Mạng lưới hàng hải chiếm 80% thương mại toàn cầu đang đối mặt hàng loạt thách thức
Mạng lưới hàng hải đóng vai trò là tuyến đường thương mại huyết mạch, chiếm 80% thương mại toàn cầu nhưng đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức. Bất cứ sự vụ nào trên biển cũng có thể tác động tới các quốc gia và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những thách thức tới mạng lưới hàng hải
Đây là nhận định của Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ tại cuộc Đối thoại Biển lần thứ 12 với chủ đề "Thúc đẩy kết nối trên biển – Tăng cường gắn kết toàn cầu".
Sự kiện tổ chức ngày 15/3 do Học viện Ngoại giao và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung tại Việt Nam (KAS) đồng tổ chức tại TP. HCM.
Sự kiện có sự tham dự của hơn 130 đại biểu tham dự trực tiếp tại chỗ và hơn 50 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến trong đó 20 diễn giả từ 12 quốc gia và tổ chức quốc tế, gần 30 đại diện của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam từ gần 20 nước và vùng lãnh thổ, gần 70 đại diện từ các ban, bộ, ngành Trung ương và từ 11 địa phương có biển trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Đối thoại, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá chủ đề Đối thoại lần này rất thời sự vì đặt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thay đổi nhanh chóng, trong đó xu hướng phân cực, phân cảnh ngày càng gia tăng.
Thực tế chỉ ra, những biến động trên Biển Đỏ đang làm ảnh hưởng nặng tới hoạt động thương mại toàn cầu.
Từ tháng 11/2023 đến nay, tại khu vực vịnh Aden và biển Đỏ xuất hiện tình trạng tàu biển chuyên chở hàng hóa bị tấn công, buộc hàng loạt hãng vận tải biển phải dừng vận chuyển hàng hóa qua khu vực biển Đỏ, thay đổi lịch trình, chuyển hướng đi vòng qua mũi Hảo Vọng của châu Phi.
Tình trạng trên phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại quốc tế, làm cho hàng hóa vận chuyển bằng đường biển giữa châu Á với châu Âu và bờ Đông Bắc Mỹ phải mất nhiều thời gian hơn. Cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm cho hàng hóa trao đổi giữa các khu vực này tăng thêm.
Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng không tránh khỏi tác động.
"Bất cứ sự vụ nào trên biển cũng có thể tác động tới các quốc gia và chuỗi cung ứng toàn cầu" – ông Vũ nhấn mạnh.
Lý giải thêm, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, mạng lưới hàng hải đóng vai trò là tuyến đường thương mại huyết mạch, chiếm 80% thương mại toàn cầu.
Kết nối hàng hải tạo điều kiện cho trao đổi văn hóa, nghiên cứu khoa học và du lịch cũng như đóng vai trò quan trọng không chỉ trong ứng phó với các sự cố thảm họa và viện trợ nhân đạo mà còn đối với các tuyến cáp quang, vốn là xương sống của kết nối số toàn cầu.
Mặt khác, kết nối hàng hải ngày nay cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi số hóa, tự động hóa và chuyển đổi năng lượng xanh.
Việt Nam cam kết mạnh mẽ về an toàn hàng hải
Tại đối thoại, các học giả đã cùng thảo luận về nội hàm và đã phác thảo bức tranh toàn diện về "kết nối hàng hải", không chỉ từ góc độ an ninh, địa chính trị mà còn từ các góc độ chuyên ngành như vận tải biển, thông tin liên lạc, môi trường sinh thái biển, năng lượng tái tạo…
Đa số đều đồng tình rằng kết nối hàng hải góp phần vô cùng quan trọng trong đảm bảo chuỗi cung ứng và phát triển kinh tế toàn cầu cũng như củng cố trật tự pháp lý trên biển.
Bên cạnh các nhân tố thuận lợi, ngày càng có nhiều thách thức nổi lên cản trở kết nối hàng hải như biến đổi khí hậu, nạn đánh cá trái phép, tình hình xung đột tại một số tuyến hàng hải huyết mạch hay nguy cơ tấn công trên không gian mạng...
Nhiều chuyên gia nhận định rằng trong kỷ nguyên chuyển đổi công nghệ số, đảm bảo an ninh các tuyến cáp ngầm dưới biển và các cơ sở hạ tầng trên biển cũng đóng vai trò trong đảm bảo kết nối hàng hải nói chung và kết nối thông tin dữ liệu nói riêng.
Về kết nối cảng biển, nhiều chuyên gia nhận định rằng cảng thông minh đã và đang là mô hình để phục vụ phát triển bền vững, nằm trong tổng thể hệ thống kết nối xanh toàn cầu.
Hiện nay, khu vực Đông Nam Á được đánh giá là khu vực có hệ thống cảng biển năng động nhất, với nhiều tuyến hàng hải kết nối khu vực và toàn cầu.
Các chuyên gia cũng chia sẻ các nhân tố đảm bảo thành công của mô hình cảng biển thông minh như yếu tố công nghệ, dữ liệu.
Cũng có ý kiến cho rằng trong quá trình chuyển đổi số, con người là nhân tố quan trọng nhất, do đó, cần phải tăng cường kỹ năng và kiến thức về vận hành cảng biển và dịch vụ cảng biển.
Riêng với Việt Nam, Trợ lý Ngoại trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết: "Là quốc gia ven biển và cũng là quốc gia sử dụng biển, Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh vào kết nối hàng hải. Sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào an toàn, an ninh của các hành lang hàng hải.
"Việt Nam cam kết mạnh mẽ về an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, kết nối hàng hải không bị cản trở theo luật pháp quốc tế. Việc tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là nền tảng để bảo đảm hòa bình, ổn định, trật tự pháp lý trên biển và là phương thức giải quyết các tranh chấp trên biển phù hợp nhất".
Đối thoại Biển là sáng kiến của Học viện Ngoại giao nhằm kết nối các nhà khoa học bàn thảo về khoa học biển, kết hợp thảo luận chính sách và khuôn khổ pháp lý hướng tới quản trị biển bền vững. Đến nay, Học viện đã tổ chức thành công 12 Đối thoại và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các đại biểu tham dự. Nhiều ấn phẩm chất lượng đã được đăng tải từ các nội dung Đối thoại.
Đối thoại Biển lần thứ 12 gồm bốn phiên thảo luận về các nội dung: (i) Đảm bảo các tuyến hành lang đường biển trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược trên biển ở thế giới và khu vực gia tăng; (ii) Cảng biển thông minh bền vững – xu thế không đảo ngược trong nền kinh tế xanh; (iii) Kết nối hạ tầng trên biển trong thời đại công nghệ số hóa và (iv) Tìm kiếm những sáng kiến kết nối các hành lang xanh trên không gian biển.
Tại Đối thoại biển, nhiều học giả trong khu vực đã chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn từ các nước; thảo luận và đề xuất các sáng kiến, ý tưởng nhằm đảm bảo an ninh và kết nối hàng hải, đặt trong bối cảnh chuyển đối số, chuyển đổi năng lượng xanh và xu hướng giảm thiểu khí thải các-bon.