Mang 'ánh sáng' đến với học trò khiếm thị

Gần 23 năm trong nghề, gắn bó cả sự nghiệp với những học sinh đặc biệt tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, trái tim thầy Hoàng Văn Khương với tình yêu và nỗi trăn trở dành cho học sinh chưa khi nào ngừng thổn thức.

Ánh sáng niềm tin

Chúng tôi đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng (đường Lý Chính Thắng, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đúng lúc thầy Hoàng Văn Khương (SN 1976, quê ở tỉnh Nghệ An) đang có giờ dạy môn tiếng Việt cho 3 em học sinh khiếm thị lớp 1.

Nói về học sinh của mình, thầy Khương kể rằng, đa phần học sinh vào Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng đều học thầy. Trong lớp, thầy đọc một từ, 3 em học sinh dùng “ngòi viết” là một thỏi sắt nhọn đâm xuống miếng giấy được lót sẵn vào tấm bảng nhựa có lỗ. Viết xong, các em cầm trang giấy lên lật ngược lại rồi mò mẫm đọc. Thầy Khương bảo, để các em lắng nghe, hiểu được và làm theo là một quá trình dài đằng đẵng, và lắm lúc cũng gian nan, trắc trở.

 Thầy Hoàng Văn Khương cùng các em học sinh lớp 1 của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng

Thầy Hoàng Văn Khương cùng các em học sinh lớp 1 của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng

Với thầy Khương, khó khăn khi dạy chữ cho học sinh khiếm thị chính là các em ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhận thức không đồng đều. Em học nhanh thì khoảng 2 tháng đã đọc thông, viết thạo chữ braille (chữ nổi), nhưng cũng có em học đến 2 năm. Dù đã có hàng chục năm công tác, nhưng mỗi lần có em khiếm thị học được, viết được thì cảm xúc của thầy vẫn nghẹn ngào như ngày đầu.

Trong những học sinh, thầy nhớ nhất là em Nguyễn Quốc Vũ (SN 2011). Giờ Vũ đã biết viết và đọc nhanh lắm, là kết quả của quá trình dạy dỗ hơn 2 năm bởi em vừa khiếm thị, vừa khiếm thính. “Hơn 2 năm, một hôm em ấy nhớ và đọc được. Tôi như vỡ òa. Nhìn em tiến bộ mỗi ngày, với tôi là niềm hạnh phúc!”, thầy Khương bộc bạch.

Vượt qua số phận

Sau khi tốt nghiệp THPT, thầy Hoàng Văn Khương vào Đắk Lắk sinh sống. Năm 2017, với niềm đam mê nghề giáo, thầy thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk chuyên ngành Lịch sử. Ra trường, thầy tình nguyện đi dạy ở một trường miền núi xa xôi của tỉnh Đắk Lắk, nhưng chỉ được 3 năm.

Trong một lần đi dạy, thầy bị đau mắt dữ dội. Gia đình vội đưa thầy đi bệnh viện nhưng đôi mắt của thầy đã bị bong võng mạc, không thể chữa khỏi. Đôi mắt của thầy mờ dần rồi mù hẳn. Chán nản là những gì thầy Khương đã trải qua trong khoảng thời gian đó.

Thầy Khương nhớ lại: “Tôi đau đớn và tuyệt vọng, nhưng quyết không bỏ cuộc. Bởi vì tôi nghĩ rằng, trên cuộc đời này có nhiều người còn khiếm khuyết hơn cả mình nhưng họ lại vươn lên được, tại sao mình lại không? Chính vì vậy, tôi quyết làm lại từ đầu”.

Không cho phép bản thân đầu hàng, năm 2001, thầy Khương xin về dạy môn Lịch sử tại Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, tiền thân của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Ban ngày đi dạy, ban đêm thầy tự học chữ braille ở nhà. Bên cạnh đó, thầy sắp xếp thời gian rảnh để đi học văn bằng 2, chuyên ngành Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở lớp tại Đà Nẵng.

Cảm thấy mình may mắn hơn các em vì đã từng được nhìn thấy bầu trời, khuôn mặt cha mẹ, những đồ vật sinh hoạt hàng ngày trong một thời gian dài, vì thế, khi dạy cho các em khiếm thị, thầy Khương thường dành hàng giờ tâm sự và kể cho các em nghe về những điều đẹp đẽ của cuộc sống để các em thêm cố gắng.

“Trẻ khiếm thị bẩm sinh chưa từng được thấy nên đòi hỏi người dạy phải nhẫn nại, biết cảm thông, yêu thương, thấu hiểu, đặt mình vào hoàn cảnh, suy nghĩ của các em để lựa chọn những cách giảng giải dễ hiểu nhất”, thầy Khương tâm sự.

Cô Đặng Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, nhận xét, thầy Hoàng Văn Khương như một tấm gương vượt khó của các em học sinh khiếm thị.

Là một người khiếm thị giảng dạy cho các em khiếm thị, thầy luôn đặt tâm thế của mình vào vị trí của các em, dù khó khăn chồng chất nhưng chưa bao giờ nản lòng. Vì vậy, những kiến thức mà thầy Khương mang lại luôn dễ hiểu, dễ tiếp cận với các em, nhất là môn Lịch sử.

Dạy theo cách riêng

Học sinh ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng là trẻ khiếm khuyết, chính vì thế việc dạy vất vả hơn. Do đó, thầy luôn suy nghĩ, tìm tòi và sáng chế ra những đồ dùng dạy học để giúp các em dễ học. Nghĩ ra ý tưởng, thầy Khương nhờ người thân, đồng nghiệp chuyển đổi các nội dung, hình ảnh từ sách giáo khoa, từ chữ sáng thành chữ nổi, sơ đồ, biểu đồ nổi, thông qua cách cắt các tấm bìa cứng hoặc tấm xốp thành hình các đồ dùng, con vật, biểu tượng... để mô phỏng lại nội dung bài học.

Thầy Khương kể: “Với những bài học về thời nguyên thủy, có những công cụ rất khó miêu tả bằng lời. Thay vào đó, tôi để các em chạm tay vào những hình ảnh nổi. Môn học trở nên sôi động khi các em cười tíu tít vì cảm thấy thú vị và đặt những câu hỏi ngoài trang sách với tôi nhiều hơn. Có khi tôi cũng phải nợ câu trả lời vì sự tò mò của các em”.

Suốt 23 năm, trong số những học trò của thầy Khương, có những em đã vào đại học, những em khác ra đời có nghề nghiệp ổn định. Thế nhưng, đối với thầy Khương, điều hạnh phúc vẫn là nhìn thấy sự cần mẫn của học sinh khi viết bằng chữ braille và vui mừng khi các em đọc thông, viết thạo. Đó cũng chính là tình thương, động lực để thầy tiếp tục kiên trì, gắn bó từng ngày, giúp con đường hòa nhập với cộng đồng của các em trở nên gần hơn bao giờ hết.

XUÂN QUỲNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mang-anh-sang-den-voi-hoc-tro-khiem-thi-post769875.html