu, số tiền còn lại sẽ lưu tại ngân hàng mà không phải trả lãi.
Trên thực tế An làm hợp đồng cho chị Phượng vay hơn 1,6 tỷ đồng và đồng thời làm khế ước nhận nợ cho chị Phượng ký rút toàn bộ số tiền này. Sau đó, An chuyển cho bị hại số tiền hơn 1,3 tỷ đồng, còn hơn 300 triệu An chiếm đoạt.
Ngoài chị Phượng, với vỏ bọc cán bộ ngân hàng, An liên tiếp lừa tiền của nhiều bị hại với số tiền lên đến gần 4 tỷ đồng. Các bị hại lần lượt tố cáo An lên cơ quan công an.
Theo Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc, trong năm 2021, Phòng PC02 là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của công an tỉnh.