Màng bọc thực phẩm: Tiện lợi nhưng nguy hại khôn lường nếu dùng sai cách
Dù màng bọc thực phẩm cực kỳ tiện lợi trong công việc nội trợ, bao gói bảo quản thực phẩm, tuy nhiên, nếu sử dụng sai cách sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe.
Màng bọc thực phẩm giờ đã rất quen thuộc đối với mọi gia đình. Những thức ăn chưa sử dụng, thức ăn thừa thường được bảo quản bằng cách bọc một lớp màng bọc bên ngoài sau đó mới cho vào tủ lạnh.
Đáp ứng như cầu sử dụng, các nhà sản xuất đưa ra các mẫu màng bọc với quảng cáo được làm từ 100% nhựa PVC hoặc PE, không có hóa chất độc hại và có thể dùng với mọi hình thức, từ bảo quản đến chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy có tới 50% thành phần màng bọc là chất hóa dẻo có phụ gia. Vì bản thân nhựa PVC, PE không thể dẻo như những màng bọc đang được quảng cáo mà cần có chất hóa dẻo.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại chất hóa dẻo như DOP, CD… Những chất này đều bị cảnh báo là độc hại với sức khỏe con người. Vì vậy, để giảm bớt những nguy hại khi sử dụng màng bọc thực phẩm, các chuyên gia khuyên người dùng cần lưu ý những sai lầm dưới đây tránh mắc sai lầm gây ảnh hưởng sức khỏe.
Dùng màng bọc thực phẩm cho vào lò vi sóng
Hâm nóng thức ăn khi còn màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng là một sai lầm tai hại. Bởi màng bọc thực phẩm có thể chứa các chất hóa học như Phthalates và DEHA khi gặp nhiệt độ cao sẽ khiến chúng tan chảy và biến thành chất gây ung thư vô cùng nguy hiểm.
Bọc thực phẩm nhiều dầu mỡ
Không nên dùng màng bọc thực phẩm bọc đồ ăn chín, đồ ăn nóng và những thực phẩm chứa dầu mỡ vì sau khi tiếp xúc với những thực phẩm này, thành phần hóa học chứa trong màng bọc sẽ dễ dàng phát huy, thâm nhập vào thực phẩm, gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, không dùng bọc những thực phẩm ở môi trường acid, kiềm hoặc nhiệt độ cao. Các chất độc hại này thôi nhiễm vào thực phẩm sẽ tác động đến hệ thống nội tiết làm phát triển sớm ở trẻ em gái và ảnh hưởng đến sinh sản ở trẻ em.
Bọc sát vào thực phẩm có thể bị thôi nhiễm
Dùng màng bọc thực phẩm sát vào đồ ăn rất dễ bị thôi nhiễm những chất độc hại gây ra tác hại khôn lường cho sức khỏe. Vì thế, nên để thực phẩm trong hộp thủy tinh cao rồi mới bọc bằng màng thực phẩm.Ngoài ra, không dùng bọc những của quả như cà rốt, dưa chuột, đậu đũa vì sẽ khiến hàm lượng vitamin C của những củ, quả này giảm đi nhiều.
Không dùng khi có mùi lạ
Sau khi mua màng bọc thực phẩm về sử dụng cần bảo quản màng bọc ở nơi có nhiệt độ trung bình. Nếu bảo quản ở những nơi có nhiệt độ cao hoặc quá thấp dễ làm màng bọc biến chất và sinh độc tố. Đặc biệt, không sử dụng màng bọc có dấu hiệu nấm mốc, bị sun, có mùi lạ. Nếu vẫn cố tình sử dụng sẽ dễ gây ngộ độc vì mang bọc thực phẩm kém chất lượng.
Cách sử dụng màng bọc đúng cách an toàn
Nếu vẫn muốn sử dụng màng bọc thực phẩm bảo quản thức ăn,GS.TS Nguyễn Văn Khôi, Trưởng phòng Vật liệu polyme, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN VN khuyên người dùng cần phân loại màng bọc trước khi sử dụng. Màng bọc PE dùng cho thức ăn đã qua sơ chế. Màng bọc PVC bảo quản thực phẩm chưa qua chế biến, không dùng màng nhôm bọc cho thực phẩm giàu axít.
Khi bảo quản đồ ăn cần bọc cách thực phẩm ít nhất là 2,5 cm.Bỏ màng bọc ra khi hâm nóng.Bảo quản màng bọc ở nhiệt độ phòng. Không dùng những màng bọc đã bị mốc, rúm, để quá lâu.
Khi mua màng bọc thực phẩm cũng nên để ý tới nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng có uy tín, tránh những màng bọc kém chất lượng, trôi nổi ngoài thị trường.