Mới đây, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đức tại Hà Nội đã công bố kết quả của Cuộc thi ảnh Việt Nam với chủ đề “Lan tỏa sự quan tâm, Chia sẻ tầm nhìn về đa dạng văn hóa”.
Sau ba tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được sự tham gia của đông đảo người dân Việt Nam, tạo ra “kính vạn hoa” về vẻ đẹp đa dạng văn hóa. Ngoài vinh danh 3 tác giả đoạt giải Nhất, Ban Tổ chức còn chọn ra 10 giải Khuyến khích và 15 tác giả để trao giấy chứng nhận danh dự từ UNESCO.
Với thông điệp “Showing we care, sharing our vision on culture diversity” (Chúng tôi quan tâm tới văn hóa, chúng tôi chia sẻ góc nhìn về đa dạng văn hóa), Cuộc thi thể hiện các nội dung: phong cảnh của di sản và di tích; sự chuyển giao và kế thừa văn hóa qua các thế hệ; nghệ thuật và sáng tạo; sự hòa hợp của con người và thiên nhiên.
Tác phẩm của Đinh Công Tâm. (Nguồn: BTC)
Giành giải Nhất vớt tác phẩm “Bạn nghề”, tác giả Đinh Công Tâm hiện sống tại Sóc Trăng, là một bác sỹ nhưng yêu thích nhiếp ảnh và thường dùng thời gian ngoài giờ làm việc của mình để đi chụp ảnh, coi đây là cách cân bằng cuộc sống. Đề tài tác giả thường chụp là di sản và văn hóa các dân tộc. Bức ảnh của anh được trích trong chùm ảnh “Mặt Tướng trong Hát Bội Nam Bộ” được thực hiện từ năm 2015 đến nay, nhằm ghi chép lại sự độc đáo của di sản văn hóa phi vật thể mà hiện nay đang dần bị mai một.
"Tôi đã theo đuổi chụp ảnh hậu trường các buổi biểu diễn nghệ thuật từ năm 2015. Hình ảnh này được tôi chụp phía sau sân khấu của một buổi biểu diễn Hát Bội ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Có lẽ, với tôi, điều độc đáo và ấn tượng nhất chính là ngắm nhìn các nghệ nhân và nghệ sĩ hóa trang trong các vai tướng, vai vua ở các vở Hát Bội tại Nam Bộ”, Đinh Công Tâm chia sẻ.
Tác phẩm giải Nhất của Ngô Thị Thu Ba. (Nguồn: BTC)
Tác giả Ngô Thị Thu Ba dành giải Nhất cùng “Bức họa ven biển” cho biết, bức hình được tôi chụp tại Bà Rịa, Vũng Tàu. Sự lao động nhịp nhàng hòa quyện trên nền cát của bờ biển, với đường cong uốn lượn tự nhiên của những vân cát cùng màu nước biển xanh trong, tương phản với màu vàng nâu của cát... Tất cả đã tạo nên bức tranh sinh động, ấn tượng và rất đặc trưng cho vùng ven biển Việt Nam.”
Chị Ngô Thị Thu Ba kinh doanh lĩnh vực in ấn từ 1997, nhiếp ảnh đã giúp chị cân bằng giữa những lo toan trong kinh doanh và những bận rộn của việc gia đình. “Được ngắm nhìn thiên nhiên, con người trên các nẻo đường đất nước đối với tôi là niềm hạnh phúc, nhưng càng hạnh phúc hơn khi tôi có thể ghi lại, lưu giữ lại những cảm xúc thăng hoa đó cùng những khoảnh khắc đẹp, qua những sắc màu, những góc máy của nhiếp ảnh", tác giả cho hay.
Tác phẩm giải Nhất của Phan Vũ Trọng. (Nguồn: BTC)
Còn với tác phẩm giành giải Nhất "Du lịch sinh thái rừng dừa ngập mặn Bảy Mẫu", tác giả Phan Vũ Trọng cho biết anh có sở thích chụp khung cảnh thiên nhiên và các hoạt động liên quan đến du lịch sinh thái cộng đồng. Bức hình này được anh chụp tại thời điểm tháng 2/2020, ngay sau khi mọi hoạt động trở về trạng thái bình thường sau khủng hoảng trầm trọng của dịch Covid-19 lần thứ nhất. Bà con địa phương ở khu vực rừng dừa Bảy Mẫu, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An bắt đầu hoạt động và đón khách trở lại.
"Hiện nay, du lịch sinh thái cộng đồng nơi đây mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho địa phương, không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái rừng dừa, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo ở địa phương", anh nói.
Cùng chiêm ngưỡng những tác phẩm xuất sắc khác: (Nguồn: Văn phòng UNESCO tại Việt Nam)
Tác giả Thạch Minh Lễ với dàn nhạc ngũ âm được coi là tinh hoa của một nền âm nhạc có truyền thống lâu đời, gắn bó với đời sống tinh thần người Khmer.
Tác giả Nguyễn Trọng Đợi chụp hoạt động của ngư dân xã Nhơn Hải đang đánh cá để làm thức ăn nuôi mực trong các bãi rong mơ.
Tác giả Lê Hồng Đức chụp diễn viên, người đẹp Sùng Thu Thủy trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Để có được sự thành công như ngày hôm nay, cô đã được sự hỗ trợ và giúp sức rất lớn của của các bà, các mẹ các chị....và đặc biệt là từ cộng đồng văn hóa truyền thống của người Nùng U, quê hương Hà Giang của cô.
Tác giả Alex chụp cảnh Cao Bàu Cá Cái (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) được quy hoạch trồng cây cóc trắng để phòng hộ chắn sóng, cải thiện môi trường và du lịch sinh thái, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân vùng ven biển.
"Nối nghiệp" của tác giả Trương Thế Cầu. Để có những nong kén vàng óng, chỉ còn lại rất ít địa phương duy trì được nghề ươm tơ, dệt lụa truyền thống, trong đó tiêu biểu có xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình."
"Bức họa đồng quê" của tác giả Trần Đức Chí Kiên. Một sáng đẹp trời, đàn trâu được người đàn ông lùa ngang qua ngôi nhà và đàn vịt chuẩn bị ra đồng, để lại vệt bùn trên mặt nước vàng. Ông là Phạm Đức Quang (hay còn gọi là Ông Đa, 55 tuổi). Ngôi nhà hình trái tim được ông Đa dựng giữa sông cách đây 25 năm, tạo nên một sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên tuyệt đẹp.
"Hạnh phúc đơn sơ" của tác giả Trương Anh Vũ. Gia đình nhỏ của anh Tuấn đi du lịch tại biển Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận.
"Hoa đồng nội" của tác giả Hoàng Bích Nhung. Đến mùa nước nổi, những cánh đồng tràn ngập phù sa mang lại sức sống cho những bông súng thêm xanh tốt. Người dân càng có dịp thỏa lòng xếp những bông hoa xinh đẹp của miền sông nước.
"Vá lưới" của tác giả Nguyễn Văn Dũng. Nghề đan vá lưới đánh cá ở phường Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã thu hút hàng nghìn lao động nữ có việc làm thường xuyên.
"Vào mùa" của tác giả Nguyễn Thanh Cường là hình ảnh ngư dân Bình Thuận đang chải lưới để rũ cá sau chuyến ra khơi.
"Bánh hỏi ra lò" của tác giả Trương Anh Vũ. Làng nghề làm bánh hỏi ở khu phố Phú Thịnh, thị trấn Phú Long, tỉnh Bình Thuận. Hiện nay, bà con giữ gìn nghề làm bánh hỏi của ông cha để lại, tiếp tục phát triển thêm, để đem lại nguồn thu nhập cho người dân nơi đây.
"Niềm vui bên khung cửi Pà Thẻn" của tác giả Lê Hồng Đức. Ảnh chụp những nụ cười bên khung cửi dệt của người Pà Thẻn. Nghề dệt vải truyền thống của người Pà Thẻn tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, Lâm Bình, Tuyên Quang được lưu giữa và phát triển lâu đời.
"Tôi với bà" của tác giả Đàm Thuận Mạnh. Bức ảnh chụp Ông và Bà ở Hưng Yên, cùng nhịp sống thường ngày dung dị đơn sơ.
"Hội An mưa chiều qua phố" của tác giả Bùi Minh Châu. Cơn mưa bất chợt về trên phố cổ Hội An một chiều tối cuối thu, trú vội bên trong một ngôi nhà cổ kính, trước sự bình dị của phố cổ, người mẹ chở con qua phố trong mưa. Hình ảnh cánh cửa gỗ xếp, mái ngói âm dương, mọi thứ thật mộc mạc, giản đơn đến mức khó tưởng tượng.
Tác giả Đồng Tiệp Khắc với cảnh đẹp Hà Giang.
Tác giả Nguyễn Thu Hồng: Sắc hoa đào hồng xen giữa hoa cải vàng rực rỡ, mùa xuân đã ngập tràn nắng trên cao nguyên đá khô cằn.
Tác giả Trần Bảo Hoa: Hình ảnh ruộng bậc thang Mâm Xôi - Mù Cang Chải với những sóng mây bồng bềnh hiện lên trong đêm trăng thật ảo diệu.
Tác giả Hồ Đăng Khoa: Nước mắm Phan Thiết cho đến tận ngày nay vẫn luôn làm tròn nhiệm vụ gìn giữ truyền thống vốn có trong từng giọt nước mắm ngon sạch nguyên chất, dù đã trải qua rất nhiều thăng trầm của 300 năm làng nghề.
Tác giả Nguyễn Minh Trí: Bản sắc văn hóa Cồng chiêng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Tác giả Dương Công Sơn: Bến Nôm thuộc tỉnh Đồng Nai, vào khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm, nguồn nước nơi đây trở thành một màu xanh tuyệt đẹp do rêu mọc khắp nơi dưới lòng hồ. Ngư dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt cá.
Tác giả: Người dân Cà Mau phơi lưới sau những chuyến ra khơi.
Tác giả Phạm Văn Phùng: Bức ảnh trên sông Hoài, phố cổ Hội An được chụp vào ngày cuối cùng của đợt cách ly lần 2 trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 ở Phố Hội.
Tác giả Nguyễn Đặng Việt Cường: Khi quan sát từ trên cao, tấm lưới vây đánh bắt cá cơm tạo hình giống cánh chim biển giữa đại dương mênh mông. Hình được chụp tại Hòn Yến, Phú Yên. Nơi đây được xem là thủ phủ của nghề đánh bắt cá cơm bằng lưới vây truyền thống.
Tác giả Kim Bùi Mạnh: Nghề kéo rớ chồ là hoạt động mưu sinh chính của hàng trăm gia đình sinh sống ở Cửa Đại. Nơi đây có hàng trăm chiếc rớ hiện hữu trên mặt nước mênh mông tạo nên một cảnh đẹp nên thơ nơi miền sông nước Cửa Đại, Quảng Nam.
Tác giả Trần Văn Hồng: Tên gọi nón ngựa đã nói lên cái riêng biệt, vừa dẻo dai bền bỉ. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, chiếc nón không chỉ dùng để đội đầu che mưa, che nắng mà còn là món hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Bình Định.