Mang bầu là nó chửa ra…
Đểu cáng nhất vẫn là nghị Hách. Chuyện rằng, năm 1932, vào một đêm trăng sáng, đang trên đường phóng xe ô tô về Hà Nội, còn chừng 40 cây số nữa, xe đột ngột chết máy. Tài xế loay hoay sửa xe, lúc ấy, có một tốp bà lão, thôn nữ gánh lúa đi ngang qua, nghị Hách nhìn thấy trong số đó có Thị Mịch: 'cái váy nâu cũn cỡn, do một đường lạt khíu giữa, cho nó chẽn đến nửa đùi, một bộ đùi phốp pháp trắng nõn, trông rất đáng yêu…'.
Thèm thuồng như mèo thấy mỡ. Ngon quá. Lão bèn tìm mọi cách cưỡng hiếp cho bằng được. “- Ối giời đất ơi! Ối làng nước”. Hai anh tài xế khôn ngoan và trung thành muốn át những tiếng ấy, cứ việc gõ búa thình thình vào một bộ phận nào đó trong động cơ...”. Xơi tái xong là phủi sạch mép à? Không, sự việc vỡ lở ra, kiện tụng ì xèo, muốn cho êm chuyện lão bèn cưới cô Mịch làm vợ lẽ.
Và đây đêm động phòng hoa chúc, sau giây phút ngần ngừ ngán ngẩm: “Lão ra ngồi bàn, nhìn mình trong gương một lúc lâu. Sau cùng, lại đến ngồi giường ôm lấy Mịch mà hôn hít một hồi vào khắp mọi chỗ, hai tay cũng thám hiểm khắp mọi chỗ…. Nhưng chợt lão ta vỗ vào bụng vợ bốp một cái, kêu to lên: “Thế này thì còn nước mẹ gì nữa!”. Thế là nghị Hách, không ân cần được nửa lời, lại tất tả xuống thang. Vài phút sau, tiếng máy xe hơi nổ lên sình sình!”. Còn gì bẽ bàng hơn? “Thế này thì còn nước mẹ gì nữa” là bởi Thị Mịch “bụng đã to bằng cái thúng”. Nói toẹt ra, Thị Mịch đã có mang.
Mang còn đồng nghĩa với mang/ mang vác. Theo nghĩa này, trong truyện ngắn “Một đứa con đã khôn ngoan”, nhà văn Nguyễn Công Hoan liệt kê: “Lại nói như cách mang đồ đạc, ta có đội, gánh, xách, vác, cầm, khênh, ôm, cõng, bê, tải, cắp, khuân, bế, mỗi tiếng một nghĩa riêng". Ta còn có thể bổ sung: ẵm, bồng, bưng, cắp, cáng, chở, đeo, đèo, kéo, khiêng, lôi, tha, nâng, nhấc, quảy… Phong phú quá đi thôi, vì lẽ đó cha đẻ “Kép Tư Bền” mới quả quyết như đinh đóng cột: “dám đánh cược với ông cử, ông nghè Tây dùng tiếng Pháp mà dịch nổi tiếng "lôi thôi" của ta đấy". Không riêng gì trường hợp này, có thể nói nhóm từ đồng nghĩa trong tiếng Việt cực kỳ phong phú, đa dạng và hoàn toàn đáp ứng mọi cách diễn đạt trong mọi tình huống.
Quan văn lục phẩm thì sang
Quan võ lục phẩm thì mang gươm hầu
Chắc gì nay còn đúng, nhưng câu này thì thời nào nghiệm lại chẳng thấy sai chút tẹo tèo teo: “Vai mang túi bạc kè kè/ Nói quấy nói quá người nghe ầm ầm”; trớ trêu ghê: “Trong lưng chẳng có một đồng/ Lời nói như rồng cũng chẳng ai nghe”. Mang là đem theo mình, đeo vào mình một vật gì khi đi đến đâu đó. Cố mang cho lắm vào, bòn lấy cho khẳm, một khi đã ngủm củ tỏi có mang theo được gì không? “Vua Ngô băm sáu tấn vàng/ Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì”. Và mang cũng có nhiều cách hiểu khác, thí dụ, “Mang chết chó cũng lè lưỡi”, mang ở đây chẳng phải mang vác, tay xách nách mang mà chính là con mang, tức con hoẵng - hiểu theo nghĩa bóng là khi quật ngã ai khác thì chính mình cũng hụt hơi “ngất trên cành quất”, na ná như cách nói văn vẻ “Chúa chết trạng cũng băng hà” chứ gì?
Trường hợp Thị Mịch cũng là mang nhưng là “Bụng mang dạ chửa/ Mang nặng đẻ đau”, dứt khoát đang có thai, có mang, đang mang đứa con trong bụng. Nói gọn lại là cô nàng đang có chửa. Thì đây, bà đồ - mẹ của Thị Mịch hỏi một cách ngạc nhiên: “Ô kìa, con bé lạ nhỉ? Thế mày làm sao?”. Mịch run rẩy khẽ nói: “U ạ, dễ thường tôi… dễ thường tôi chửa…”. “Cái gì?”. Mịch im lặng, bà gặng hỏi: “Mày chửa làm gì? Mày chửa vớt bèo cho lợn ăn à?”.
Trong vở chèo “Quan Âm Thị Kính”, do không hiểu chửa theo nghĩa như bà Đồ sử dụng, nên lúc Mẹ Đốp xưng danh:
Từ việc hỉ cho tới việc hảo
Giấy quan về là phải báo đến tôi
Tôi chửa ra là làng chửa được ngồi.
Vì thế Xã Trưởng mới nổi cáu. Cáu vì ông ta hiểu “chửa ra” tức mẹ Đốp có chửa thì cả làng chưa được ngồi. Ối dào, mồm mép dài cả gang tay, ăn mắm ăn muối, nói điêu nói ngoa, mồm loa mép giải, những muốn tát một cái cho vỡ mồm. Láo thế là cùng, xã trưởng bèn quát: “À, con mẹ này, nhật nhật đa hĩ, lộng giả thành chân, ngày càng láo”.
Từ chửa này, càng quái hơn ở đoạn Đồ Điếc hỏi Xã Trưởng: “Dâm phong là nó làm sao?”. Nghe câu trả lời: “Là nó chửa ra” thì ông Đồ lại hiểu là chưa: “Nó chửa ra thì tôi hãy về cái đã”. Xã Trưởng liền giải thích: “Nó chửa ra là nó hoang thai kia mà… là trong bụng nó có con lúc nhúc như cái hang cá trê ấy”.
Vâng, Thị Mịch cũng dùng từ chửa theo nghĩa này nên mới cãi bà đồ: “Không phải. Tôi chửa, tôi có chửa, tôi có mang”. Bà đồ trợn mắt lên: “Mày có mang? Giời cao đất dày ơi! Mày có mang?”. Bà không ngờ con mình đã “ăn cơm trước kẻng”, đã “đeo ba lô ngược”.
Ngày trước còn có thành ngữ “Có mang có mển” nhằm chỉ những ai đang có thai, có nghén, có bầu. “Ông giẳng ông giăng/ Xuống chơi nhà tôi/ Có bầu có bạn” - thì “có bầu” trong bài đồng dao này chẳng hề liên quan gì với nghĩa trên, đơn giản chỉ là cách nói về từ đôi “bầu bạn/ bạn bầu”, anh em, bồ tèo thân thiết. Thường thường có bầu thì mang bầu. Tất nhiên. Nhưng “Mang bầu tới quán rượu dâu/ Say hoa đắm nguyệt quên câu ân tình” (ca dao) thì bầu ở đây lại là… bầu rượu. Cái bầu này, ta còn gặp trong câu ca dao, ngẫm đến tự dưng lại cười tủm tỉm: “Tay cầm bầu rượu, nắm nem/ Mải vui quên hết lời em dặn dò”. Có tí rượu, mồi ngon là coi trời bằng vung, quên tuốt luốt, kể cả lời dặn dò của vợ! Bảnh thiệt. Còn có câu ca dao chơi chữ tuyệt hay:
Mang bầu chịu tiếng thị phi
Bầu không mang rượu lấy gì mà say
Với từ “mang bầu” này, ta có thể hiểu theo hai nghĩa vừa nêu trên. Rõ ràng, cũng là một cách nói bóng nói gió, nói xa nói gần, “Nói chuyện Sơn Tây chết cây Hà Nội” vốn quen thuộc trong cái sự lắt léo tiếng Việt.
Về cái bầu, hẳn nhiều người còn nhớ đến trò chơi “Bầu cua”. Nó đã từng đi vào câu hát quen thuộc của một thời ở miền Nam, lôi cả nhân vật kiếm hiệp của Kim Dung vào ca từ: “Có cô gái Đồ Long xóc bầu tôm cua cá, xóc ba cái ra ba con gà mái, chung hết tiền, chạy trốn liền”. “Truyện Kiều” có câu: “Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ” - đúng là bầu đựng rượu; thế nhưng “Đeo bầu quẩy níp, rộng đường vân du” thì cái bầu này lại… đựng nước. Sở dĩ gọi bầu, đơn giản chỉ vì là cái bình làm vỏ bầu khô. Nhưng bầu cũng có nghĩa “phình to ra” như “Việt Nam tự điển” (1931) giải thích.
Với “chìa khóa” này, ta có thể “giải mã” hàng loạt từ có đi kèm theo bầu, chẳng hạn, vịt bầu, ong bầu, ve bầu…. hoặc dao bầu, ghe bầu/ bầu nóc… “Ghe bầu trở lái về đông/ Con gái theo chồng, bỏ mẹ ai nuôi”. Ngày xưa, lưu dân Ngũ Quảng: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên-Huế), Quảng Nam và Quảng Ngãi thường đi vào phương Nam bằng ghe bầu. “Về tên gọi ghe bầu, có người cho rằng có thể là biến âm của từ “prau” gốc Chăm; hoặc perahu của ngôn ngữ Mã Lai, tôi không nghĩ vậy, vì tên gọi thường gắn liền với hình dáng/ hình thù của sự vật, khi quan sát người ta “thấy sao nói vậy”. “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích: “Ghe bầu: Ghe bầu bụng, vác mũi, chính là ghe đi biển”. Dù “bầu bụng” nên có thể chứa nhiều vật dụng cần thiết, nhưng vẫn đi nhanh là nhờ vào cấu trúc hợp lý của lá buồm, dây lèo, bánh lái…”. Ai quả quyết thế? Còn ai trồng khoai trên đất này? Y khẳng định trong tập khảo luận “Người Bến Tre” (NXB Trẻ - 2020).
Chẳng rõ, ai có ý kiến gì khác?
Khi nói về bầu, thiết nghĩ nên dẫn thêm một từ khác đã xưa, nhưng nay vẫn còn sử dụng: “bầu nhiệt huyết” - tức là nói đến lòng hăng hái, nhiệt tình, sốt sắng, tâm huyết với vấn đề gì đó. Nhà thơ Tú Mỡ đã sử dụng rất đắc địa cụm từ này dành cho các ông nghị… gật nhằm bật lên tiếng cười mỉa mai:
Quản gì thức mấy đêm thâu
Vì dân khai trí mấy chầu tổ tôm
Mỗi năm vất vả mươi hôm
Một bầu nhiệt huyết vẫn ôm kè kè
Có điều thú vị, ai cũng biết người miền Nam vốn mê xem hát, do đó, đã xuất hiện hàng loạt câu cửa miệng có liên quan như Ca giỡn nhịp, Thanh minh thanh nga, Rành sáu câu vọng cổ… Không những thế, còn có các cụm từ bầu gánh, bầu bì. Bầu gánh thì dễ hiểu rồi, cũng có nghĩa ná ná như trùm/ trùm chèo ngoài Bắc, tức người đứng đầu, chủ gánh hát chịu trách nhiệm từ A đến Z. Nay, từ bầu show đã lấn lướt và trở nên phổ biến hơn.
Còn bầu bì, ta hiểu là có mang, có bầu, vì thế mới có từ mẹ bầu/ bà bầu. Mà cũng lạ, khi sinh nở lại có từ… đập bầu/ bể bầu - tức sau đó, họ có con. Đôi khi, với cách nói văn hoa bay bướm, lịch lãm không cần phải nêu cụ thể, chỉ cần nói/ viết: “Duyên em dù nối chỉ hồng/ May ra khi đã tay bồng tay mang” (Nguyễn Du); “Người lên tiếng hỏi người có không/ Người đi vắng về nơi bế bồng” (Trịnh Công Sơn)… thì ai cũng hiểu cô gái đó đã có con. Thế thì, bầu bì sử dụng trong giới cải lương miền Nam cũng hiểu theo nghĩa này? Không. “Tự điển Việt Nam” (1970) của Lê Văn Đức giải thích: “Bầu bì: Chủ gánh hát nhỏ, nghèo hoặc chủ gánh không được tốt bụng với đào kép, công nhân hoặc chỉ lo làm giàu, không cần biết đến nghệ thuật”.
Tương tự, đọc thành ngữ, tục ngữ còn có những cụm từ cũng liên quan đến bầu nhưng không ít người tắc tị. Thí dụ, Chết xuống âm phủ, còn hơn bầu chủ ở dương gian; Làm trai chớ hề bầu chủ, làm gái chớ làm mụ dầu. Cách ghi dầu/ giầu chỉ là một, tùy văn bản.
Vậy, bầu chủ là gì? Mụ giàu/ mụ dầu là gì?
Đơn giản “bầu chủ” là người đứng ra bảo đảm, chịu trách nhiệm với người cho vay để người khác được vay nợ, “Từ điển Việt -Hoa - Pháp” (1937) của Gustave Hue cho biết còn có từ tương đương là bầu lĩnh. Còn “mụ giàu”, đã chịu khó tra nhiều từ điển, hỏi nhiều người nhưng ai nấy đều ngắc ngứ, may sao Gustave Hue cho biết: “Mụ dầu: proxénéte”, ta hiểu là tú bà trong giới buôn hương bán phấn. Với từ mụ giàu, “Tự điển Việt Nam, Chinois, Francais” của Eugène Gouin (1957) còn ghi nhận từ tương đương là mụ trùm/ mụ quản. “Việt Nam tân tự điển” (1965) của Thanh Nghị giải thích: “Mụ trùm: người đàn bà đứng chủ nhà đĩ, nhà thổ”. Đến nay, từ mụ giầu đã mất hút con mẹ hàng lươn.
Lời răn Làm trai chớ hề bầu chủ, làm gái chớ làm mụ dầu/ mụ giầu, không hề lỗi thời, thời nào cũng đúng chóc.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/mang-bau-la-no-chua-ra-620554/