Mang ấm no về với bà con biên giới

5 năm qua, BĐBP Cao Bằng thực hiện mô hình cán bộ tăng cường xã (CBTCX) đã phát huy hiệu quả và trở thành giải pháp quan trọng trong củng cố cơ sở chính trị cho địa bàn biên giới. Cùng với các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, mô hình này đã góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc nghèo trên biên giới.

Giúp dân xây dựng nhà Đại đoàn kết. Ảnh: Danh Anh

Tâm huyết, hiệu quả

Chúng tôi đến xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, hỏi bất cứ người dân nào cũng đều biết Thượng tá Mê Văn Đạt, cán bộ Đồn BP Đàm Thủy, BĐBP Cao Bằng được tăng cường về đảm nhiệm chức trách Bí thư Đảng ủy xã từ năm 2007. Trong Đại hội Đảng bộ xã Đàm Thủy nhiệm kỳ 2011-2015, Thượng tá Đạt tiếp tục được nhân dân tín nhiệm bầu vào HĐND xã và được HĐND bầu giữ chức danh Chủ tịch UBND xã với số phiếu tín nhiệm 100%.

Dẫn chúng tôi đi tham quan công trình thủy lợi nội đồng với hệ thống kênh mương kiên cố đưa nước về tận các chân ruộng, Thượng tá Đạt chia sẻ: "Từng là cán bộ vận động quần chúng, tôi hiểu được trách nhiệm của mình khi "biệt phái" sang làm Bí thư Đảng ủy xã. Muốn giúp bà con thoát khỏi đói nghèo không có cách nào khác phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, biết bà con thiếu gì, đang vướng mắc ở điểm nào để giải quyết triệt để và khắc phục ngay". Theo Thượng tá Đạt, ruộng đất ở Đàm Thủy phì nhiêu, nhưng nông nghiệp kém phát triển, tỷ lệ đói nghèo cao. Sau khi nhận nhiệm vụ, anh đã cùng với tập thể Đảng ủy xã trao đổi, bàn bạc, tìm ra nguyên nhân yếu kém cần khắc phục, đó là do chưa làm tốt công tác tuyên truyền, không áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất khiến bà con ít mặn mà với ruộng đồng.

Từ đó, tập trung tuyên truyền cho bà con về kỹ thuật canh tác mới, đưa các loại cây, con giống cho năng suất cao vào sản xuất, tăng cường đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng. Để quyết tâm phát triển nông nghiệp, xã Đàm Thủy đề nghị trên đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, tích cực tuyên truyền, vận động bà con trồng trọt, chăn nuôi... Kết quả, từ một vụ lúa mùa, bà con đã trồng thêm vụ đông xuân, đưa tổng diện tích gieo trồng lúa, ngô, đậu tương, lạc... lên gần 500ha/vụ. Hầu hết các hộ dân đã phát triển chăn nuôi với tổng đàn trâu, bò gần 1.800 con... Bên cạnh đó, đầu tư phát triển các ngành dịch vụ, xây dựng 150 cửa hàng cho bà con kinh doanh. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 10%; các phong trào bảo vệ an ninh biên giới, thành lập tổ liên gia tự quản... do xã phát động mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cũng như Thượng tá Mê Văn Đạt, Trung tá Lăng Văn Bảo, cán bộ Đồn BP Nặm Nhũng được tăng cường giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vân An (huyện Hà Quảng). Thời gian qua, Trung tá Bảo đã cùng tập thể lãnh đạo xã phát triển thành công mô hình trồng gừng mang lại hiệu quả cao, doanh thu toàn xã mỗi năm đạt từ 5 đến 6 tỷ đồng, tạo được nguồn thu nhập ổn định cho bà con trong xã, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào... Ngoài ra, trên biên giới Cao Bằng còn rất nhiều những tấm gương CBTCX tiêu biểu khác như Trung tá Lê Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Thị Hoa (huyện Hạ Lang); Thiếu tá Trương Văn Tới, Bí thư Đảng ủy xã Cô Mười (huyện Trà Lĩnh); Trung tá Quan Văn Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cô Ba (huyện Bảo Lạc).

Tiếp bước thành công

BĐBP Cao Bằng là đơn vị đầu tiên thực hiện việc tăng cường cán bộ làm lãnh đạo chủ chốt của các xã biên giới và thu được những kết quả quan trọng. Ở các xã có CBTCX giữ chức danh chủ chốt, nội bộ lãnh đạo xã đoàn kết; cơ sở chính trị được xây dựng, kiện toàn vững mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

Đại tá Đỗ Quang Thành, Chỉ huy trưởng BĐBP Cao Bằng cho biết: Để triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương tăng cường cán bộ về xã, chúng tôi phải lựa chọn kỹ cán bộ được tăng cường và phải tạo được sự đồng thuận cao giữa BĐBP với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, bởi chỉ khi có sự đồng thuận, đoàn kết thì mới thành công. Các CBTCX được Đảng ủy BĐBP lựa chọn giới thiệu về xã đều có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, tâm huyết với công tác xây dựng địa bàn và có kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng. Quá trình lựa chọn ưu tiên các đồng chí có trình độ và cán bộ là người dân tộc thiểu số nào, ưu tiên xét đưa về các xã có đông đồng bào dân tộc ấy.

Phát huy kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ 2011-2016, BĐBP Cao Bằng tiếp tục tăng cường 33 cán bộ về các xã. Trong đó, có 16 đồng chí giữ chức danh, 11 đồng chí đảm nhiệm vị trí Chủ tịch UBND xã hoặc Bí thư Đảng ủy xã, có 9 đồng chí tham gia Ban chấp hành Đảng bộ các huyện biên giới. Chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo chủ chốt ở các xã biên giới của BĐBP Cao Bằng cần được nhân rộng phù hợp với các địa phương biên giới trong cả nước.

Nguyễn Thị Trang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mang-am-no-ve-voi-ba-con-bien-gioi/