Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Trăng tròn tháng 7 còn được gọi là Trăng hươu đực (Buck Moon) vì đây là thời điểm hươu đực thay lông và mọc lại gạc. Trong ảnh, du khách chứng kiến siêu trăng "hươu đực" tại Moscow, Nga.
Nhiều người tranh thủ chụp lại khoảnh khắc siêu trăng xuất hiện trong tháng 7 năm nay, thời điểm trăng tròn lớn hơn và sáng hơn các kỳ trăng tròn khác.
Siêu trăng "hươu đực" ở phía sau ngọn hải đăng tại Saint-Nazaire, Pháp hôm 13/7.
Thuật ngữ "siêu trăng" được nhà thiên văn học Richard Nolle đặt ra vào năm 1979. Siêu trăng xảy ra khi Mặt Trăng vào thời kì Trăng tròn trùng với điểm cận địa - điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo hình elip của nó.
Tania de Sales Marques, nhà thiên văn tại Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich, cho biết thời điểm Trăng tròn ở điểm cận địa sẽ to hơn 14% và sáng hơn 30% so với khi ở điểm viễn địa - điểm Mặt Trăng cách xa Trái Đất nhất trong quỹ đạo, theo BBC.
Siêu trăng được nhìn thấy ở ngoài khơi thành phố Larnaca, Cyprus.
Bà de Sales Marques nói rằng Mặt Trăng trông có vẻ lớn hơn vào khoảnh khắc nó vừa xuất hiện là do hiệu ứng quang học "ảo ảnh Mặt Trăng".
Ngọn hải đăng ở Saint-Nazaire ở phía trước siêu trăng Buck vào tối 13/7.
NASA cho biết kỳ siêu trăng tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 12/8, thời điểm Trăng tròn đạt 90% điểm cận địa. Hồi tháng 6, người dân và du khách trên thế giới đã có dịp quan sát siêu trăng "dâu tây" (Strawberry Moon).
Trần Hoàng
Ảnh: Reuters