Màn 'so găng' kịch tính giữa ChatGPT và các biên tập viên sách

Trang The Conversation đã chia sẻ câu chuyện của các biên tập viên chuyên nghiệp tại Australia khi họ đánh giá khả năng chỉnh sửa truyện ngắn của ChatGPT.

Họ yêu cầu Chat GPT chỉnh sửa bản thảo và ấn bản cuối của truyện ngắn The Ninch (đã được xuất bản) và so sánh kết quả với 3 vòng biên tập riêng biệt của con người.

Vòng một: Bản thảo đầu tiên

Các tác giả bắt đầu sử dụng ChatGPT với việc đưa ra yêu cầu mang tính khái quát và đơn giản. “Xin chào ChatGPT, tôi có thể xin ý kiến biên tập của bạn về truyện ngắn mà tôi muốn gửi để xuất bản trên tạp chí văn học không?”.

Trả lời câu hỏi này, ChatGPT đã đưa ra một bản tóm tắt các chủ đề chính của truyện ngắn và đưa ra các gợi ý biên tập. Tuy nhiên, ChatGPT không nhận ra tác phẩm này đã được xuất bản cũng như không xác định được thể loại. Đây là những đánh giá cơ bản khi bản thảo đến tay các biên tập viên.

 Các biên tập viên kiểm nghiệm khả năng của ChatGPT. Ảnh: Shutterstock.

Các biên tập viên kiểm nghiệm khả năng của ChatGPT. Ảnh: Shutterstock.

Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, các đề xuất của ChatGPT tương đối đạt tiêu chuẩn và hợp lý như bổ sung thêm mô tả về bối cảnh, ngoại hình của các nhân vật, chia nhỏ các đoạn văn dài để khiến tác phẩm thân thiện hơn, thêm nhiều đoạn hội thoại để miêu tả nhân vật và giúp độc giả hiểu rõ nội dung hơn, chỉnh sửa câu văn ngắn hơn để bộc lộ nội tâm sâu sắc hơn…

Theo các biên tập viên, đây là những lời khuyên thường được đưa ra từ một hội thảo viết sáng tạo hoặc từ các cuốn sách về kỹ năng viết. Đây là những lời gợi ý một biên tập viên có thể đưa ra cho hầu hết văn bản, không cụ thể cho câu chuyện nào.

Vòng hai: AI viết lại

Lúc này, các biên tập viên yêu cầu Chat GPT viết lại văn bản theo đề xuất biên tập của chính nền tảng này. Phản hồi của Chat GPT thực sự gây thất vọng.

ChatGPT đưa ra một câu chuyện ngắn gọn hơn và được thay đổi hoàn toàn. Những mô tả về bối cảnh, hình ảnh gợi nhiều liên tưởng đã được thay thế bằng những cụm từ thiếu tế nhị, những miêu tả độc đáo của tác giả được thay đổi thành những khuôn sáo quen thuộc: “tiếng gầm của đại dương”, “mối liên kết không thể phá vỡ”… ChatGPT cũng đã thay đổi văn bản từ tiếng Anh kiểu Australia (quy định nước này đưa ra cho mọi ấn phẩm) sang chính tả và phong cách Mỹ.

Biên tập viên kỳ cựu Bruce Sims từng khuyên rằng công việc của biên tập viên không phải là chỉnh sửa mọi thứ mà là chỉ ra những gì cần sửa và sửa đổi một cách hợp lý. Nhưng ChatGPT không những không cải thiện tác phẩm mà còn khiến câu chuyện trở nên kém hay hơn.

Còn khi đưa bản thảo gốc đến tay các biên tập viên chuyên nghiệp, họ đã đưa ra nhiều nhận xét tinh tế hơn như: Chủ đề hay nhưng những câu trích dẫn về cảnh chết đuối lại nặng nề và tạo cảm giác khó chịu cho người đọc; cảm xúc của người kể chuyện đôi chỗ không phù hợp với hoàn cảnh. Biên tập viên tự do Nicola, người quen biết với tác giả, thậm chí còn tiến xa hơn khi yêu cầu nhà văn Rose viết lại câu cuối cùng cho đến khi cả hai đều cảm thấy phù hợp.

Như vậy, một biên tập viên giỏi là người có thể định hướng tác giả giải quyết các vấn đề về quan điểm và cảm xúc - vượt xa các cơ chế đơn giản về ngữ pháp, độ dài câu hay số lượng tính từ.

Và khi các biên tập gửi lại câu chuyện đã được họ chỉnh sửa cho Chat GPT với yêu cầu như ban đầu: “Xin chào ChatGPT, tôi có thể vui lòng xin ý kiến biên tập của bạn về truyện ngắn mà tôi muốn gửi để xuất bản trên tạp chí văn học không?”

ChatGPT đã phản hồi bằng một bản tóm tắt các chủ đề và đề xuất biên tập rất giống với những nội dung trước đây.

Lần này, các biên tập viên phải tách nhỏ thành từng đoạn văn 300-500 từ để ChatGPT có thể tiến hành chỉnh sửa và sau đó kết hợp lại theo cách thủ công.

Khi xem xét những thay đổi của ChatGPT, các biên tập viên thấy rằng nền tảng này không tạo điều kiện cho sự sáng tạo nghệ thuật. Ví dụ, ChatGPT khôi phục các giới từ như “in”, “at”, “of” và “to”, điều này làm chậm quá trình đọc và giảm tính sáng tạo của tác phẩm, đồng thời cũng thay đổi phong cách viết.

Vòng ba: Gửi tác phẩm cuối

Ở vòng thứ ba và cũng là vòng cuối cùng của thử nghiệm, các biên tập viên đã gửi tác phẩm được đăng cho Chat GPT và cũng vẫn với yêu cầu như ban đầu: Xin chào ChatGPT, tôi có thể vui lòng xin ý kiến biên tập của bạn về truyện ngắn mà tôi muốn gửi để xuất bản trên tạp chí văn học không?”

Một lần nữa, ChatGPT lại đưa ra danh sách các đề xuất biên tập như cũ và những đề nghị chỉnh sửa tương tự, nặng tính công thức và đi theo những khuôn mẫu văn học quen thuộc, không hề có tính sáng tạo và nghệ thuật.

 ChatGPT vẫn cần con người hỗ trợ để có thể phát huy khả năng trong việc biên tập. Ảnh: Shutterstock.

ChatGPT vẫn cần con người hỗ trợ để có thể phát huy khả năng trong việc biên tập. Ảnh: Shutterstock.

Đánh giá tổng thể về khả năng biên tập của AI này có thể thấy ChatGPT đưa ra một số đề nghị biên tập nghe có vẻ đáng tin cậy lúc ban đầu. Tuy nhiên, một vấn đề lớn là ChatGPT không yêu cầu xác minh quyền tác giả. Một tạp chí hoặc nhà xuất bản sẽ yêu cầu tác giả xác nhận văn bản là tác phẩm gốc của chính họ.

ChatGPT cũng chỉ đưa ra đề xuất mang tính công thức và không xác định được văn phong của chính tác giả hay tìm hiểu về định hướng, kế hoạch xuất bản của tác phẩm.

Và khi đưa ra những yêu cầu chỉnh sửa chi tiết hơn thì AI sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng. Chức năng chính của ChatGPT là đọc hiểu, kết hợp, tóm lược và chỉnh sửa văn bản theo khuôn khổ và tất cả đều chưa đủ cho công việc biên tập tiểu thuyết văn học.

Có thể thấy nếu không có sự can thiệp của con người, ChatGPT có thể sẽ gây hại nhiều hơn là giúp ích cho quá trình sáng tạo văn học. Nhưng khi được con người sử dụng, giống như bất kỳ công cụ nào khác, ChatGPT có thể phát huy khả năng tùy vào người sử dụng.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/man-so-gang-kich-tinh-giua-chatgpt-va-cac-bien-tap-vien-sach-post1460131.html