Màn 'so găng' lịch sử giữa ông Biden và ông Trump
Màn tranh luận ngày 27/6 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đánh dấu cuộc 'tái đấu' giữa 2 ứng cử viên tiềm năng trên đường đua vào Nhà Trắng 2024.
2 ứng cử viên hàng đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024 - Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump - dự kiến có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên sau 4 năm vào tối 27/6 (theo giờ địa phương).
Theo NPR, mặc dù hình ảnh này có thể trông khá giống với khung cảnh năm 2020, nhiều điều đã thay đổi kể từ đó. Một trong số đó là bộ quy tắc hoàn toàn mới sẽ được áp dụng trong sự kiện mang tính quyết định này.
Trước màn đối đầu, cuộc thăm dò ý kiến của AP cùng Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề công NORC công bố kết quả hôm 26/4, cho thấy phần lớn người trưởng thành Mỹ dự định theo dõi cuộc tranh luận.
Người ủng hộ ông Biden và ông Trump đều coi "màn đấu" là bài kiểm tra lớn đối với ứng cử viên của họ - hay thậm chí là cảnh tượng không thể bỏ lỡ.
“Tôi nghĩ điều đó cực kỳ quan trọng”, Victoria Perdomo, phụ nữ nội trợ 44 tuổi ở Coral Springs, Florida, cho biết. “Nó cho thấy nước Mỹ sẽ như thế nào trong 4 năm tới”.
Cuộc tranh luận chưa từng có tiền lệ
Vào mùa xuân năm nay, ông Biden và ông Trump đã đồng ý tham gia cuộc tranh luận tổng thống do các mạng truyền hình tổ chức vào tháng 6 và tháng 9 - khác hẳn với lịch trình và quy trình truyền thống của Ủy ban Tranh luận Tổng thống Mỹ.
Cuộc tranh luận đầu tiên dự kiến được CNN phát sóng lúc 21h theo giờ miền Đông nước Mỹ ngày 27/6 (tức 8h sáng 28/6 theo giờ Việt Nam) từ trường quay ở Atlanta, bang Georgia. Đây sẽ là cuộc tranh luận tổng thống sớm nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ khi diễn ra trước ngày bỏ phiếu (dự kiến 5/11) hơn 4 tháng, theo CBC.
Trước đó, CNN cho biết chỉ có ông Joe Biden và ông Donald Trump đáp ứng điều kiện để tham gia cuộc tranh luận này. Tiêu chí bao gồm xuất hiện trên đủ số phiếu bầu ở các bang để có khả năng giành chức tổng thống và nhận được tỷ lệ ủng hộ ít nhất 15% trong 4 cuộc thăm dò quốc gia riêng biệt dành cho cử tri đã đăng ký hoặc có khả năng bỏ phiếu.
Ứng viên tổng thống độc lập Robert F. Kennedy Jr không lọt vào danh sách này.
Điểm đặc biệt trong cuộc tranh luận này là lần đầu tiên kể từ năm 1976, sự kiện sẽ diễn ra mà không có khán giả trực tiếp “để bảo đảm ứng cử viên có thể tối đa hóa thời gian quy định”.
Quy tắc tranh luận
Các ứng cử viên sẽ xuất hiện trên bục phát biểu, được phát bút, giấy, nước nhưng không được sử dụng đạo cụ hoặc ghi chú.
Theo CNN, micro sẽ bị tắt tiếng trong suốt cuộc tranh luận, ngoại trừ khi đến lượt phát biểu của ứng cử viên. Người điều phối sẽ sử dụng tất cả công cụ theo ý mình để kiểm soát thời gian cũng như đảm bảo cuộc thảo luận văn minh.
"Họ không được phép nói chuyện với nhân viên của mình trong giờ nghỉ quảng cáo và micro sẽ bị tắt tiếng khi người kia đang nói", bà Mary Kate Cary - người từng viết diễn văn tại Nhà Trắng cho cựu Tổng thống George H. W. Bush - nói.
"Tôi nghĩ đó sẽ là sự tương phản lớn so với lần gần nhất 2 người này có cuộc tranh luận đầu tiên vào năm 2020", bà cho biết thêm.
Cuộc tranh luận sẽ do cặp đôi dẫn chương trình là Jake Tapper và Dana Bash của CNN chủ trì, kéo dài 90 phút và có 2 quãng nghỉ quảng cáo.
Ngoài ra, khác với những năm trước, 2 ứng cử viên không đưa ra phát biểu mở đầu. Mỗi ứng viên sẽ có một phút để chất vấn và 2 phút để phản biện. Kết thúc cuộc tranh luận, mỗi ứng cử viên sẽ có 2 phút để phát biểu kết thúc.
Đại diện chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden đã thắng vụ tung đồng xu. Điều này cho phép người thắng lựa chọn giữa việc đưa ra phần tranh biện cuối cùng hoặc vị trí trên sân khấu.
Phía ông Biden đã quyết định chọn bục tranh luận bên phải, vì thế người phát biểu cuối cùng để khép lại cuộc tranh luận là ông Trump.
Chủ đề tranh luận là gì?
Theo Al Jazeera, nhiều cuộc thăm dò cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người dân trước cuộc bầu cử và ứng cử viên chắc chắn sẽ được hỏi về chính sách kinh tế của họ.
Vấn đề nhập cư, an toàn công cộng và quyền sinh đẻ cũng có khả năng là chủ đề tranh luận vì chúng được xếp hạng cao trong mối quan tâm của cử tri.
Chính sách đối ngoại cũng là chủ đề được quan tâm trong cuộc bầu cử năm nay, và ứng cử viên dự kiến được hỏi về quan điểm của họ đối với các cuộc xung đột và sự cạnh tranh với Trung Quốc.
Ngoài ra, Tổng thống đương nhiệm Biden (81 tuổi) và cựu Tổng thống Donald Trump (78 tuổi), là những ứng cử viên lớn tuổi nhất từng tranh cử vào Nhà Trắng. Vì vậy, người xem chắc chắn sẽ đặt câu hỏi về khả năng nhận thức cũng như sự ổn định về mặt cảm xúc của họ.
"Đây sẽ là bài thử về năng lực nhận thức", Patrick Stewart - giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Arkansas - nói với Reuters. "Đây là cơ hội để chúng ta xem liệu năng lực họ có suy giảm hoặc đã suy giảm bao nhiêu".
“Tôi vừa bước sang tuổi 78, và thành thật mà nói, tôi lo ngại về những gì có thể xảy ra vào tối thứ năm khi các ứng cử viên lớn tuổi nhất từng tranh cử trong cuộc đua tổng thống sẽ tranh luận với nhau”, Robert Reich, cựu Bộ trưởng Lao động Mỹ, hiện là giáo sư chính sách công tại Đại học California, Berkeley, bình luận với Guardian.
“Tôi không lo lắng về việc ông Joe Biden sẽ sa sút tinh thần hoặc vấp ngã về thể chất, điều tôi lo ngại là có thể ông Biden sẽ trông mềm yếu còn ông Trump lại tỏ ra mạnh mẽ”.
Với tư cách là tổng thống đương nhiệm, ông Biden có thể sẽ phải đối mặt với những câu hỏi về vấn đề nóng bỏng mà đất nước đang phải đối mặt.
Brian Hughes, cố vấn cấp cao trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, nói với Reuters rằng lạm phát, nhập cư và “thế giới đang bùng nổ” với các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza là vấn đề chính mà họ muốn ông Biden nói đến.
Trong khi đó, ông Trump phải đối mặt với thách thức pháp lý kể từ khi rời nhiệm sở, bao gồm việc bị kết án trong vụ chi tiền bịt miệng sao khiêu dâm. Ông cũng phải đối mặt với 3 phiên tòa khác sắp diễn ra - bao gồm cáo buộc xử lý sai tài liệu mật và nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020.
Những vấn đề này đều có khả năng được đưa ra trong cuộc tranh luận. Tuy nhiên, người điều phối của CNN sẽ quyết định các câu hỏi.
Cuộc tranh luận có ý nghĩa như thế nào?
Các cuộc tranh luận tổng thống Mỹ thường thu hút hàng chục triệu người xem. Trong lịch sử, nó đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến diễn biến của một số cuộc đua.
Với việc nhiều cử tri vẫn chưa đưa ra quyết định, cuộc tranh luận sắp tới mang đến cho 2 ứng cử viên cơ hội.
Khoảng 47% người được hỏi tin rằng màn thể hiện của ông Biden sẽ cực kỳ quan trọng đối với chiến dịch tranh cử, trong khi 41% đưa ra nhận định tương tự về ông Trump, khảo sát của AP-NORC cho biết.
Cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew từ năm 2016 cho thấy 63% cử tri chia sẻ cuộc tranh luận tổng thống rất hữu ích hoặc phần nào hữu ích trong việc quyết định họ sẽ bỏ phiếu cho ai.
Alan Schroeder - giáo sư danh dự ngành báo chí tại Đại học Northeastern - giải thích điều đó đồng nghĩa ông Biden và ông Trump sẽ cố gắng sử dụng sự kiện này để thu hút một nhóm nhỏ "cử tri dễ dao động".
Với việc cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cả hai sít sao, Schroeder nhận định: “Cuộc tranh luận có thể trở nên quan trọng, đơn giản vì nó có khả năng phá vỡ tình trạng bế tắc đó”.