Mảng bán lẻ trở thành điểm yếu của Hoa Sen khi thị trường chậm lại
Giá nguyên liệu giảm ăn mòn biên lợi nhuận gộp của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG – sàn HoSE) từ cả đầu ra và đầu vào.
Thử thách cơ cấu lại hoạt động bán lẻ
Trong Báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) về CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG – sàn HoSE), Công ty chứng khoán này cho biết, khác với hầu hết doanh nghiệp tôn thép niêm yết, Hoa Sen vận hành các cửa hàng bán lẻ để bán sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng. Trong các năm trước, đây là lý do khiến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp khá cao.
Tuy nhiên, cũng cần mất chi phí để duy trì sức mạnh thương hiệu. Chi phí bán hàng của Hoa Sen luôn duy trì ở mức cao, chiếm trung bình 7,3% doanh thu trong 3 năm gần nhất, khoảng 600-1.200 tỷ mỗi quý. Đây là khoản chi phí lớn.
VDSC ước tính, nếu trừ chi phí bán hàng vào doanh thu, biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen sẽ tương đương với các nhà sản xuất tôn mạ khác (bao gồm Thép Nam Kim và Tôn Đông Á) do sản phẩm có sự tương đồng nhất định.
Trong điều kiện thị trường đặc biệt chậm chạp như hiện tại, việc phải “nuôi” thương hiệu lại là một điểm yếu của Hoa Sen.
Quý IV niên độ 2021-2022 (01/07/2022-30/09/2022), Hoa Sen ghi nhận lỗ sau thuế 887 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng phát sinh 662 tỷ đồng, con số quý I niên độ 2022-2023 (01/10/2022-31/12/2022) là 680 tỷ đồng lỗ sau thuế và 690 tỷ đồng chi phí bán hàng. Việc doanh nghiệp phải chi tiền để duy trì hoạt động bán lẻ trong khi tác động kích cầu của các khoản chi này không rõ ràng trong điều kiện thị trường ngặt nghèo khiến nhà bán lẻ gặp lỗ trong ngắn hạn.
Trong đó, Hoa Sen là doanh nghiệp vừa sản xuất vừa bán lẻ tới người dùng cuối. Điều này khiến Hoa Sen vừa phải tích trữ nguyên liệu như một nhà sản xuất, lại vừa phải tồn kho thành phẩm như một nhà bán lẻ. Như vậy, giá nguyên liệu giảm ăn mòn biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen từ cả đầu ra và đầu vào.
Hoa Sen lỗ hai quý liên tiếp với giá trị 1.567,18 tỷ đồng
Trong quý I niên độ tài chính 2022-2023 (1/10/2022-31/12/2022), Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 7.917,4 tỷ đồng, giảm 53,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ quý thứ hai liên tiếp, giá trị lỗ là 680,2 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 638,3 tỷ đồng, tức giảm 1.318,5 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tiếp tục giảm mạnh từ 12,5% về còn 2%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 92,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 1.963,33 tỷ đồng về 159,97 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 79,1%, tương ứng giảm 120,99 tỷ đồng về 32,05 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 32,8%, tương ứng giảm 55,39 tỷ đồng về 113,6 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 43,6%, tương ứng giảm 592,94 tỷ đồng về 768 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Hoa Sen lý giải ghi nhận lỗ trong quý I niên độ tài chính 2022-2023 do lợi nhuận gộp giảm do tác động từ việc giảm biên lợi nhuận gộp.
Trước đó, trong quý IV niên độ tài chính 2021-2022, Hoa Sen cũng ghi nhận lỗ 886,98 tỷ đồng. Như vậy, trong hai quý liên tiếp, Hoa Sen đã ghi nhận lỗ 1.567,18 tỷ đồng.
Được biết, quý lỗ gần nhất là IV/2018 (từ 1/7 đến 30/9/2018) với giá trị lỗ 101,8 tỷ đồng. Như vậy, trong hai quý liên tiếp gần đây, giá trị lỗ của Hoa Sen đang gấp nhiều lần so với quý IV/2018.
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Hoa Sen giảm 6,2% so với đầu năm về 15.963,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 5.980,5 tỷ đồng, chiếm 37,5% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 5.716,2 tỷ đồng, chiếm 35,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.655 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Ngoài ra, tính tới 31/12/2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Hoa Sen giảm 35,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.493,3 tỷ đồng về 2.693,7 tỷ đồng và chiếm 16,9% tổng nguồn vốn.
Lợi nhuận niêm độ tài chính 2021-2022 giảm 94,2% về còn 251,05 tỷ đồng
Trước đó, Hoa Sen công bố Báo cáo quý IV niên độ 2021-2022 (1/7-30/9/2022) với doanh thu đạt 7.939,12 tỷ đồng, giảm 49,7% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 886,98 tỷ đồng, tức giảm 1.827,35 tỷ đồng.
Trong kỳ, Công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm 230,67 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 2.473,97 tỷ đồng, tức giảm 2.704,64 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu tài chính giảm 26,9% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 35,88 tỷ đồng về 97,4 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 30,9%, tương ứng giảm 49,86 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 44,8%, tương ứng giảm 621,02 tỷ đồng về 765,93 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lũy kế năm tài chính niên độ 2021-2022, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 49.710,64 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 251,05 tỷ đồng, giảm 94,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong niên độ tài chính 2021-2022, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 46.399 tỷ đồng và 3 kịch bản lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.500 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính, Công ty mới hoàn thành được 10% kế hoạch lợi nhuận năm (kế hoạch lãi 2.500 tỷ đồng) và hoàn thành 16,7% kế hoạch năm (kế hoạch lãi 1.500 tỷ đồng).
Như vậy, với việc ghi nhận lỗ trong quý IV, Công ty đã không thể hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận năm cho dù kịch bản lợi nhuận thấp nhất.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/2, cổ phiếu HSG tăng 150 đồng lên 14.400 đồng/cổ phiếu.