Màn trình diễn của Quang Hải và ranh giới ở tuyển Việt Nam
Với những sự thử nghiệm từ HLV Philippe Troussier, một cuộc cạnh tranh nóng bỏng hơn hứa hẹn xuất hiện ở tuyển Việt Nam.
Chiến thắng 1-0 trước Hong Kong (Trung Quốc) có thể không mang nhiều ý nghĩa khi đây là lần đầu tiên HLV Philippe Troussier ra mắt đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, nó cũng mang lại cho giới chuyên môn và người hâm mộ thêm một số góc nhìn về tuyển Việt Nam.
Quang Hải nhạt nhòa
Nguyễn Quang Hải chính là cái tên thu hút nhiều sự chú ý nhất trước khi trận đấu diễn ra. Dưới thời HLV Park Hang-seo, anh là trụ cột, là người thường xuyên tỏa sáng để mang về vinh quang cho các đội tuyển quốc gia.
Sau một mùa giải Quang Hải không được thi đấu nhiều tại Pháp, người hâm mộ chờ đợi được chứng kiến ngôi sao này tỏa sáng. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.
Trên sân Lạch Tray tối 15/6, Quang Hải được thi đấu trọn vẹn 90 phút. Ở tuyến giữa, anh vẫn hoạt động xông xáo, tích cực cầm bóng, nỗ lực đột phá hay xâm nhập vùng cấm.
Song, hiệu quả là điều Quang Hải còn thiếu. Anh có vài tình huống qua người hay, nhưng cũng chuyền hỏng nhiều và dứt điểm thiếu chính xác.
Rõ ràng, việc không được thi đấu thường xuyên khiến Quang Hải chưa có cảm giác bóng và cảm quan không gian tốt nhất. Tuy nhiên, đây không hoàn toàn là lỗi của tiền vệ sinh năm 1997.
"Màn trình diễn của Quang Hải ở mức độ bình thường. Chúng ta cũng cần phải nói thêm rằng tình hình chung ở tuyển Việt Nam là sự kết nối kém. Quang Hải không nhận được nhiều hỗ trợ cũng như giúp đồng đội được nhiều. Cả hệ thống vẫn đang phải thích nghi với chiến thuật mới của HLV. Đây là trận đấu trung bình của cả đội. Vì thế, Quang Hải không bùng nổ cũng là điều bình thường", BLV Quang Tùng chia sẻ với Tri thức trực tuyến.
Cuộc cạnh tranh ở tuyển Việt Nam
Trước Hong Kong (Trung Quốc), tuyển Việt Nam cũng không có nhiều tình huống phối hợp sắc nét. Bàn thắng duy nhất đến từ cú đá 11 m của Quế Ngọc Hải sau khi Quang Hải bị phạm lỗi trong vùng cấm. Ngoài ra, pha bóng nguy hiểm còn lại là nỗ lực sút xa của Phạm Xuân Mạnh.
Ở chiều ngược lại, tuyển Việt Nam lại có nhiều tình huống phòng ngự sơ hở. Nếu Hong Kong (Trung Quốc) may mắn hơn, họ đã ghi được bàn thắng khi có đến 3 lần đưa bóng đi chạm xà.
"Tuyển Việt Nam chưa có nhiều miếng đánh rõ ràng dù đã nỗ lực đẩy nhanh nhịp độ tấn công, tăng cường kiểm soát bóng và còn thiếu sự sắc bén. Triết lý của HLV Troussier vẫn đang trong giai đoạn tiếp nhận, chưa đến mức thẩm thấu được để có thể trở thành hành động cụ thể. Ngoài ra, các cầu thủ cũng đang đánh mất sự chắc chắn, yếu tố được xây dựng trong vài năm qua, dưới thời HLV Park Hang-seo", BLV Quang Tùng nhận định.
"Chúng ta cũng cần phải đề cập đến điểm tích cực. HLV Troussier dám thử nghiệm nhiều để khai phá, tạo sự cạnh tranh. Có thể nói ông đang cày xới lại tuyển Việt Nam, tạo ra một mặt bằng mới, xóa đi ranh giới giữa cầu thủ mới và cũ, giữa cầu thủ trẻ và những người giàu kinh nghiệm, xây dựng nền tảng mới cho đội tuyển. Chúng ta khó khẳng định việc này đúng hay sao. Hãy để thời gian trả lời", BLV Quang Tùng nói thêm.
Trên sân Lạch Tray, HLV Troussier đã sử dụng nhiều gương mặt mới như Khuất Văn Khang, Nguyễn Hải Huy, Trương Tiến Anh, Nguyễn Văn Tùng, Phan Tuấn Tài. Mục đích của chiến lược gia người Pháp chính là thử nghiệm để tìm ra đội hình ưng ý nhất cho vòng loại World Cup 2026.
Khi được hỏi về khả năng Quang Hải, Công Phượng, hai cầu thủ ít được thi đấu trong thời gian qua, mất suất ở tuyển Việt Nam, BLV Quang Tùng nói: "Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra đấy. Vấn đề lớn hơn sẽ xảy ra với Công Phượng nếu anh tiếp tục phải dự bị ở Nhật Bản. Trong khi đó, Quang Hải sắp trở về V.League và gần như chắc chắn sẽ thi đấu thường xuyên hơn".
"Tuy nhiên, tôi nghĩ bộ khung chính của đội tuyển vẫn không thay đổi nhiều bởi các trụ cột vẫn đang ổn định, bước vào độ chín sự nghiệp (tuổi từ 26 đến 30). Nếu họ gặp vấn đề, đó chỉ là động lực, khát khao khi có đầy đủ danh hiệu, danh tiếng, thu nhập... Bất ngờ có thể xảy ra nhưng chỉ ở một vài trường hợp", BLV Quang Tùng khẳng định.