Mang giấc mơ đan sâm về với vùng đất bazan

Những cây đan sâm đã thay thế tiêu, cà phê, điều và phủ xanh mảnh đất bazan xứ Gia Lai. Không chỉ mang lại công việc ổn định, bà con dân tộc nơi đây còn có nguồn lợi kinh tế cao từ việc trồng cây dược liệu này.

Từng là một giáo viên sinh học, chị Nguyễn Hồng Dịu (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, Gia Lai) nhận thấy nỗi vất vả, khó khăn của bà con nơi đây khi đã quen với hồ, tiêu, điều… nhưng giá cả bấp bênh, nhiều vụ thua lỗ. Thậm chí việc sử dụng phân bón hay thuốc trừ sâu quá mức cũng khiến đất đai nơi đây cằn cỗi hơn. Vẫn luôn ấp ủ tình yêu đối với dược liệu, sau những giờ dạy trên trường, chị Dịu dành thời gian để nghiên cứu tìm một loại dược liệu phù hợp với vùng đất đỏ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gác lại giấc mơ nghề giáo, chị Dịu mong muốn thay đổi cuộc sống bấp bênh của bà con khi dựa vào nông sản trên vùng đất đỏ banzan. Chị bắt đầu tìm hiểu về đan sâm, về quy trình nuôi trồng và đầu ra cho sản phẩm.

Năm 2019, chị Dịu bắt đầu trồng thử nghiệm 6 sào đan sâm. Xen canh với đan sâm, chị Dịu trồng thêm sâm đương quy, kim ngân hoa, hồng hoa, thiên môn đông…

Chị Dịu bên vườn trồng đan sâm tại Gia Lai.

Chị Dịu bên vườn trồng đan sâm tại Gia Lai.

Sau khoảng 1 năm chị thu về gần 1,5 tấn rễ tươi với diện tích 2 sào đan sâm. Lúc này trên thị trường, giá đan sâm tươi rơi vào khoảng 40.000 -60.000đồng/kg. Tuy nhiên chị Dịu không bán mà tiếp tục nghiên cứu chế biến để tạo ra sản phẩm chất lượng. Trong vụ mùa đầu tiên thử nghiệm, chị Dịu thu về được gần 200 triệu tiền lãi. Với số tiền này, chị Dịu tiếp tục hợp tác với bà con trong vùng để mở rộng diện tích, tăng thu nhập.

Từ những thành công ban đầu, chị Dịu đã thành lập HTX Dược liệu xanh Mang Yang. Từ tháng 6/2022, HTX và các hộ dân đã trồng gần 3ha cây đan sâm.

Cũng chung niềm đam mê với cây dược liệu, chị Nguyễn Thị Duyên (xã Đắk Ya, huyện Mang Yang) đã phủ xanh đất rừng bằng 1,3ha trồng đan sâm. Không những vậy, chị Duyên còn đầu tư máy móc, công nghệ để chế biến cây đan sâm và các loại dược liệu khác để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hay như anh Bùi Công Thắng (huyện Mang Yang, Gia Lai) sau vụ mùa mất trắng vườn tiêu rộng gần 1ha, anh đã chuyển hướng sang trồng cây đan sâm. Anh Thắng cho biết, nhờ sự hỗ trợ của những người đi trước, việc trồng đan sâm của anh thuận lợi, cây đan sâm đang phát triển tốt và tháng 5 năm nay đã cho thu hoạch vụ mùa đầu tiên.

Cây đan sâm đang dần phủ xanh vùng đất đỏ banzan.

Cây đan sâm đang dần phủ xanh vùng đất đỏ banzan.

Từ những người dân thành công phủ xanh rừng bằng đan sâm, dược liệu, Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Mang Yang đã triển khai mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ liên kết sản xuất và tiêu thụ dược liệu để tăng hiệu quả sản xuất. Cụ thể, theo mô hình này Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, tập huấn chuyển giao tiến bộ KH&CN với kinh phí khoảng 400 triệu đồng; vốn đối ứng của người dân 120 triệu đồng.

Theo Y học cổ truyền, đan sâm có vị đắng, có tác dụng phá túc huyết, sinh ra huyết mới, dưỡng huyết an thai, trụy tử thai, điều kinh mạch. Đan sâm được dùng trong các bài thuốc điều hòa kinh nguyệt và hỗ trợ điều trị các bệnh phụ khoa. Đặc biệt đan sâm dùng trong các bài thuốc chữa thiếu máu, mệt mỏi, cơ thể suy nhược. Bên cạnh đó còn được dùng trong các bài thuốc chữa viêm khớp, thấp khớp, đau dây thần kinh liên sườn…

Trong y học hiện đại, đan sâm có thể dùng dưới dạng cao chiết toàn phần hoặc dịch chiết phân đoạn. Có thể dùng để điều trị đơn độc hoặc dùng làm bán thành phẩm kết hợp với những hoạt chất từ dược liệu khác để tạo ra những chế phẩm. Tạo ra các sản phẩm có tác dụng chữa bệnh hiệu quả cao có nguồn gốc tự nhiên. Tuy nhiên, đối với những chế phẩm cụ thể, cần phải được nghiên cứu về tính an toàn (độc tính cấp, độc tính bán trường diễn) và hiệu quả để có được chỉ định và liều dùng phù hợp nhất.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mang-giac-mo-dan-sam-ve-voi-vung-dat-bazan-169230921161329867.htm