Mang cả thế giới đến với những lớp học mở

Hòa cùng 'dòng chảy' về ứng dụng công nghệ trong môi trường giáo dục, học sinh Hà Nội có nhiều cơ hội vượt ra khỏi phạm vi 4 bức tường lớp học để trải nghiệm những chuyến 'du lịch' online, gặp gỡ, giao lưu, học tập với bạn bè mọi miền Tổ quốc, thậm chí là ngoài biên giới.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) đưa trường học thuộc nhóm cuối của huyện Hoài Đức lên nhóm đầu với sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) đưa trường học thuộc nhóm cuối của huyện Hoài Đức lên nhóm đầu với sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập

Khơi dậy những ước mơ đẹp đẽ

Với mong muốn đem lại thật nhiều niềm vui cho học sinh, góp phần tạo nên những giờ học lý thú, cô giáo Ngô Thị Bích Hằng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Ngạc B, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, trong 3 năm qua, cô đã xây dựng và chỉ đạo triển khai thành công mô hình “Trường học kết nối” và mô hình “Lớp học mở nâng tầm mơ ước” tại trường Tiểu học Đông Ngạc B.

Tiêu biểu nhất trong mô hình “Trường học kết nối” là chương trình “Em yêu sử Việt”. Theo cô Ngô Thị Bích Hằng, Lịch sử là một môn học không dễ dạy, càng không dễ học nhưng lại vô cùng cần thiết và hữu ích để làm điểm đột phá, tạo tiền để cho chuỗi các hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ. Vì thế, nhà trường thường xuyên mời các nhân chứng lịch sử, các chuyên gia về lịch sử tham gia vào các tiết học, các hoạt động giáo dục theo chủ đề.

“Để lan tỏa những điều tốt đẹp, tinh thần nhiệt huyết, tình yêu với lịch sử dân tộc, các chuyên đề được chuẩn bị chu đáo, kết hợp hình thức dạy học trực tiếp kết hợp với cầu truyền hình trực tiếp trên Skype, Zoom với các lớp, trường khác hoặc phát trực tiếp trên YouTube. Học sinh tham gia các chuyên đề, dù ở đâu trên đất nước đều được nghe và được trò chuyện, tương tác với khách mời. Những giây phút được trò chuyện cùng các nhân chứng lịch sử, khách mời giúp các em có ấn tượng sâu sắc về nội dung bài học. Những câu chuyện lịch sử được kể lại là nguồn cảm hứng tạo nên cảm xúc tích cực cho các em. Học sinh các trường được thi đua với nhau, vì vậy, các em vô cùng hứng thú, không khí học tập luôn sôi nổi và tầm nhìn, mơ ước của các em cũng rộng mở sau mỗi chuyên đề” - cô giáo Ngô Thị Bích Hằng cho biết.

Cách thức dạy Lịch sử tại trường Tiểu học Đông Ngạc B thời gian qua đã thực sự cho thấy hiệu quả rõ nét: Học sinh hứng thú học tập, được gặp gỡ nhiều nhân chứng lịch sử, được giao lưu với các bạn ở các trường trên mọi miền đất nước. Các tiết học đã giúp những bài học lịch sử, những giá trị truyền thống được trao truyền cho thế hệ trẻ một cách tự nhiên và thấm đẫm tình người. Sự dung dị của những câu chuyện kể cùng với hình ảnh chân thật của những khách mời, nhân chứng lịch sử với cuộc đời là những tấm gương sáng về đạo đức và lối sống đã khơi dậy trong lòng học sinh những tình cảm và ước mơ đẹp đẽ. Các tiết học thực sự là những kí ức đẹp sẽ còn đọng lại mãi trong lòng các em học sinh.

Một tiết học kết nối của thầy trò trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) với học sinh từ nhiều địa phương trên cả nước

Một tiết học kết nối của thầy trò trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) với học sinh từ nhiều địa phương trên cả nước

Vươn tới lớp học toàn cầu

Cô giáo Đỗ Thị Bích Hòa, trường Tiểu học Thạch Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội) chia sẻ, phát triển cùng “dòng chảy” công nghệ số, các mô hình học tập trên toàn cầu buộc phải chuyển đổi linh hoạt để có thể thích ứng được với nhu cầu và bối cảnh xã hội. Vì thế, áp dụng mô hình giảng dạy “Lớp học không biên giới”, được đánh giá là một xu thế giáo dục trên toàn cầu, lớp học vượt qua 4 bức tường của giáo dục truyền thống, là nơi mà giáo viên có thể mang cả thế giới vào lớp học của mình. Học sinh khi được tham quan, giao lưu với các bạn bè cùng trang lứa ở trong nước hay những quốc gia khác sẽ có điều kiện để tìm hiểu, mở mang hiểu biết về văn hóa nước bạn đồng thời hình thành động lực mạnh mẽ để trau dồi ngoại ngữ - những tố chất cần thiết để trở thành công dân toàn cầu trong tương lai.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) đã có nhiều biện pháp chỉ đạo sáng tạo để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh khi các hoạt động trải nghiệm được tổ chức dưới hình thức “Webirna” và “Live Event” để học sinh toàn trường tham gia. Qua triển khai thực tế, cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, một trong những vấn đề khó nhất là tạo không gian trên mạng để học sinh sử dụng chung. Muốn có những tiết học hiệu quả, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, kịch bản để có một buổi “live” hoàn hảo trong các buổi kết nối với trường bạn…

Nhờ sử dụng khéo léo, linh hoạt phần mềm Skype và Microsoft Teams, cô đã đưa giáo viên và học sinh trường THCS Đông La “đi du lịch vòng quanh thế giới”, “giao lưu văn hóa các vùng miền trên đất nước ta” qua màn ảnh nhỏ. Thông qua những tiết học kết nối, học sinh trường THCS Đông La có thể tiếp cận với những nhân vật lịch sử của mỗi địa phương, những danh lam thắng cảnh, văn hóa tại những nơi giao lưu thông qua sự giới thiệu trực tiếp từ bạn học, thầy cô và những khách mời tham dự buổi học trực tuyến. Đơn cử, Liên đội trường THCS Đông La kết hợp với Câu lạc bộ Đọc sách và trải nghiệm long trọng tổ chức buổi sinh hoạt dưới cờ với chủ đề “Trái tim người lính” trên ứng dụng “LIVE EVENTS” để cùng ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, cùng trao đổi, chia sẻ những cuốn sách hay viết về người lính.

Với mô hình này, học sinh nhà trường đã được nghe lịch sử chiến đấu của quân đội Việt Nam với Đại úy Tạ Tiến Đạt, Chính trị viên, Phó tiểu đoàn bộ binh 43, Trung đoàn Bộ binh 842, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị. Học sinh trường THCS Đông La đồng thời còn được giao lưu kiến thức với cô giáo Nguyễn Thị Duyên và học sinh trường Tiểu học Hàm Nghi (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị); cô giáo Phạm Hoa Lý, Hiệu trưởng trường Tiểu học - THCS Trần Hữu Dực (Triệu Phong, Quảng Trị) cùng hơn 80 học sinh đại diện các khối 4 đến khối 9; thầy giáo Đoàn Trung Tuyến, Hiệu trưởng trường THCS Giao Tân (Giao Thủy, Nam Định) cùng các thầy cô giáo và 300 học sinh nhà trường; thầy giáo Lò Trung Dũng, Bí thư Đoàn trường THPT Mai Sơn (Sơn La) cùng các thầy cô giáo và 150 bạn học sinh tham gia.

Học sinh hào hứng với tiết học kết nối trong không gian lớp học mở

Học sinh hào hứng với tiết học kết nối trong không gian lớp học mở

Không chỉ dừng lại với các tiết học kết nối với trường bạn, trường THCS Đông La đã mở rộng thành các câu lạc bộ xuyên biên giới, tạo ra lớp học mở, không giới hạn về địa lý. Điểm khác biệt ở các câu lạc bộ này là các em học sinh tự xây dựng chương trình, tự dẫn chương trình khi kết nối các địa phương Quảng Trị, Nam Định, Sơn La…; hay kết nối thành công với các thầy giáo ở Mỹ, một số nước Đông Âu... để giao lưu học hỏi về ngôn ngữ cũng như văn hóa, lịch sử các nước.

Với thế mạnh về dạy và học ngoại ngữ, lớp học không biên giới là hoạt động thường niên của thầy trò trường Tiểu học, THCS Hà Nội - Thăng Long (Xa La, Hà Đông) trong những năm gần đây. Riêng trong tháng 12-2021, do đại dịch Covid-19 không thể thực hiện những buổi tham quan, dã ngoại nhưng 330 bạn học sinh trường này đã được tới 7 quốc gia là Thụy Điển, Italia, Ai cập, Nga, Đảo Cyprus, Israel và Tây Ban Nha. Trong vòng 2 tuần, thầy trò trường Tiểu học - THCS Hà Nội - Thăng Long đã đi gần 160.000km tới nhiều quốc gia, được ghé thăm các lớp học, gặp gỡ thầy cô và các bạn bằng tuổi, tìm hiểu địa lý, du lịch, ẩm thực, phong tục tập quán và hiểu thêm về Lễ hội Giáng sinh, chào năm mới ở các quốc gia này. Các bạn học sinh các nước đều chia sẻ về truyền thống, văn hóa của nước mình liên quan đến Giáng sinh và năm mới... Hoạt động học tập này không chỉ giúp các bạn có thêm hiểu biết về văn hóa, củng cố kiến thức địa lý mà còn hoàn thiện các kỹ năng khác cần thiết cho công dân toàn cầu thế kỷ XXI như tư duy phản biện, kỹ năng hợp tác, kỹ năng công nghệ, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng ngôn ngữ.

Trong bối cảnh toàn cầu, khi tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới, việc chúng ta học tiếng Anh không phải chỉ để nói chuyện với người bản địa mà còn là để giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Lớp học không biên giới là cơ hội kết nối tuyệt vời để các bạn được thực hành tiếng Anh trong cuộc sống, được giao lưu và hiểu biết hơn về đất nước, văn hóa, phong tục của bạn bè quốc tế.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mang-ca-the-gioi-den-voi-nhung-lop-hoc-mo-post528546.antd