Mãng cầu Tây Ninh: 'Canh bạc' trong đại dịch
Ảnh hưởng dịch Covid-19, thời gian qua, nhiều người trồng mãng cầu (na) của tỉnh ta lỗ nặng. Trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều nông dân vẫn tiếp tục đầu tư vào vụ mới, nhưng có không ít nhà vườn buông xuôi.
Ông Huỳnh Biển Chiêu, 64 tuổi, ngụ xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh có thâm niên hơn 15 năm gắn bó với cây mãng cầu. Hiện tại, gia đình ông có 18 ha đất trồng loại cây đặc sản này trên địa bàn xã Tân Hưng, huyện Tân Châu. Ông Chiêu còn hợp đồng trồng thêm 10 ha mãng cầu của một số hộ dân trong khu vực.
Những năm qua, trung bình mỗi ngày ông cung cấp cho thị trường từ 1-1,5 tấn trái mãng cầu thương phẩm. Loại trái cây đặc sản này cũng có mặt ở các cửa hàng trái cây, hệ thống siêu thị Co.opmart, Bách Hóa Xanh trong tỉnh, các tỉnh, thành lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và xuất khẩu ra một số nước trên thế giới.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vụ tết năm ngoái và 6 tháng năm nay, người nông dân này lỗ hơn 2 tỷ đồng. “Chỉ tính riêng vụ vừa rồi, khi tỉnh áp dụng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, mãng cầu của tôi tới kỳ thu hoạch không chở đi bán được, trái chín rụng đầy gốc, ước tính phải bỏ khoảng 70-80 tấn trái”- ông Chiêu cho biết.
Mặc dù thiệt hại nặng, nhưng để giữ thị trường, ông Chiêu và một số nông dân khác vẫn tiếp tục đầu tư cho vụ tiếp theo. Hơn một tháng này, những nông dân này đã bắt tay vào cắt cành, tỉa nhánh, vô phân bón để thúc cho cây ra đợt trái mới.
Nếu thời tiết thuận lợi, mãng cầu sẽ thu hoạch đúng dịp bán cho thị trường tết nguyên đán năm 2022 sắp tới. Tuy nhiên, lão nông này cũng nhìn nhận, trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, người nông dân đầu tư vào vụ mãng cầu này giống như “mù đi đêm”, vì chưa biết kết quả ra sao.
Ngoài việc lo đầu ra cho nông sản, ông Chiêu còn mất ăn mất ngủ vì giá vật tư nông nghiệp và phân bón không ngừng tăng lên. Lão nông cung cấp thông tin, so với thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19, hiện nay, có loại phân bón tăng giá gấp đôi và có nhiều loại phân bón khác tăng từ 60% - 70%. Trong khi đó, mãng cầu thành phẩm bán ra thị trường bị tuột giá từ 30% - 50%. Bị lỗ liên miên, vật tư, phân bón lên giá, nhà nông gần như kiệt sức giữa cơn bão kinh tế thị trường.
Ở xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh có Hợp tác xã nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân do ông Hà Chí Mãng làm chủ nhiệm. Ông Mãng bộc bạch: “Dịch bệnh vẫn còn, giá bán mãng cầu thấp, sức mua yếu, giá phân bón tăng.
Không biết sắp tới mãng cầu có bán được không, nên nhiều xã viên không đầu tư cho vụ tết này”. Ông Đỗ Minh Long, ngụ phường Ninh Sơn (TP. Tây Ninh) tâm sự, ông có 0,7 ha đất gần chân núi Bà Đen trồng mãng cầu khoảng 10 năm qua.
Đợt dịch Covid-19 năm ngoái, mãng cầu bị tuột giá so với những năm trước nhưng vẫn bán được cho các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh. Dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 4 năm nay, mãng cầu không chở đi tiêu thụ được nên ông lỗ trắng 40 triệu đồng.
Trước tình hình này, ông Long buông xuôi vụ mãng cầu tết, không dám đầu tư tiếp. “Hiện nay, vườn mãng cầu của tôi không cắt cành tỉa nhánh, không vô phân. Giờ đầu tư tiếp giống như đánh bạc, không rõ thắng thua ra sao nên tôi không dám. Chờ khi nào hết dịch mới tính tiếp”, người này bộc bạch.
Ngoài những doanh nghiệp nêu trên, trong những năm gần đây ở tỉnh ta còn có thêm Công ty cổ phần Natani chuyên sản xuất, kinh doanh mãng cầu. Ông Nguyễn Thế Tân- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Natani chia sẻ: đầu ra cho trái mãng cầu hiện hết sức bấp bênh.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa rồi làm tê liệt các hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông vận chuyển. Công ty vẫn xuất khẩu mãng cầu ra nước ngoài được nhưng rất khó. Từ đây tới tết còn 2 tháng nữa, có thể nhiều vấn đề xảy ra, như doanh nghiệp khó giao hàng cho đối tác đúng hợp đồng do các tỉnh hạn chế xe cộ lưu thông; doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa chậm trễ, không đúng chuyến bay, bị sân bay phạt...
Công ty có khoảng 50 ha trồng mãng cầu và thu mua của những nông dân gắn bó với công ty. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, kéo dài từ Lạng Sơn, Hà Nội, Vinh, Huế, Bình Định, Phú Yên tới các tỉnh miền Tây với số lượng 2-3 tấn trái/ngày.
Tết năm ngoái, công ty bán ra thị thường 200-300 tấn, vụ tết năm nay, dự kiến chỉ sản xuất khoảng 1/3 sản lượng so với năm ngoái. “Công ty sản xuất 100 hay 200 tấn trái cũng được, nhưng vì không biết tình hình dịch Covid-19 diễn biến thế nào nên không dám mạnh dạn đầu tư.
Trong những tháng dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, mãng cầu của công ty chỉ xuất khẩu được qua Campuchia. Mặc dù linh động tìm đầu ra cho sản phẩm, nhưng Công ty Natani vẫn không thoát được cảnh lỗ vốn nặng nề.
Vụ tết năm nay, cũng như nhiều cá nhân, doanh nghiệp khác, Natani còn đối đầu với một số khó khăn khác, như giá vật tư, phân bón trung bình tăng 30%-40%, tiền thuê mướn nhân công tăng 10%-30%, giá xăng dầu tăng, sức mua giảm. Tất cả những yếu tố nêu trên dẫn đến tăng áp lực cho doanh nghiệp.
Đây là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề ở tầm vĩ mô này, cần sự điều chỉnh chung của Chính phủ để tất cả các tỉnh, thành áp dụng, hy vọng vượt qua giai đoạn khó khăn”- ông Tân đề xuất.
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, mãng cầu là một trong những trái cây đặc sản, chủ lực của tỉnh Tây Ninh, với tổng diện tích sản xuất năm 2020 là 5.405 ha- lớn nhất nước, sản lượng 67.800 tấn/năm, năng suất bình quân 14,2 tấn/ha/năm và hầu như chi phối thị trường cả nước.
Sản phẩm “Mãng cầu Bà Đen Tây Ninh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công Nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý vào tháng 8.2011. Trong đó, diện tích đạt chứng nhận VietGAP là 170 ha, sản lượng khoảng 2.380 tấn/năm.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất mãng cầu quy mô tập trung ở các xã Tân Bình, Thạnh Tân, phường Ninh Sơn, phường Ninh Thạnh (TP. Tây Ninh) với khoảng 2.022 ha; hai xã Tân Hưng, Tân Phú (huyện Tân Châu) 1.800 ha; Suối Đá, Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu) 1.000 ha...
Sản phẩm mãng cầu sau khi thu hoạch, phần lớn được bán cho thương lái, sau đó phân phối một phần cho thị trường trong tỉnh và vận chuyển đi TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, một phần nhỏ các diện tích canh tác mãng cầu đã được chứng nhận VietGAP có hợp đồng tiêu thụ với siêu thị Co.opmart, Bách Hóa Xanh, Big C...
Trước tháng 6.2021, giá bán mãng cầu tại vườn dao động từ 20-30 ngàn đồng/kg. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trên địa bàn tỉnh áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do khó khăn trong khâu vận chuyển, người lao động bị hạn chế đi lại đã ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ mãng cầu; trong tháng 7, tháng 8, giá mãng cầu giảm xuống chỉ còn 5- 15 ngàn đồng/kg tại vườn.
Một số vườn mãng cầu đến giai đoạn thu hoạch nằm trong vùng phong tỏa do dịch bệnh dẫn đến không thể thu hoạch. Đến nay, tình hình tiêu thụ mãng cầu dần khôi phục, giá bán dao động từ 15-25 ngàn đồng/kg.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/mang-cau-tay-ninh-canh-bac-trong-dai-dich-a138969.html