Man mác Biển Hồ
Rảo khúc Mê Kông
>>>Đã đến Viên Chăn
>>>“Thành phố lớn” bình yên
>>>Bất ngờ nơi ngã rẽ Mê Kông
LCĐT - Từ thủ đô Phnôm Pênh, ngồi ô tô chừng 5 tiếng chúng tôi vượt quãng đường 314 km để đến Siêm Riệp. Đã sát giờ hẹn làm việc nên chúng tôi đến luôn trụ sở Sở Thông tin tỉnh Siêm Riệp. Cuộc làm việc của chúng tôi diễn ra thân tình, cởi mở. Giám đốc Sở Thông tin Siêm Riệp Sokhon luôn nở nụ cười tươi và vui vẻ hẹn giờ đưa đoàn chúng tôi thăm Biển Hồ.
Tuyến đường từ trung tâm Siêm Riệp đến Biển Hồ không xa lắm nhưng nhỏ, hẹp, nên ô tô không thể phóng nhanh. Gần 30 phút lắc lư trên đường, chúng tôi tới Biển Hồ. Trời nắng chang chang vẫn không ngăn nổi dòng du khách nối chân ra bến tàu đang ken nhau chờ đón. Trước khi xuống tàu, thấy một người đàn ông giơ máy ảnh ra chụp từng người, tôi cứ ngỡ đó là người của Sở Thông tin Siêm Riệp chụp ảnh cho đoàn (bởi từ lúc chúng tôi tới làm việc đến mọi nẻo hành trình đều có phóng viên báo chí của Sở Thông tin Siêm Riệp đi theo tác nghiệp).
Tàu chúng tôi rời bến chỉ mấy phút đã thấy nhiều chiếc thuyền nhỏ chạy tới vây xung quanh. Chúng tôi tò mò và có phần thương cảm những đứa trẻ đứng trên chiếc thuyền “bé tẻo teo” nhấp nhô theo từng con song nhỏ. Đáng sợ và đáng thương hơn là trên cổ những em bé da đen nhẻm nắng gió có những con trăn ngọ nguậy, chỉ nhìn thôi đã hãi! Vậy mà các em vẫn vô tư đùa cợt giữa từng cơn sóng mặc người lớn vừa điều khiển “những chiếc lá tre” vừa giơ tay, miệng lẩm nhẩm điều gì đó bị tiếng máy tàu át đi. Khi thấy chúng tôi trao đổi với nhau bằng tiếng Việt, cả người lớn và lũ trẻ trên “những chiếc lá tre”, thậm chí có em bé đứng trên nửa chiếc thùng phi dập dềnh (chỉ nhìn thôi đã thấy chóng mặt) ngửa tay về phía chúng tôi nói bằng tiếng Việt: Xin các cô, các chú cho cháu ít tiền mua gạo!
Ngạc nhiên hỏi bạn người địa phương thì được biết họ là người Việt sinh sống tại đây. Ở vùng này có gần 1.000 hộ dân gốc Việt đang mưu sinh trên các làng nổi làm đủ nghề: Chài lưới bắt cá trên sông, buôn bán trên những con thuyền nhỏ chòng chành... Hình ảnh bám theo du khách có lẽ đã quen thuộc với những ai từng đến Biển Hồ. Với chúng tôi lần đầu đến chợt thấy nhói lòng. Bao câu hỏi chợt nảy ra: Trời nắng thế các em nhỏ có bị ốm đau không? Sao bọn trẻ lam lũ thế? Các em không đến trường học sao?
Chưa tìm được câu trả lời thì tàu cập mạn một khu nhà nổi. Ven dòng nước đỏ ngầu phù sa nổi bật khu nhà màu xanh dập dềnh. Tấm biển “Trung tâm giáo dục và từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo” thu hút không chỉ đoàn chúng tôi mà có lẽ bất cứ tàu, thuyền du lịch nào qua đây cũng đều dừng lại. Từ trên tàu xuống khu nhà nổi đã thấy các cháu nhỏ có điểm chung là da đen nhẻm, ngồi xếp bằng, đôi mắt trong veo ngơ ngác nhìn từng người lạ lẫm. Có tiếng hô là các cháu đồng loạt khoanh tay, líu ríu cất tiếng chào. Trong dập dờn sóng nước, trong ồn ào lời chuyện trò, tôi tranh thủ hỏi người đàn ông mái tóc ngả muối tiêu đứng bên cạnh. Ông là Trần Văn Sương, quê ở Cà Mau sang đây từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ông thổ lộ: Thương hoàn cảnh các em nhỏ con em Việt kiều sống trong nghèo nàn, trường học thì ở xa nên dễ thất học, trong khi hàng ngày bám theo bố mẹ mưu sinh giữa mênh mông vùng sông nước này, thầy Trần Văn Tư từ quê Tây Ninh sang đây gom góp mở lớp học dạy miễn phí cho trẻ em. Những ngày đầu rất vất vả, thầy phải đến từng nhà vận động cha mẹ cho con em mình đi học, rồi loay hoay tìm nguồn tài trợ nuôi học sinh ăn ở tại chỗ để duy trì lớp học. Dần dần ngôi trường phát triển, có lúc hơn 300 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 theo học. Hiện nay, trường có 265 học sinh hàng ngày học hai buổi miễn phí, ăn ba bữa tại lớp. “Thế nguồn tiền ở đâu ra?”. Tiền quyên góp từ các đoàn khách đến thăm trường, trông chờ vào các nhà hảo tâm, tài trợ; nếu thiếu thì thầy Hiệu trưởng Trần Văn Tư về quê xin tài trợ đem sang nuôi học sinh. Hôm nay các anh đến không gặp thầy Tư bởi thầy đang về quê Tây Ninh, chỉ có vợ thầy đang đứng kia và tôi, cùng thư ký của Hiệu trưởng quản lý các cháu. Trường hiện có 3 giáo viên người Campuchia dạy học sinh tiếng Khmer, 5 giáo viên người Việt Nam dạy học sinh tiếng Việt. Tất cả đều vì học sinh nghèo, nếu chỉ nghĩ cho riêng mình có lẽ không giáo viên nào trụ lại được lâu! Học hết lớp 5, các cháu phải lên bờ hoặc về Việt Nam học tiếp THCS. Sự học ở đây vẫn còn gian nan lắm. Cũng may, nhà trường nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành. Năm 2011, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tài trợ làm thêm 2 nhà bè, nâng số phòng thành 5 phòng học… Thầy Hiệu trưởng năm nay đã 82 tuổi, tôi cũng qua tuổi “thất thập cổ lai hy” (là em, là bạn nên tới đây phụ giúp thầy Tư) vì thương các cháu quá lên vẫn cố sức lo được chừng nào hay chừng đó.
Trước lúc rời trường, đoàn chúng tôi quyên góp tiền ủng hộ. Các cháu học sinh tiễn đoàn bằng lời hát “Trái đất này là của chúng mình” dẫu chưa đều, có giọng chưa tròn vành rõ chữ nhưng chúng tôi thấy ấm lòng hơn, thầm cảm phục các thầy cô giáo, nhân viên nhà trường luôn nỗ lực vì tương lai các cháu.
Tàu tiếp tục hành trình, lúc này không có thuyền của người dân bám theo nữa, chúng tôi thảnh thơi ngắm trời mây sông nước. Qua khúc ngoặt cửa sông, qua khu làng nổi, Biển Hồ hiện ra mênh mông, có người reo to: Ô! Biển kìa! Thì đúng là biển mà (dù là hồ nhưng rộng tới 16.000 km2 vào mùa mưa lũ nên quen gọi Biển Hồ). Sóng nhẹ mơn man, có con tàu rộng dài khoan thai neo giữa sắc nước sậm phù sa. Các tàu, thuyền chở du khách đều đi chậm, vòng đi vòng lại cho du khách chụp ảnh lưu giữ khoảnh khắc giữa Biển Hồ. Chợt nhìn thấy cô bạn trong đoàn ngồi trầm tư bên mạn tàu: “Em thương lũ trẻ vùng sông nước này quá!”. Lòng chợt man mác nơi Biển Hồ bao la…
Kết thúc hành trình thăm Biển Hồ, chúng tôi lên xe trở về thì một nhóm người đến xòe những chiếc đĩa nho nhỏ có in hình (là hình từng thành viên trong đoàn lúc chúng tôi chuẩn bị xuống tàu ra Biển Hồ có người đàn ông đứng chụp ảnh, cô gái trong đoàn tưởng được chụp ảnh miễn phí còn vô tư tạo dáng cho đẹp). Hóa ra đó là những người làm dịch vụ chụp ảnh, in vào đĩa lấy ngay giống như cách làm ở một số điểm du lịch: Họ cứ chụp ảnh, cứ in ra, khách nào thích thì lấy ảnh, giá có thể mặc cả, khách nào không thích cũng không sao, họ không ép buộc hay to tiếng đòi hỏi.
Dẫu thời gian du ngoạn không nhiều nhưng Biển Hồ vẫn lưu lại trong du khách khung cảnh yên bình, thân thuộc như vùng quê sông nước với những ngôi nhà nổi nhỏ bé tựa sát bên nhau, dìu nhau qua thời gian. Những ngôi chùa bềnh bồng trên sông nước như điểm tựa tinh thần cho dân làng; trường học vang tiếng học bài bằng cả tiếng Khmer và tiếng Việt thấy ấm lòng. Và mong nỗi man mác sớm vợi bớt…
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/man-mac-bien-ho-z62n20191126101557929.htm