Mang áo ấm cho trẻ em Khau Vai

Hôm ấy, Khau Vai (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) chìm trong sương mù. Con đường nhỏ vắt giữa lưng chừng trời mây, một bên vách núi, một bên vực sâu. Bốn chiếc xe máy với 8 thành viên của Hội thiện nguyện Đom Đóm Phú Yên trả số thấp nhất, 'cõng' những thùng giấy đựng áo ấm, mũ len, tập vở, bánh kẹo, sữa… của nhà hảo tâm lên hai điểm trường xa xôi là Xín Thầu và Trù Lủng Trên A.

Các thành viên Hội thiện nguyện Đom Đóm Phú Yên trao quà tại điểm trường Trù Lủng Trên A. Ảnh: THÙY LINH

Các thành viên Hội thiện nguyện Đom Đóm Phú Yên trao quà tại điểm trường Trù Lủng Trên A. Ảnh: THÙY LINH

Tình thương không có giới hạn

Dẫn đường cho chúng tôi là cô giáo Lò Thị Viễn, người dân tộc Giáy. Cô mới đến Xín Thầu gần 8 tháng. Tại đây chỉ có 1 lớp mẫu giáo, nhiều khi phải cho kẹo các em mới chịu đi học. Cô Viễn kể: “Khó khăn lớn nhất là giao tiếp bằng tiếng phổ thông với đồng bào”. Nên thỉnh thoảng cô phải lội bộ vào Trù Lủng Trên A chỉ để được… nói chuyện với hai đồng nghiệp ở đó.

Từ Xín Thầu đi Trù Lủng Trên A khoảng 5 cây số. Một nửa đoạn đường đã tráng xi măng, nửa còn lại nhỏ hẹp, đá lởm chởm, chỉ có anh Lê Thoại Kỳ, Chủ tịch Hội thiện nguyện Đom Đóm Phú Yên (trưởng đoàn) và Lưu Thành Nguyên (phó đoàn) dám chạy xe máy vào. Còn lại cả nhóm phải xuống lội bộ gần 30 phút.

Điểm trường Trù Lủng Trên A chỉ có 2 lớp, tiểu học và mẫu giáo. Bên cạnh lớp học là chỗ ngủ cũng là chỗ nấu ăn của thầy giáo Sùng Mua, người dân tộc H’Mông. Thầy đã dạy ở đây 8 năm. Vừa dạy vừa nấu ăn cho học trò để các em chịu đến trường.

Khau Vai là xã đặc biệt khó khăn và Trù Lủng Trên A là điểm trường xa xôi, khó khăn nhất Khau Vai. Cô Viễn bảo ở đây xa quá, rất ít đoàn từ thiện đến, nên các em rất háo hức ngóng đoàn. Nhiều em đến mà không có áo ấm chỉ còn lại ít bánh kẹo. Do chúng tôi đi xe máy, sức chở có hạn nên chỉ đủ phát theo số lượng báo trước. Trao quà xong mà cứ buồn vì không có nhiều hơn để trao cho các em.

Theo anh Lê Thoại Kỳ, hoạt động trên nằm trong “Hành trình tôi yêu Việt Nam” được Hội thiện nguyện Đom Đóm Phú Yên tổ chức hằng năm. “Khi Phú Yên xảy ra dịch bệnh, thiên tai thì đồng bào cả nước đều hướng về Phú Yên. Vì vậy, chúng tôi luôn muốn đền đáp, chia sẻ với đồng bào khó khăn ở các tỉnh bạn. Chúng tôi nghĩ rằng, đã là tình thương thì không nên có giới hạn, cứ có sức là mình giúp thôi”, anh Kỳ chia sẻ.

Mở rộng biên độ hạnh phúc

Khi chúng tôi đến Trù Lủng Trên A, các em lớn đã theo cha mẹ lên rẫy từ sớm, chỉ còn các cháu mẫu giáo và người già. Thời gian ở đây dường như đứng yên, không có thứ có ngày, không có sáng có chiều, chỉ có sương mù và mây dày đặc. Hôm ấy khoảng 100C.

Các em đến, phần lớn ăn mặc phong phanh, quần áo lem luốc. Chúng tôi cầm bàn tay các em thì bàn tay lạnh như đá. Xót xa nhất là 3 anh em ruột đều bị mù, dẫn tay nhau, dò dẫm qua các bậc đá, đến ngồi co ro. Chúng tôi đội mũ len và mặc áo ấm cho các em.

Lúc ra về, một người phụ nữ lại gần, cầm lấy tay chúng tôi lắc lắc và nói một vài câu tiếng H’Mông như lời cảm ơn. Dù không hiểu là gì nhưng ai cũng cười vui. Một cảm giác ấm áp len lỏi vào lòng giữa cái lạnh vùng cao. Chúng tôi chợt nghĩ, mình thương bà con vì quá khó khăn, nhưng ai hạnh phúc hơn ai cũng chưa biết được.

Chúng tôi đã mang niềm vui cho các em hay các em đã mang hạnh phúc cho chúng tôi. Như phút Lê Văn Thiệu, thành viên của nhóm “phát hiện”: “Nghĩ lại cái phòng 10m² chật chội của tôi dưới xuôi cũng ổn, mọi người à”. Khi biết đủ tự nhiên ta thấy… hạnh phúc.

THÙY LINH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/312757/mang-ao-am-cho-tre-em-khau-vai.html