Mãn nhãn siêu cây triệu đô của nghệ nhân tiêu biểu Đông Nam Á
Tác phẩm siêu cây triệu đô có tên 'Ngai vàng đất Việt' đang ở mùa sung sức nhất, lớp lá xanh mịn màng phủ kín tàn cây. Chủ nhân của nó vừa được công nhận là 'Nghệ nhân tiêu biểu Đông Nam Á'.
Từ lâu, tác phẩm cây cảnh "Ngai vàng đất Việt" được giới chơi cây trong nước và quốc tế biết tới như một tác phẩm để đời. Chủ nhân sở hữu tác phẩm này là nghệ nhân Lê Đức Nam, sinh năm 1975, Hà Đông, Hà Nội.
"Ngai vàng đất Việt" là một cây sanh cổ thụ - loại cây cảnh được giới chơi cây cảnh Việt Nam tạo tác từ hàng trăm năm qua, như một loại cây truyền thống, luôn giữ mãi đam mê cho người chơi bởi sự biến hóa sinh động và khôn lường.
Trong làng cây, những tác phẩm siêu kinh điển có giá triệu đô (tương đương vài chục tỷ đồng) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người sở hữu những tác phẩm kinh điển này hầu hết là các đại gia có tên tuổi ở Việt Nam, cùng có điểm chung là đam mê cây cảnh.
"Ngai vàng đất Việt" là siêu phẩm triệu đô nhưng người sở hữu nó không phải đại gia. Anh cũng không bỏ hàng chục tỷ đồng để mua siêu cây về sở hữu. Lê Đức Nam là một nông dân sinh ra và lớn lên ở làng Đồng Mai. Khi làng lên phố, làng của anh mới có tên "phường Đồng Mai".
Khác với chủ nhân của các siêu cây triệu đô khác, "Ngai vàng đất Việt" là "con đẻ" do chính Lê Đức Nam thai nghén, hoàn thiện trong nhiều năm.
Ban đầu, nó chỉ là một phôi cây anh mua với giá 10 triệu đồng từ thời điểm gần 20 năm trước. Bằng sự sáng tạo, anh đã thổi hồn vào cây, biến nó thành một tác phẩm kinh điển khiến giới am hiểu về nghệ thuật cây cảnh luôn phải ngả mũ kính phục.
Lê Đức Nam không bao giờ giấu giếm câu chuyện đó. Anh luôn nói với mọi người về tuổi thơ mò cua bắt ốc, anh dành dụm từng đồng để nuôi dưỡng niềm đam mề cây cảnh.
Đến thời điểm hiện tại, khi đã xếp vào hàng tỷ phú đô-la (nếu anh chỉ cần gật đầu chuyển nhượng tác phẩm cây Ngai vàng đất Việt của mình) - Lê Đức Nam vẫn là một thợ làm cây cảnh, rong ruổi đi khắp các vùng miền, tỉnh thành, sang cả nước ngoài để... uốn cây cảnh thuê cho các đại gia.
Thế nhưng, những người biết Lê Đức Nam đều biết, anh không phải là một người thợ uốn cây cảnh bình thường như bao thợ làm cây ở các làng nghề cây cảnh khác. Để mời được anh về tạo tác cho tác phẩm của mình, không nói về số lượng tiền công, chủ nhân đó phải có một chữ "duyên" với Lê Đức Nam.
Anh nhiều việc đến nỗi, anh rong ruổi nhiều tháng trời chưa về được nhà. Vợ anh phải nghỉ việc để ở nhà chăm sóc các con để chồng thỏa sức làm việc mình thích...
Vì sao cây sanh cổ ôm đá được đặt tên là "Ngai vàng đất Việt"? Lê Đức Nam chưa bao giờ lý giải điều này. Nhưng, những người hiểu anh sẽ biết dụng ý của chủ nhân: Đó là mong muốn được lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật do chính những người dân đất Việt làm ra. Nó là biểu trưng của lòng tự tôn, sự kiêu hãnh, là thứ để mang đi "thi đấu" trên trường quốc tế.
Trong số những siêu tác phẩm nghệ thuật đó, "Ngai vàng đất Việt" là tác phẩm biểu trưng, gắn với hình tượng của một chiếc ngai vừa vững chãi, vừa truyền thống lại vừa kiêu hãnh, quyền lực.
"Nếu cần tiền, tôi đã bán nó từ rất lâu, và đã trở thành tỷ phú từ rất lâu nhưng tôi không bao giờ bán. Tôi muốn giữ tác phẩm này bên mình bởi nó là bản quyền của mình, là trí tuệ của chính mình. Nó là sản phẩm của cả một quá trình chinh phục. Tác phẩm ấy, nó đã làm lành nhiều vết thương theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng cho tôi" - Lê Đức Nam cho hay.
Dáng người nhỏ, rắn đanh, gương mặt cương nghị với làn da rám nắng vì thời gian đứng ngoài nắng để làm cây nhiều hơn thời gian nghỉ ngơi - Lê Đức Nam là người thâm trầm, ít nói. Sự nổi tiếng của anh còn được biết đến trên mạng xã hội với một kênh Youtobe (do một người khác làm được sự đồng ý của anh) thu hút hàng chục ngàn người theo dõi.
Ngày 16/1 vừa qua, anh được nhận danh hiệu Nghệ nhân tiêu biểu Đông Nam Á do Viện Khoa học phát triển nhân tài và Trí tuệ Việt; Viện nghiên cứu văn hóa phương Đông trao tặng.