Mang cả 'công viên' vào khu công nghiệp

Cùng VnEconomy trò chuyện với ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec...

Hơn 13 năm xây dựng và khai thác kinh doanh, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã thu hút hơn 50 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bằng việc xây dựng khu công nghiệp Nam Cầu Kiền trở thành khu công nghiệp sinh thái đầu tiên tại Việt Nam, ông Phạm Hồng Điệp đã truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư trong cả nước về đầu tư bền vững, phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường.

Trong cuộc trao đổi với VnEconomy, ông chủ của Shinec Phạm Hồng Điệp không chia sẻ khát vọng xây dựng khu dân cư xanh, khu công nghiệp xanh là tâm huyết mà Shinec đã, đang và sẽ làm cho các nhà đầu tư. Thay vào đóó, ông chủ của Shinec lại say sưa kể về quá trình xây dựng thành công khu công nghiệp sinh thái theo đúng nghĩa tại Nam Cầu Kiền, với mong muốn từ đó tạo ra nhiều hệ sinh thái cộng sinh đem niềm hạnh phúc đến cho mọi người.

KHÁT VỌNG XANH VÀ NỀN KINH TẾ TUẦN HOÀN

Được biết, Công ty Cổ phần Shinec có thế mạnh là sản xuất nội thất tàu thủy. Vậy vì sao ông lại có ý tưởng đầu tư xây dựng một khu công nghiệp?

Khi phát triển sản xuất, nhu cầu về mặt bằng đất đai, tính pháp lý và hạ tầng phục vụ nhu cầu sản xuất là không thể thiếu. Nếu đầu tư nhà máy đơn lẻ trong các khu dân cư, hoặc các khu sản xuất nông nghiệp, thì sẽ không đem lại phát triển bền vững, trong khi chi phí xử lý về môi trường, chi phí dịch vụ thiết yếu cho người lao động ngày một tăng cao... Điều này cũng là nhận thức chung của tất cả các nhà sản xuất như Shinec. Chính vì vậy nếu muốn phát triển sản xuất công nghiệp cần có những khu có quy hoạch tập trung là cụm công nghiệp hoặc khu công nghiệp (KCN) để đem lại lợi ích lâu dài. Xuất phát từ thực tế đó, tôi quyết định đầu tư KCN để tập trung các nhà máy sản xuất và kêu gọi đầu tư phát triển bền vững.

Ông Phạm Hồng Điệp
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Shinec.

Đã rất thành công khi điều hành Công ty Cổ phần Shinec, hẳn là khi bắt tay vào dự án khu công nghiệp sinh thái, ông nhận được sự ủng hộ tuyệt đối?

Ngay khi bắt tay làm đề án xây dựng KCN, tôi đã đưa ra ý tưởng một khu công nghiệp xanh thân thiện với môi trường. Tôi đã tổ chức một đoàn cán bộ nhân viên hơn hai mươi người sang Singapore tham quan hình mẫu các khu công nghiệp của nước bạn, trong khi KCN Nam Cầu Kiền vẫn còn đang nằm trên những chồng tài liệu của dự án. Lúc đó, nhiều người bảo tôi đang có một nước đi chơi vơi. Nhưng thực tế sau này đã chứng minh là tôi đúng.

Các KCN của đất nước mình cần một cuộc “lột xác”. Cần phải xây dựng được mối quan hệ cộng sinh giữa các doanh nghiệp trong KCN, giữa các doanh nghiệp với cộng đồng dân cư xung quanh KCN. Đây là bài toán khó nhưng chắc chắn là có lời giải.

Một doanh nhân muốn đầu tư vào những dự án sinh thái thì sẽ phải trải qua những khó khăn và nỗ lực như thế nào, thưa ông?

Để đầu tư vào dự án vì môi trường bền vững thì cần có một cách nhìn chính xác phạm trù khai thác kinh tế môi trường trong quá trình đầu tư. Bởi kinh doanh cần có lợi nhuận, phải tính được dài hơi, phải vận động mọi người cùng làm, để xã hội hóa và để thay đổi hành vi từ chủ đầu tư đến từng người lao động trong doanh nghiệp… Tất cả mọi người phải cùng làm, cùng ý thức thì mới mong tạo nên một nền kinh tế tuần hoàn ngay bên trong mỗi dự án đó.

Ông nhắc nhiều đến việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ngay trong KCN, vậy nền kinh tế tuần hoàn đó đã được hiện thực hóa như thế nào trong KCN Nam Cầu Kiền, thưa ông?

Với KCN Nam Cầu Kiền, từ một KCN sản xuất nhiều ngành nghề, sau khi có Nghị định 82, chúng tôi đã ý thức và quy hoạch nhóm ngành nghề, liên kết các nhóm ngành nghề đó lại, tạo thành một hệ sinh thái doanh nghiệp cộng sinh với nhau. Từ việc cung ứng nguyên nhiên liệu cho đến xử lý các chất thải sau sản xuất để đầu vào của doanh nghiệp này là đầu ra của doanh nghiệp khác, khi ra khỏi KCN sẽ không có chất thải ra môi trường… Đó là một vòng tuần hoàn trong chu trình sản xuất công nghiệp, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ sẽ đem lại giá trị gia tăng cho từng doanh nghiệp tham gia chuỗi cộng sinh này. KCN Nam Cầu Kiền hiện đã xác định được 3 hệ sinh thái doanh nghiệp cộng sinh tuần hoàn, đó là: ngành thép, ngành nhựa, ngành công nghiệp phụ trợ.

Ông Phạm Hồng Điệp:"Các khu công nghiệp của Việt Nam cần một cuộc “lột xác”...

Như vậy, hiểu một cách nôm na thì mô hình hoạt động của Nam Cầu Kiền chính là tự sản, tự tiêu?

Đúng vậy. Ví dụ như nước thải của doanh nghiệp này, sau khi xử lý bằng công nghệ cao, sẽ được cung cấp cho doanh nghiệp khác để phục vụ sản xuất với giá rẻ hơn nước máy… Năm 2020 vừa qua, chúng tôi đón khoảng 15.000 sinh viên đến đây tham quan. Tôi chỉ mong những mô hình khu công nghiệp sinh thái như thế này sẽ trở thành vườn ươm công nghệ, thu hút chất xám đến làm việc cho tỉnh Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung.

LÀM VIỆC GIỮA MÀU XANH TRONG LÀNH

Đề cao hoạt động bảo vệ môi trường mới chính là lý do khiến cho doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghiệp như Nam Cầu Kiền. Ông đã chứng minh điều đó như thế nào?

Quan điểm kinh doanh của tôi là, lấy môi trường làm trung tâm để giải quyết bài toán đầu tư. Chính vì vậy, trong tổng số 263 ha đất KCN chỉ có 167,19 ha đất đưa vào xây dựng công nghiệp, còn lại trên 40% diện tích đất của KCN dùng vào đất công viên, cây xanh, đất công cộng, hạ tầng, giao thông. 100% nước thải, khí thải, bụi, chất thải của các nhà máy trong KCN được công tơ điện tử đo đếm, hệ thống camera quay quét hình ảnh, hệ thống quan trắc tự động và được giám sát quá trình phát thải, hoạt động của các nhà đầu tư 24/24 giờ...

Trong năm 2021 này, Nam Cầu Kiền đặt mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh tại KCN, biến không gian nơi đây trở thành một vườn bách thảo có giá trị bền vững. Chỗ chúng tôi bây giờ có vườn lan, vườn hồng, vườn Nhật Kyousei-no-niwa và cả hồ cá. Mọi người được làm việc giữa không gian xanh với nắng gió trong lành, rất thích. Khởi đầu một ngày làm việc của tôi bao giờ cũng là… cho cá ăn và đi tưới cây!

Còn về phía các nhà đầu tư, họ suy nghĩ như thế nào về mô hình hoạt động và định hướng của KCN Nam Cầu Kiền, thưa ông?

Đối với KCN Nam Cầu Kiền, việc lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư ngay từ đầu vào cũng có nhiều khắt khe, doanh nghiệp phải đảm bảo đủ các yếu tố về quy hoạch vùng, quy hoạch ngành mà KCN đã được các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt. Đặc biệt phải đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về xử lý môi trường.

Các doanh nghiệp khi mới tìm hiểu về KCN Nam Cầu Kiền đều đắn đo nhiều về các quy định nghiêm ngặt trong phát triển đảm bảo yếu tố môi trường cao. Song, khi hiểu ra được lợi ích của doanh nghiệp mình trong “Hệ sinh thái công nghiệp cộng sinh” thì họ đều tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các nguyên tắc, quy định về môi trường để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Trong năm 2021 này, Nam Cầu Kiền đặt mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh tại KCN.

Ngoài KCN Nam Cầu Kiền và khu dân cư sinh thái tại Thủy Nguyên, ông còn ấp ủ những ý tưởng gì về môi trường mà chưa thực hiện được không?

Tôi ấp ủ rất nhiều dự án về môi trường. Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất hoặc đầu tư mà còn có nhiều dự án bảo vệ môi trường thuộc về lĩnh vực khác, như xây dựng khu dân cư xanh, xây dựng vườn hạnh phúc trong các làng xã để mỗi người đều có ý thức bảo vệ môi trường sống và yêu cây xanh. Thậm chí cả các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đó là ước mơ, là mong muốn của tôi, bởi vì trong tôi luôn tràn trề tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu đất nước và yêu chính mảnh đất mình đã sinh ra...

Vì sao ông lại muốn viết và xuất bản những cuốn sách về môi trường? Sắp tới, ông có thêm cuốn sách nào sẽ xuất bản trong tương lai gần không?

Tôi viết các cuốn sách chính là về những đề tài mà tôi đã thực làm thực học, điều này giúp cho mọi người thấy được làm môi trường chỉ cần có cái tâm, có ý thức là có thể làm được và làm tốt, chứ không phải là những gì cao siêu khó hiểu. Tôi cũng hy vọng những số liệu tôi cung cấp trong sách sẽ có thể truyền cảm hứng để mọi người làm theo và làm sáng tạo hơn nữa. Việc viết sách chỉ là một sở thích cá nhân mà thôi. Tới đây tôi sẽ cho ra mắt một số cuốn sách nữa, cũng được viết trên những điều thực tế mà tôi đã làm, đã tham gia. Tôi chắc chắn sẽ còn tiếp tục viết sách về những dự án môi trường, vì chỉ có như vậy thì tôi mới thỏa mãn với tiêu chí "sáng tạo trong môi trường bền vững" mà tôi luôn tâm niệm trong suốt cuộc đời làm doanh nghiệp.

Năm 2014, doanh nhân Phạm Hồng Điệp từng đạt giải thưởng Đặc biệt – Giải nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường dành cho Nhà hoạt động bảo vệ môi trường xuất sắc. Ông là người đi tiên phong vận động chính quyền và nhân dân xây dựng khu dân cư xanh tại huyện Thủy Nguyên – Thành phố Hải Phòng.

Phương Thảo -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/mang-ca-cong-vien-vao-khu-cong-nghiep.htm