Mạng lưới điện: Những 'ô trống' chưa điền

PTĐT - Đến hết tháng 6- 2019, Công ty Điện lực Phú Thọ đã tiếp nhận tài sản lưới điện hạ áp nông thôn ở 233/253 xã; trong đó có 86 xã tham gia dự án REII (Dự án năng lượng nông thôn II), 147 xã ngoài dự án REII. Nguồn vốn có hạn nên việc đầu tư thiếu đồng bộ...

Kỳ 1: Những “ô trống” trên mạng lưới điện
Trong những ngày hè nắng nóng gay gắt của năm 2019, Báo Phú Thọ nhận được một video clip quay cảnh ngôi nhà sàn le lói ánh đèn vàng vọt từ ngọn đèn dầu nơi góc nhà. Người phụ nữ quay clip này nói rằng từ trước đến nay, nơi chị ở- khu Vông, xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập- hơn 200 hộ dân vẫn đang trong cảnh “đói điện”. Cứ nghĩ rằng đây là một nơi heo hút của huyện Yên Lập, nhưng không, Vông 1 và Vông 2 chỉ cách thị trấn Yên Lập vài cây số. Năm 1999, điện lưới Quốc gia về với Phúc Khánh, người dân như vỡ òa trong vui sướng, hạnh phúc bởi sắp thoát khỏi cảnh tăm tối. Bà con 2 khu: Vông 1, Vông 2 gom góp sắm sửa các thiết bị điện trong gia đình, vẽ ra viễn cảnh con cái được học hành trong điều kiện đủ ánh sáng, cuộc sống đỡ nhọc nhằn. Nhưng trái với mong ước của họ, đường điện đã dừng lại cách khu Vông 3-4 cây số. Một lần nữa bà con 2 khu Vông lại bỏ ra một khoản tiền tự mua dây, dựng cột “đón” điện về khu. Để có điện sử dụng, mỗi hộ đã chi phí khoảng 1,5 triệu đồng. Cách đây 20 năm, đó là số tiền không nhỏ, nhất là với đồng bào miền núi sống chủ yếu dựa vào nương ngô với mấy vạt rừng.

Sau 20 năm “rước” điện về nhà, đến nay hạ tầng xuống cấp, phía đầu nguồn thì sáng được bóng đèn quả nhót, những hộ cuối nguồn thì điện có nhưng không thể sáng nổi một bóng điện. Dù người dân dám đầu tư mua các loại máy móc để phát triển kinh tế gia đình nhưng vì thiếu điện nên không thành hiện thực.

Đường dẫn xa, hao phí lớn nên điện về đến nhà như “hết hơi”. Người dân phải nấu cơm bằng củi thay nồi điện, dùng đèn dầu, đèn pin thắp sáng chứ không phải bóng đèn, đài radio chạy pin con thỏ hoặc sạc điện chứ không dùng được tivi… tất cả mọi đồ đạc đã sẵn sàng nhưng không thể sử dụng. Khi có công việc của khu hay tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì Bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư dùng cách thức thủ công là đến gõ cửa từng nhà, còn các thiết bị như tăng âm, loa phát thanh đành để phủ bụi ở nhà văn hóa. Vì không sử dụng được điện nên nhà văn hóa khu luôn trong tình trạng cửa đóng. Con trẻ muốn học bài thì thắp đèn dầu, mua đèn tích điện hoặc dùng đèn pin.

Tình trạng “khan điện” đã ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất của người dân nơi đây, kìm hãm sự phát triển các ngành nghề, nhiều hộ đã phải đóng xưởng, bán thiết bị do máy móc không thể vận hành. Trong khi đó, dù không thể sử dụng TV, quạt, đèn…nhưng người dân vẫn phải gánh giá điện cao ngất ngưởng từ 3.500đ đến 7000đ/số. Khu Vông 1, Vông 2 của xã Phúc Khánh là “ô trống” đầu tiên chúng tôi đánh dấu trên bản đồ điện lưới Quốc gia. Cách xã Phúc Khánh, Yên Lập khoảng 60 cây số. Trong một chiều tháng 8 nắng rám trái bưởi, anh Sép ở khu Đìa, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn vừa mua được chai dầu hỏa về nhà. Chiếc bàn uống nước kê giữa nhà là nơi 2 đứa trẻ nhà anh tranh thủ ánh sáng tự nhiên hắt vào để học bài. Trời miền núi tối nhanh, chiếc đèn dầu cũ kỹ anh Sép vừa thắp lên không soi tỏ gian khách.

Anh Sép chia sẻ: Chỉ thương trẻ con ở đây, để lấy con chữ mà thường xuyên phải học bài thiếu ánh sáng. Sợ mắt bị cận thị hết cả!

Anh Sép chia sẻ: Chỉ thương trẻ con ở đây, để lấy con chữ mà thường xuyên phải học bài thiếu ánh sáng. Sợ mắt bị cận thị hết cả!

Khu Đìa có gần 300 khẩu, đa phần là đồng bào dân tộc Mường sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo luôn chiếm hơn 90%. Khoảng 3 năm trước, khu được đầu tư xây mới nhà văn hóa cùng một loạt thiết bị tăng âm, loa đài. Nhà văn hóa cũng được coi là “trung tâm khu” vì là nơi tập trung cả 2 điểm trường mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, theo anh Hiếu- cán bộ địa chính xã Xuân Đài cho biết: Không có điện nên nhà văn hóa khu ít phát huy tác dụng!Điện ở Đìa có được chỉ trông chờ vào nguồn điện từ tuabin nước đặt ở con suối phía sau núi cách khu gần 1km, mà nguồn điện này cũng chỉ đủ thắp sáng được chiếc bóng điện dây tóc đỏ lòm. Dù lắp đặt hệ thống điện nước không khó nhưng cũng mất điện thường xuyên do thiết bị và đường dây không đảm bảo, có những hộ dân ở xa, muốn có điện thì ngoài đầu tư hệ thống điện nước còn phải kéo đường dây dài hơn 1km mới về được nhà. Mùa nào suối nhiều nước thì còn có điện, nhưng nếu vào mùa mưa lũ, máy phát điện bị nước cuốn trôi đồng nghĩa với việc cả khu chìm trong bóng tối hoặc “làm bạn” với đèn dầu. Ông Hà Lương Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Đài cho biết: Điện chưa về Đìa thì chương trình xây dựng nông thôn mới ở Xuân Đài chưa hoàn thành. Xã vẫn “nợ” tiêu chí số 4 về điện bởi Đìa là khu duy nhất chưa có điện lưới Quốc gia…

Tình trạng “khan điện” cũng xảy ra tại xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn. Ông Đinh Văn Thành, Trưởng khu kiêm Bí thư chi bộ khu Đồng Chỏm dẫn chúng tôi đi xem hệ thống đường dây điện chằng chịt mắc tạm bợ trên những cọc tre, “vắt” qua ruộng lúa, ao cá. Tình trạng dây điện mắc chằng chịt, không có biển cảnh báo, dây điện xuống cấp gây ra tình trạng hở chập điện là điều đáng báo động với người dân ở Đồng Chỏm cũng như nhiều nơi khác khi tự đi dây điện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Chủ tịch UBND xã Tất Thắng Đinh Ngọc Sơn cho biết: Ngành điện chỉ đầu tư xây dựng trạm biến áp và trang bị đồng hồ, còn đường dây điện người dân phải tự kéo. Mỗi năm khu cho gia cố đường điện hai lần. Thế nhưng, sau mỗi trận mưa bão thì cột điện tự chế lại siêu vẹo gãy đổ. Cách đây không lâu, một phụ nữ ở khu 10 đi cắt cỏ bị điện giật tử vong cũng vì dây điện rơi xuống ruộng lúa.

Khó khăn về điện là một trong những yếu tố khiến cuộc sống của người dân tại những khu dân cư miền núi trì trệ, chậm phát triển, dẫn đến đời sống văn hóa, dân trí thấp. Điện vốn là tiêu chí đầu tiên khi người ta nhắc đến “điện, đường, trường, trạm” trong chương trình xây dựng nông thôn mới, là cơ sở thiết yếu để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương. Hơn bao giờ hết, người dân Vông 1, Vông 2, Đìa, - những “ô trống” trên mạng lưới điện toàn tỉnh vẫn đang từng ngày, từng giờ mong có điện để sản xuất và sinh hoạt.

Việt Hà – Đức Hoàng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/201909/mang-luoi-dien-nhung-o-trong-chua-dien-166523