Măng đắng Ðiện Biên
1. Đến Điện Biên, trải qua vài đêm ở phố núi còn vương cái lạnh cuối đông, cũng gọi là cảm nhận được một chút hương vị vùng cao. Nhớ nhất món măng đắng độc đáo mà bình dị.
Măng đắng.
Măng đắng nhâm nhi cùng chén rượu nồng. Ai bảo chia tay không có ngày gặp lại? Có dịp vẫn cứ lên thôi. Đó là câu nói thật lòng, chân tình trong bữa ăn ấm cúng năm ấy. Măng đắng đầu mùa từng cái nho nhỏ, nhìn xinh xẻo không nỡ ăn. Thứ đặc sản dân dã, bình dị mà để lại thật nhiều cảm xúc.
Đi đâu cũng thấy măng đắng. Từ nhà hàng đến quán nhỏ bình dân. Món ăn nào bình dị được như thế? Măng luộc lên chấm với chẳm chéo, một mùi vị hiện lên thật dịu dàng, như muốn xóa tan hết tất cả ưu phiền để bắt đầu lại một khởi đầu mới.
2. Thành phố Điện Biên Phủ gắn bó với tôi dù mới chỉ hẹn nhau vài lần. Là một người viết, lúc nào cũng phải tìm kiếm cảm xúc đủ để hình thành nên một sản phẩm. Đôi khi mệt mỏi, tôi đóng máy tính, cầm cuốn sổ và cây bút rồi lang thang đâu đó. Đến khi nhận được một lời mời lên chốn vùng cao này. Không thể kể hết dược kỷ niệm chỉ trong vài ngày lưu lại.
Ngắm hoa ban thì hãy đến Điện Biên. Đúng thế. Ăn uống cũng ở đây thôi, dẫu không được thanh tao như các bậc tiền bối thì hãy ngồi cùng anh em bè bạn, những con người lao động bình thường nhất để thấy, để cảm thông và tô thắm tình yêu thương giữa người với người. Vùng cao lạnh hơn đồng bằng nhưng lại ấm áp tình người. Anh em đốt lên ngọn lửa rồi mời bằng các món ăn dân dã.
Là măng đắng. Món quê hương đấy. Tôi biết, ở Hà Nội cũng đâu dễ tìm món bình dân này. Còn ở Điện Biên đi đâu cũng thấy. Tay măng nho nhỏ, luộc lên ăn nguyên cái. “Ăn bốc quen rồi, cứ tự nhiên thôi.” Đó cũng chẳng phải là câu chào mời của các bạn rượu khi đã ngà ngà mà ở đây bình thường đều thế. Tự nhiên và mến khách, đó chẳng phải là Điện Biên đó sao.
3. Nghe nói măng đắng chỉ có từ tháng 2 đến tháng 6. Để lấy được măng đắng phải lên các dãy đồi, sườn núi để tìm măng nhú lên từ mặt đất. Bạn bảo khi có mưa rào, đi lấy măng thật là thích. Măng cứ mập mạp, đem về luộc chiều lòng thực khách. Đó là cách đối đãi của người Điện Biên, bỏ công sức đi tìm sản vật núi rừng đãi du khách từ phương xa.
Đơn giản thế thôi mà trìu mến vô cùng. Ăn món măng đắng luộc chấm chẳm chéo, nhấp một ngụm rượu rồi lại được nghe kể quá trình lên rừng kiếm măng thật thú vị và sôi nổi. Mấy cậu trai khỏe mạnh, lùng cả buổi là đủ để ăn và bán. Kế sinh nhai của người dân xứ núi, nay đem trút ruột gan và bầu tâm sự, cùng nhau nhìn lại và so sánh với nhau đầy thú vị. Với người thành phố, dành nhiều thời gian quanh bàn làm việc, nay trải nghiệm hương rừng, hương núi, chợt thấy đời thật muôn màu, muôn vẻ.
Măng đắng Điện Biên thoảng ngọt trong mùi đắng, nhẹ cay trong cái nhần nhận phảng mùi rừng núi. Đúng là có lên núi mới biết vị ngon, món ăn tưởng bình dị mà chứa nhiều sức sống đến thế. Đơn giản nhất vẫn là măng luộc, còn cầu kỳ hơn thì từ măng có thể dọn lên một bàn đầy đủ món nhắm. Trước mắt tôi, các món măng phong phú, uống hết bình rượu cũng vẫn còn mồi nhắm. Măng xào thịt lợn, măng nướng, nộm măng… tất cả đều là cách chế biến dân dã, mang một hương vị đặc trưng của đất và người Điện Biên.
4. Về Hà Nội, thỉnh thoảng lại thấy nhớ măng đắng Điện Biên. “Truy lùng” mãi mới thấy có quán bán măng đắng ngâm cay ăn kèm tiết luộc.
Chợt nghĩ, những món ăn dân dã ở các địa phương tuy đơn giản mà rất ngon, nếu có cách nào “phủ sóng” rộng hơn đến siêu thị, đến các thành phố lớn trên cả nước thì ai cũng có thể thưởng thức được và còn có thể xuất khẩu ra thế giới. Nhớ về câu chuyện một Việt kiều người dân tộc Thái ở Pháp, sau 60 năm về thăm quê chỉ đi tìm măng đắng để ăn vì nhớ quá. Sao không phải là thứ gì khác mà lại là măng đắng? Vì tình đất, tình quê và nhớ nhung hương rừng nuôi sống một con người. Còn nhiều câu chuyện khác tôi nghe được du khách, người đã một lần được thưởng thức măng đắng và vẫn nhớ mãi, quyết tìm mua bằng được dù ở miền Nam xa xôi. Tuy không hoàn hoàn chuẩn vị từng được ăn ở Điện Biên nhưng thế là đủ sung sướng rồi.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/186769/mang-dang-%C3%B0ien-bien