Mang đến mùa xuân no ấm

Khi hoa mận, hoa đào trên khắp các sườn núi cao đua nhau khoe sắc cũng là lúc người dân trong tỉnh tất bật dọn nhà cửa, sắm sửa đón Tết. Năm nay, nhờ cần cù, chăm chỉ, áp dụng khoa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, nhiều nông dân tại các vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh có những vụ mùa bội thu; vui xuân, đón tết ấm áp, đủ đầy.

Thu nhập cao từ trồng mía, sắn

Quảng Hòa là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa với các cây trồng chủ lực như: mía, ngô, sắn, dưa hấu… Người dân có kinh nghiệm, biết cách tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, nhạy bén với thị trường. “Chìa khóa” để giúp nông dân huyện thoát nghèo, nâng cao giá trị sản xuất, ăn nên làm ra chính là sự đổi mới trong tư duy sản xuất, liên kết, tìm kiếm thị trường. Niên vụ 2023 - 2024, huyện trồng 2.446 ha mía nguyên liệu, tập trung tại các xã: Đại Sơn, Cách Linh, Hạnh Phúc, Hồng Quang và thị trấn Hòa Thuận; sản lượng ước 172.485 tấn.

Bên ruộng mía đang thu hoạch, chị Hoàng Thị Ánh, xóm Lăng Hoài I, xã Cách Linh phấn khởi cho biết: Mía là cây trồng chủ lực, có đầu ra ổn định nên năm nay, gia đình tôi trồng 2 ha mía giống KK3 do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng triển khai. Tham gia mô hình, gia đình tôi được hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bón phân đúng liều lượng, năng suất mía bình quân đạt 850 tạ/ha. Với giá thu mua tại ruộng loại A là 1.300 đồng/kg, trừ chi phí gia đình thu về hơn 100 triệu đồng. Đây là nguồn thu bền vững nhất trong các cây trồng hiện nay ở Quảng Hòa, đặc biệt không phải lo đầu ra cho sản phẩm vì có nhà máy bao tiêu.

Cùng với cây mía hàng hóa, năm 2023, huyện Quảng Hòa trồng hơn 500 ha sắn nguyên liệu, sản lượng ước đạt hơn 10.000 tấn. Để tăng giá trị kinh tế cho cây trồng, người dân các địa phương tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích trồng sắn, thực hiện luân canh 3 vụ mía trồng 1 vụ sắn. Điều này không những giúp cải tạo, phục hồi đất mà còn tận dụng được lượng phân bón dư thừa cho cây trồng, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Tết này, gia đình anh Dương Văn Khuyên, xóm Bản Chu, xã Đại Sơn (Quảng Hòa) mua sắm nhiều vật dụng, đồ dùng đắt tiền. Anh Khuyên cho biết: Năm 2023, gia đình tôi tiếp tục luân canh 3,7 ha mía sang trồng sắn cao sản xen với cây dưa hấu. Trong quá trình trồng, gia đình áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; phủ ni lon toàn bộ diện tích trồng dưa hấu tạo độ ẩm, hạn chế cỏ dại, bón phân và vun xới 2 lần/vụ, nhờ đó đất luôn tơi xốp, cây phát triển đồng đều, củ, quả to đều, ngọt. Riêng đối với cây sắn, năng suất sắn trung bình đạt hơn 30 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 110 tấn củ tươi, cao nhất vùng nguyên liệu Quảng Hòa; dưa hấu thu hoạch hơn 60 tấn. Từ bán sắn và dưa hấu, gia đình thu khoảng 300 triệu đồng.

Làm giàu từ trồng cây thuốc lá

Từ lâu, thuốc lá được xem là cây trồng chủ lực giúp người nông dân 2 huyện: Hà Quảng, Hòa An vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2023, người dân vùng trồng thuốc lá vui hơn vì cây thuốc lá được mùa lại được giá. Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt, ông Triệu Văn Tiền, xóm Kéo Chang, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) chia sẻ: Vụ thuốc lá năm 2022 - 2023, gia đình tôi trồng 8.000 m2 giống thuốc lá GL9. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi, gia đình làm tốt khâu chăm sóc, bón phân đúng chủng loại, hái sấy kịp thời nên thuốc lá cho năng suất, sản lượng cao. Gia đình tôi thu hơn 2 tấn thuốc lá thành phẩm, với giá bán từ 52 - 59 nghìn đồng/kg cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Thuốc lá được mùa, được giá nên tôi và các hộ trồng thuốc lá trong xóm, xã rất phấn khởi. Ông Tiền cho biết thêm: Dịp gần tết, hầu như nhà nào cũng bận rộn vì đi ươm thuốc lá. Sau đó chuẩn bị đất để làm bầu, đến khi cây con thuốc lá mọc độ 5, 6 lá thì đem cấy vào trong bầu. Giai đoạn trồng không khó nhưng hầu như nhà nào cũng chạy đua với thời gian để hoàn thành trước tết. Trồng xong dành nhiều thời gian chăm sóc, vun xới, diệt trồi… Qua tết, đến độ tháng 2, 3, người dân lại ra đồng thu hái.

Người dân xã Nam Tuấn (Hòa An) thu hoạch thuốc lá.

Người dân xã Nam Tuấn (Hòa An) thu hoạch thuốc lá.

Vụ đông xuân năm 2022 - 2023, huyện Hà Quảng trồng được hơn 1.000 ha thuốc lá, năng suất bình quân đạt 26,2 tạ/ha, sản lượng đạt 2.656,2 tấn. Theo đồng chí Lưu Trọng Hính, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng, từ trồng thuốc lá, đến nay, toàn huyện không còn hộ trồng thuốc lá thuộc diện nghèo, thậm chí nhiều nhà làm giàu từ trồng cây thuốc lá. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở nông thôn như: đường, mương thủy lợi được đầu tư, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ thành công trên, niên vụ thuốc lá 2023 - 2024, huyện phấn đấu trồng trên 1.090 ha, tại 11 xã, thị trấn. 100% hộ sử dụng giống mới như giống GL2, GL6, GL7, TL16, D65 cho năng suất cao, chất lượng đáp ứng theo yêu cầu thị trường.

Tại huyện Hòa An, niên vụ 2022 - 2023, toàn huyện có 14 xã, thị trấn trồng 1.593 ha thuốc lá. Năng suất bình quân đạt 26,71 tạ/ha, sản lượng đạt 4.255,58 tấn, trong đó có 668 ha thuốc lá chất lượng cao, năng suất đạt 28,84 tạ/ha, sản lượng 1.926,3 tấn. Giá trị kinh tế từ thuốc lá mang lại trên 251 tỷ đồng.

Cây thuốc lá mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho nông dân xã Nam Tuấn (Hòa An), nhiều hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng từ trồng thuốc lá. Tổng thu nhập từ cây thuốc lá của toàn xã trên 60 tỷ đồng. Bên ngôi nhà mới, bà Nông Thị Vân, xóm Đông Giang 1, xã Nam Tuấn phấn khởi chia sẻ: Thuốc lá là cây trồng chính, năm 2023, gia đình tôi trồng 1 ha giống GL6, năng suất đạt khoảng 4,5 tấn sản phẩm khô/ha. Sau khi trừ chi phí, gia đình dự tính thu về trên 200 triệu đồng. Có thu nhập cao từ trồng cây thuốc lá nguyên liệu, gia đình tôi xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện đáng kể.

“Đổi đời” nhờ cây trúc sào

Được mệnh danh là “vua trúc sào” của vùng đất Nguyên Bình, ông Lý Phương Sinh, dân tộc Mông, xóm Xà Pèng, xã Ca Thành hiện có hơn 10 ha trúc sào. Ông Sinh chia sẻ: Gia đình tôi trồng trúc từ những năm 1990 trên đất trống, đồi trọc. Trong quá trình trồng, tôi vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm. Khi trúc đến thời kỳ thu hoạch, không có đường lên vùng nguyên liệu, gia đình tôi đầu tư hơn 200 triệu đồng làm con đường dài hơn 1 km phục vụ khai thác, vận chuyển trúc của gia đình và một số hộ dân trong xóm; mua xe ô tô tải để vận chuyển trúc đi bán. Năm 2023, gia đình bán 40 xe trúc thu về hơn 200 triệu đồng.

Nông dân xã Ca Thành (Nguyên Bình) khai thác cây trúc sào.

Nông dân xã Ca Thành (Nguyên Bình) khai thác cây trúc sào.

Học tập kinh nghiệm trồng trúc của gia đình ông Sinh, đến nay, 100% hộ dân xóm Xà Pèng trồng hơn 100 ha trúc sào, bình quân mỗi hộ trồng từ 2 - 3 ha trúc sào. Chủ tịch UBND xã Ca Thành (Nguyên Bình) Hoàng Tòn Sao cho biết: Đối với xã vùng cao còn nhiều khó khăn như Ca Thành thì trúc sào là cây trồng chủ lực, cây giảm nghèo. Hiện nay, từ việc khai thác, chặt tỉa cây trúc để bán ra thị trường, người nông dân có thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng/ha. So với trồng lúa, ngô… trúc sào mang lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều. Nhờ đó, đời sống của bà con được cải thiện rõ rệt.

Đến nay, huyện Nguyên Bình có trên 2.300 ha trúc sào, trong đó có gần 2.000 ha đang cho khai thác ổn định với sản lượng gần 30 triệu cây. Đồng chí Dương Hiền Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cho biết: Cây trúc sào Nguyên Bình nổi tiếng với đặc điểm thân thẳng, to, tròn đều, dẻo, dễ uốn, nên được ưa chuộng hơn so với những vùng khác. Đây là loại cây được coi như “xương sống”, “trục đỡ” chính trong phát triển nông nghiệp của huyện. Năm 2022, huyện có doanh thu hơn 30 tỷ đồng từ bán cây trúc, nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, “đổi đời” từ cây trúc.

Tại huyện Bảo Lạc, những năm gần đây, đời sống của người dân dần sung túc với màu xanh bạt ngàn của cây trúc sào. Theo thống kê, đến nay, huyện Bảo Lạc có hơn 1.900 ha trúc sào, trong đó 1.800 ha đang cho thu hoạch. Mỗi năm, huyện trồng mới 20 - 30 ha. Mỗi năm, cây trúc đem lại thu nhập cho huyện trung bình hơn 20 tỷ đồng. Ông Đặng Phụ Lìn, người Dao đỏ, xóm Nặm Cốp, xã Huy Giáp chia sẻ: Với gần 10 ha cây trúc sào hiện có, mỗi năm, gia đình tôi bán bình quân khoảng 30 xe trúc, thu nhập hơn 150 triệu đồng. Nhờ cây trúc, gia đình tôi xây được nhà cửa khang trang, có cuộc sống ấm no, mua được nhiều tiện nghi như xe máy, tivi, tủ lạnh… phục vụ sinh hoạt.

Thái Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/mang-den-mua-xuan-no-am-3167347.html