Màn thể hiện tích cực của Bộ trưởng Quốc phòng Đức sau hơn một tháng nhậm chức
Ít được biết đến ở trong và ngoài nước, trở thành một lựa chọn bất ngờ cho vai trò bộ trưởng quốc phòng Đức, nhưng ông Boris Pistorius đã chiếm được cảm tình của hầu hết những người từng chỉ trích mình chỉ sau 5 tuần đảm nhiệm cương vị mới.
Theo mạng tin Euractiv.de và báo Deutsche Welle (Đức) ngày 21/2, nhiều người ngạc nhiên khi Boris Pistorius được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng mới của Đức, nhưng chỉ sau 5 tuần, ông này dường như đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và chiếm được cảm tình của hầu hết những người từng chỉ trích mình.
Quản lý Bộ Quốc phòng Đức không phải là một công việc dễ dàng. Sau nhiều thập kỷ thiếu kinh phí và bị "lãng quên", quân đội Đức đang ở trong tình trạng khá "hoang tàn". Để tạo ra một bước ngoặt chiến lược, trong đó có việc cải cách quân đội Đức, là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn và thậm chí có khả năng chấm dứt sự nghiệp chính trị, như người tiền nhiệm của ông Pistorius, Christine Lambrecht đã phải trải qua một cách đau đớn.
Tuy nhiên, mặc dù thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực quốc phòng, nhưng ông Pistorius đã khiến nhiều người ngạc nhiên về tính chuyên nghiệp và khả năng thúc đẩy quá trình cải cách của quân đội Đức.
Chỉ trong khoảng 5 tuần tại chức, ông Pistorius đã vượt qua tất cả các đồng nghiệp của mình trong chính phủ Đức về mức tín nhiệm, hiện được xếp hạng là chính trị gia được yêu thích nhất ở trong nước.
Sự xuất hiện mới đây của ông Pistorius tại Hội nghị An ninh Munich cũng đã được phần lớn các chuyên gia đánh giá cao. Sau lần xuất hiện đầu tiên với vai trò bộ trưởng quốc phòng Đức tại Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần trước, nhật báo Thụy Sĩ Neue Zürcher Zeitung đã đưa tin rằng ông Pistorius đang được dự báo như một "nhà lãnh đạo" tiềm năng.
“Bộ trưởng Pistorius, sau 7 ngày nhậm chức, trông như thể ông ấy đã tại vị được bảy năm, trong khi bà Lambrecht, sau một năm, trông như thể mới chỉ nhậm chức được 7 ngày”, Frank Sauer, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Bundeswehr Munich, đã bình luận sau hội nghị.
Bộ trưởng Pistorius cũng có một thứ mà nhiều người tiền nhiệm của ông còn thiếu: khả năng lãnh đạo và tầm nhìn. Tất cả những thay đổi lớn gần đây trong cách tiếp cận của Đức đối với an ninh quốc tế đã được công bố bởi Thủ tướng Scholz, đều có đóng góp của ông Pistorius. Trong khi bà Lambrecht bị coi như "cái bóng" của Thủ tướng Scholz, ông Pistorius rõ ràng có kế hoạch riêng đang được thúc đẩy.
Liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, đầu tháng 2, chưa đầy một tháng sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Quốc phòng Pistorius đã có chuyến thăm không báo trước tới Ukraine - chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị này. Ông Pistorius đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp nước chủ nhà Oleksii Reznikov, đồng thời công bố kế hoạch hỗ trợ hơn 100 xe tăng Leopard 1, bên cạnh việc chuyển giao xe tăng chiến đấu Leopard 2 hiện đại đã được phê duyệt cho Ukraine.
Năm ngoái, Thủ tướng Scholz tuyên bố Đức sẽ chi thêm 100 tỷ euro trong những năm tới để hiện đại hóa lực lượng vũ trang nước này, Pistorius đang thúc đẩy điều đó. Ngân sách quân sự năm nay hiện được ấn định vào khoảng 50 tỷ euro, nhưng ông Pistorius đề nghị cấp thêm 10 tỷ euro để thực hiện đầy đủ cải cách trong đội sau hơn ba thập kỷ bị lãng quên và thiếu kinh phí.
Ông Pistorius tái khẳng định cam kết của Đức đạt được mục tiêu chi tiêu quân sự của NATO là 2% GDP (chi tiêu quân sự của Đức đạt khoảng 1,7% GDP vào năm 2022).
Việc tăng ngân sách đã chia rẽ trong nội bộ đảng cầm quyền SPD của Đức, khi một số người lo lắng rằng việc tăng thêm ngân sách sẽ hạn chế nguồn tài trợ cho nhiều dự án xã hội, nhưng ông Pistorius tự tin tuyên bố: “Chức vụ của tôi là Bộ trưởng Quốc phòng Đức và tôi phải thông báo rất rõ ràng những gì tôi làm là cần thiết cho các nghĩa vụ của chúng tôi đối với quân đội Đức và NATO".
Vẫn còn phải xem liệu "màn trình diễn" của Bộ trưởng Pistorius hiện thực hóa dược tham vọng của ông hay không nhưng cho đến nay, dường như ông Pistorius đã không gây thất vọng.