Mạng di động ảo gặp khó ở Việt Nam
Thị trường viễn thông tại nước ta đang dần bão hòa nhưng các Mạng di động ảo (MVNO) đang gặp nhiều khó khăn trong việc thuê hạ tầng, mua lưu lượng từ các doanh nghiệp viễn thông có sẵn hạ tầng mạng, dẫn đến thị trường mạng di động ảo tại Việt Nam chậm phát triển.
Mạng di động ảo là mô hình doanh nghiệp không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông, họ sẽ mua cả gói lưu lượng lớn truy cập dịch vụ mạng của một nhà mạng khác có hạ tầng và cung cấp dịch vụ di động với giá bán lẻ riêng tới khách hàng. Phần chênh lệch giữa giá bán buôn cả gói lưu lượng lớn và giá bán lẻ tới khách hàng chính là lợi nhuận mà các nhà mạng di động ảo có được.
Các nhà mạng ảo có thể cung cấp dịch vụ và thu lợi nhuận từ những thị trường ngách, nhóm khách hàng nhỏ. Ở chiều ngược lại, sự ra đời của nhà mạng di động ảo cũng mang lại nhiều yếu tố tích cực cho doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng nhờ việc bán lại phần lưu lượng chưa sử dụng sẽ giúp họ chia sẻ chi phí vận hành và nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư. Chính vì vậy, dù mới xuất hiện từ khoảng những năm 1990 tại Anh, nhưng mạng di động ảo đã nhanh chóng nở rộ tại nhiều quốc gia khác.
Theo thống kê, trên thế giới hiện đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp mạng di động ảo đang hoạt động tại 79 quốc gia, trong đó châu Âu có 585 mạng, con số đó đối với châu Á-Thái Bình Dương là 129,...
Bên cạnh đó, các quốc gia có thị phần các doanh nghiệp mạng di động ảo lớn có thể kể đến như Nhật Bản: 83 doanh nghiệp (chiếm gần 11% toàn thị phần), Anh: 77 doanh nghiệp (chiếm 15,9% thị phần); Mỹ: 139 doanh nghiệp (chiếm 4,7% thị phần); Đức: 135 doanh nghiệp (chiếm 19,5% thị phần);…
Trong khu vực, không ít quốc gia cũng có thị trường mạng di động ảo phát triển, mang đến nhiều dịch vụ mới cho người sử dụng như Thái Lan có 12 doanh nghiệp, Malaysia có tám doanh nghiệp,…
Còn tại Việt Nam, mãi đến năm 2019, mạng di động ảo đầu tiên là Itelecom mới có mặt trên thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại, cũng mới chỉ có sáu doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ mạng di động ảo với thị phần không đáng kể (số lượng thuê bao của các nhà mạng di động ảo hiện khoảng 2,65 triệu, chiếm 2,1% tổng số thuê bao toàn thị trường).
"Nguyên nhân chính của việc thị trường mạng di động ảo ở Việt Nam chậm phát triển là do các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc thuê hạ tầng, mua lưu lượng; cơ sở đàm phán giá thuê hạ tầng của các doanh nghiệp viễn thông chưa hoàn chỉnh"-Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết.
Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp mạng di động ảo đã phải mất nhiều thời gian để đàm phán thành công giá mua buôn lưu lượng. Do đó, việc đưa ra các quy định đầy đủ, cụ thể hơn về cho thuê hạ tầng, minh bạch giá bán buôn lưu lượng nhằm giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường mạng di động ảo phát triển là hết sức cần thiết.
Theo vị đại diện của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông: "Khái niệm mạng di động ảo và nhà mạng ảo đã không còn mới ở Việt Nam. Các nhà mạng ảo ở Việt Nam có nhiều lợi thế như không sở hữu hạ tầng, không cần tham gia xin cấp phép tần số".
Quy định về việc cung cấp dịch vụ đối với các nhà mạng ảo không hề khó khi chỉ cần ký hợp đồng mua SIM của các nhà mạng lớn là đã có thể kinh doanh. Tuy nhiên, mô hình này trên thực tế chỉ có dịch vụ cung cấp dừng lại ở mức độ khiêm tốn, chưa tạo được thế mạnh riêng và chiếm một lượng người dùng rất nhỏ.
Trong dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp sở hữu hạ tầng viễn thông trong việc công bố giá bán buôn lưu lượng, giá cho thuê hạ tầng để minh bạch thông tin.
Lí do là vì các mạng di động ảo vẫn phụ thuộc vào các nhà mạng có hạ tầng. Nếu thị trường vẫn tồn tại tình trạng “cửa trên, cửa dưới” thì sẽ phát sinh tiêu cực. Không những thế, mô hình mạng di động ảo vẫn còn khá mới ở Việt Nam và cần phải hoàn thiện chính sách quản lý để thúc đẩy cạnh tranh.
Tính đến thời điểm bây giờ, hiện đang có 2 cách xác định giá bán buôn của doanh nghiệp viễn thông (dựa vào cách tính giá thành của dịch vụ hoặc chênh lệch với giá bán lẻ cho người sử dụng). Mặc dù cũng đã có quy định về việc xác định giá thành của từng dịch vụ viễn thông nhưng trên thực tế việc triển khai trong thời gian qua vẫn khó thực hiện, do đó cần bổ sung các quy định cụ thể hơn về vấn đề này.
Thị trường viễn thông đã bão hòa, nhưng các nhà mạng ảo vẫn được đánh giá còn dư địa để phát triển khách hàng mới. Các mạng ảo nên tập trung xây dựng hệ sinh thái của riêng mình, từ đó lôi kéo thêm người dùng và nguồn thu thay vì sử dụng các chính sách ngắn hạn như tập trung vào dịch vụ viễn thông cơ bản, giảm giá cước. Đây cũng là mô hình được nhiều mạng di động ảo thành công trên thế giới áp dụng.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mang-di-dong-ao-gap-kho-o-viet-nam-post259883.html