Màn gian lận tai tiếng nhất của boxing Hàn Quốc tại Olympic

Trước World Cup 2002, nền thể thao xứ kim chi từng khiến thế giới khinh bỉ với kỳ Olympic Seoul năm 1988.

Guardian từng gọi môn boxing được tổ chức tại Hàn Quốc năm đó là giải đấu bất công nhất trong lịch sử Thế vận hội. Các quyết định không tưởng được đội ngũ giám khảo và trọng tài đưa ra để làm lợi cho các vận động viên nước chủ nhà.

 Tay đấm người Mỹ Roy Jones (giáp đỏ) trở thành nạn nhân của màn gian lận tai tiếng nhất lịch sử Olympic dù chơi áp đảo Park Si-hun (giáp xanh). Ảnh: Getty.

Tay đấm người Mỹ Roy Jones (giáp đỏ) trở thành nạn nhân của màn gian lận tai tiếng nhất lịch sử Olympic dù chơi áp đảo Park Si-hun (giáp xanh). Ảnh: Getty.

Màn chấm điểm đáng khinh nhất lịch sử

Có sức chứa hơn 7.500 khán giả, nhà thi đấu Jamsil ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc là địa điểm tổ chức môn boxing tại Olympic mùa hè 1988. Với các vận động viên boxing nghiệp dư trên toàn thế giới, Jamsil chứng kiến những màn gian lận chưa từng xuất hiện trong lịch sử Olympic.

Chung kết hạng cân 71 kg nam môn boxing, tay đấm Park Si-hun của nước chủ nhà đối đầu Roy Jones của Mỹ. Ở tuổi 19, Jones được xem như niềm hy vọng vàng của boxing Mỹ tại kỳ Olympic năm đó.

Tay đấm trẻ đã thể hiện màn trình diễn cực kỳ thuyết phục từ đầu giải, với những cú móc trái tay và nhảy múa trên sàn đấu. Anh mất 2 phút để hạ đo ván đối thủ trong trận mở màn, thắng tuyệt đối các đối thủ khác bằng chấm điểm 5-0 ở các vòng tiếp theo.

Đối thủ của Jones, Park có màn trình diễn kém ấn tượng hơn nhiều. Giới chuyên môn khi đó nhận định Park thậm chí có thể đã thua cả 4 trận đấu trên đường đến chung kết.

Nhà vô địch Italy 3 lần, Vincenzo Nardiello cảm thấy vô cùng uất ức sau khi để thua Park 2-3 trong trận tứ kết. Anh trở nên giận dữ và bị các quan chức của Italy kéo ra khỏi sàn đấu sau đó.

Trận chung kết giữa Jones và Park diễn ra vào đúng ngày thi đấu cuối cùng của boxing tại Olympic 1988, và tay đấm người Mỹ, với đầy đủ sự tự tin đã tung tổng cộng 86 cú đấm về phía đối phương.

Trong khi đó, Park chỉ có 32 cú đấm. Máy đếm của NBC ghi lại được lần lượt số điểm 20-3, 30-15 và 36-14 với lợi thế nghiêng về Jones qua các hiệp đấu. Park còn có 2 lần bị trọng tài cảnh cáo. Khi xem lại băng ghi hình, ai cũng thừa nhận đây là trận đấu một chiều.

Tuy nhiên, 3 giám khảo của trận đấu hôm đó không nghĩ vậy. Bob Kasule người Uganda, Alberto Duran người Uruguay và Hiouad Larbi người Morocco chấm cho Park phần thắng chung cuộc, hai giám khảo người Liên Xô và Hungary chấm cho Jones.

Khi trọng tài điều khiển trận đấu, Aldo Leoni giơ tay Park lên cao, chiến binh Hàn Quốc trông có vẻ xấu hổ tột độ. Bản thân Leoni có vẻ ghê tởm trước các quyết định của ban giám khảo.

“Tôi không thể tin họ đã làm điều này với anh”, Leoni thì thầm với Jones, người đang quẫn trí vì thất bại.

Khi Jones bước lên bục nhận huy chương bạc, anh nhận được sự tung hô từ bốn phía nhà thi đấu. Park trông ngượng ngùng và toát mồ hôi liên tục. VĐV người Hàn Quốc cầm nắm đấm của Jones và giơ lên cao.

 Trọng tài điều khiển trận đấu, Aldo Leoni giơ tay Park Si-hun. Đứng bên cạnh là Jones. Ảnh: Getty.

Trọng tài điều khiển trận đấu, Aldo Leoni giơ tay Park Si-hun. Đứng bên cạnh là Jones. Ảnh: Getty.

Jones vẫn sốc, nhưng anh không hề trách đối thủ của mình: “Tôi không trách Park. Anh ấy không phải người cho điểm. Đây là điều tệ nhất tôi từng trải qua trong đời. Tôi đã vứt tấm huy chương bạc ra khỏi cổ ngay khi họ trao nó cho tôi. Thật tồi tệ”.

Rod Robertson, một trong những giám khảo uy tín nhất của boxing thế giới gọi các quyết định nói trên là đáng khinh bỉ nhất trong lịch sử môn quyền anh.

“Thế giới đều biết vận động viên của tôi mới là người thắng”, Ken Adams, HLV trưởng tuyển boxing Mỹ bức xúc tuyên bố. Chính Jones sau này tiết lộ Park đã vô cùng xấu hổ vì món quà mà người ta trao vào tay mình.

Tiết lộ gây sốc

Những gì Larbi, một trong 3 trọng tài chấm cho Park thắng, tiết lộ sau đó khiến công chúng sốc nặng.

“Thật là kinh khủng, tôi chấm cho VĐV người Hàn bởi vì tay đấm Mỹ thắng trận đấu quá dễ dàng”, trọng tài người Morocco nói trên Sports Illustrated. “Tôi cho điểm Park vì tinh thần thể thao, để tỷ số cuối cùng là 4-1 cho Jones và không làm xấu hổ nước chủ nhà”.

Tuy nhiên, chẳng ai tin điều ấy. Larbi, Kasule và Duran cũng chính là những người đã giúp cho Kim Kwang-Sun giành tấm huy chương vàng ở hạng cân 51 kg trước võ sĩ người Đông Đức Andreas Tews. Đoàn Hàn Quốc đạt được 2 tấm huy chương vàng ở môn boxing Olympic 1988.

Vài ngày trước, trong trận đấu giữa tay đấm người Bulgaria Alexander Hristov và tay đấm người Hàn Quốc Byun Jong-il, trọng tài người New Zealand Keith Walker đã phạt Byun hai lỗi dẫn đến thất bại cuối cùng của VĐV nước chủ nhà.

Các quyết định của Walker dẫn đến sự phẫn nộ từ các quan chức Hàn Quốc. Họ lao lên sàn đấu và đấm đá vào mặt trọng người New Zealand. Walker bỏ chạy khỏi sàn đấu và ngay lập tức bay khỏi Hàn Quốc.

 HLV đội boxing Hàn Quốc nhảy lên sàn đòi đánh trọng tài người New Zealand Keith Walker sau khi ông này phạt Byun Jong-il. Ảnh: Getty.

HLV đội boxing Hàn Quốc nhảy lên sàn đòi đánh trọng tài người New Zealand Keith Walker sau khi ông này phạt Byun Jong-il. Ảnh: Getty.

Trong khi đó, Byun ngồi lỳ trong sàn đấu 67 phút để phản đối kết quả. Larbi, Kasule và Duran ban đầu bị cấm điều hành các trận đấu 6 tháng sau một cuộc điều tra gian lận. Tuy nhiên, đến cuối cùng Hiệp hội quyền Anh nghiệp dư thế giới (AIBA) đã tuyên họ trắng án.

Nhiều năm sau, Tổng thư ký AIBA Karl-Heinz Wuhr thừa nhận nước chủ nhà Hàn Quốc đã liên tục hối lộ và thao túng ông. Họ muốn AIBA rút lại các quyết định trừng phạt những giám khảo đã chấm cho các VĐV nước chủ nhà.

Ông cũng cho biết trong đội ngũ các giám khảo làm việc ở môn boxing Olympic năm đó, luôn có những người sẵn sàng chấm cho các tay đấm Hàn Quốc chiến thắng.

Trong tài liệu điều tra được công bố sau đó, nhà báo Andrew Jennings tìm thấy các bằng chứng cho biết tiền hối lộ đã được trả cho 3 giám khảo đến từ châu Phi, một người từ Nam Mỹ. Trọng tài điều khiển trận đấu, Leoni cáo buộc đồng nghiệp người Argentina đã được phía Hàn Quốc tặng phong bì.

Bất chấp những cáo buộc nói trên, Jones chưa bao giờ được trao tấm huy chương vàng đáng lẽ ra của mình.

Năm 1997, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) thừa nhận các giám khảo có đi ăn tối cùng ban tổ chức nước chủ nhà. Tuy nhiên, IOC tuyên bố không tìm ra bằng chứng xác thực nào.

Nỗi ô nhục lớn nhất trong lịch sử Olympic đã dẫn đến hệ thống tính điểm điện tử mới trong môn boxing sau đó. Cải cách nói trên tất nhiên không thể ngăn chặn hoàn toàn sự gian lận và tranh cãi trong môn quyền anh ở Olympic, với thể thức tính điểm nhạy cảm.

Tuy nhiên, ít ra nó sẽ không bao giờ làm tái diễn trận đấu ô nhục nhất lịch sử Olympic, như giữa Jones và Park năm nào.

Võ sĩ boxing sắp trở lại sau án phạt cưỡng hôn nữ phóng viên Võ sĩ quyền anh hạng nặng Kubrat Pulev từng bị tước găng thi đấu vì cưỡng hôn nữ phóng viên, chuẩn bị trở lại trong trận tranh đai vô địch IBF với Anthony Joshua ngày 20/6.

Hồng An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/man-gian-lan-tai-tieng-nhat-cua-boxing-han-quoc-tai-olympic-post1079521.html