Mạng lưới Lãnh đạo nữ: Cầu nối giữa Hội với Bộ, ngành, địa phương
Chiều 1/3, tại Hà Nội, Mạng lưới Lãnh đạo nữ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam không chuyên trách nhiệm kỳ 2022-2027 đã tổ chức gặp mặt nhằm tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2024.
Tham dự chương trình có Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cùng đại diện các nữ lãnh đạo các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các ban/đơn vị TƯ Hội LHPN Việt Nam tham gia Mạng lưới Lãnh đạo nữ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam không chuyên trách nhiệm kỳ 2022-2027.
Nhiều hoạt động tích cực tại đơn vị công tác
Năm 2023 là năm thứ hai Mạng lưới hoạt động với thành phần được mở rộng và có nhóm xây dựng, phản biện, giám sát chính sách. Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Mạng lưới, trong năm, Mạng lưới đã triển khai các hoạt động và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Theo đó, Mạng lưới đã chủ động, tích cực thực hiện các hoạt động ý nghĩa hưởng ứng Chương trình "Mẹ đỡ đầu", góp phần chăm lo cho trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, hội viên phụ nữ nghèo như: Tổ chức chương trình "Mẹ đỡ đâu - Thắp sáng niềm tin" tại tỉnh Hưng Yên, bảo trợ 6 tháng đầu năm 2023 cho 13 học sinh THPT mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, đạt kết quả học tập tốt trên địa bàn tỉnh cùng nhiều phần quà có giá trị cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của Hội LHPN huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Thành viên Mạng lưới tại các bộ, ngành cũng tích cực triển khai các hoạt động vì trẻ em nghèo. Đặc biệt, nhiều cá nhân/đơn vị đã cam kết đồng hành cùng Hội trong việc hỗ trợ tư vấn tâm lý cho các con và người chăm sóc, nuôi dưỡng các con.
Báo cáo tại chương trình, bà Lương Ngọc Trâm - Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao - cho biết Mạng lưới có rất nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" và các hoạt động nhân đạo, từ thiện khác cho phụ nữ và trẻ em.
Cũng trong năm 2023, Mạng lưới đã đóng góp, ủng hộ 1 mái ấm tình thương trị giá 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, một số thành viên Mạng lưới cùng với đơn vị, tổ chức của mình đã ủng hộ 15 mái ấm, góp phần đưa số nhà đại đoàn kết do Hội LHPN Việt Nam ủng hộ cho Điện Biên vượt 37 căn so với chỉ tiêu đề ra.
Trong năm 2023, có 3 chị đã được bổ nhiệm, thăng cấp vào các vị trí, quân hàm cao hơn. Một số thành viên đã tích cực nghiên cứu, xuất bản 2 cuốn sách với nội dung thiết thực, ý nghĩa (cuốn "Khéo khôn với tiền, tránh những ưu phiền" của tác giả Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cuốn "Thư thả sống" của tác giả Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương).
Mạng lưới cũng tích cực tham gia với tư cách là chuyên gia tư vấn trong xử lý các vụ việc vi phạm quyến và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, nhất là các vụ việc phụ nữ và trẻ em gái bị xâm hại, bạo hành, mua bán người; tạo diễn đàn chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, hoạt động nhằm hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em; qua đó đã góp phần nâng cao cơ hội tiếp cận công lý cho phụ nữ và trẻ em cũng như thúc đẩy bình đẳng giới.
Phát huy vai trò cầu nối giữa Hội với đơn vị, nơi thành viên Mạng lưới công tác
Năm 2024, Mạng lưới tập trung triển khai một số hoạt động chính như: tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội; thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Hội và bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương nơi thành viên Mạng lưới công tác thông qua việc chủ động tham mưu triển khai, lan tỏa các chương trình, hoạt động của Hội tại bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương, góp phần thực hiện bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ.
Mạng lưới cũng tiếp tục vận động nguồn lực, chủ động thực hiện các hoạt động thiết thực hưởng ứng Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", Chương trình "Mẹ đỡ đầu", cuộc vận động xây dựng "Mái ấm tình thương" cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phấn đấu trong năm 2024 ủng hộ 2 mái ấm và tham gia các chương trình, cuộc vận động khác do Hội LHPN Việt Nam phát động, các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo, từ thiện... vì phụ nữ, trẻ em.
Tích cực tham gia các hoạt động của Hội với tư cách là chuyên gia, giảng viên, báo cáo viên, tư vấn viên... liên quan đến lĩnh vực chuyên môn phụ trách; tham gia đóng góp ý kiến/phản biện vào dự thảo văn bản Luật do Hội tham gia, góp ý; Tổ chức các hội thảo, tọa đàm, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng theo các chủ đề phù hợp nhằm nâng cao năng lực cho thành viện Mạng lưới; tăng cường các hoạt động kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, tạo sự gắn kết giữa các thành viên; phát huy vai trò tiên phong, truyền cảm hứng của đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý.
Phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của các thành viên Mạng lưới hoạt động theo 2 nhóm chuyên sâu theo tinh thần nghị quyết mà Mạng lưới đã duy trì trao đổi, tương tác giữa các thành viên thông qua mạng xã hội; tổ chức ít nhất 1 buổi giao lưu, gặp mặt các thành viên Mạng lưới; tích cực kết nối, giao lưu với mạng lưới lãnh đạo nữ ở các địa phương. Chủ động phối hợp với các ban, đơn vị Trung ương Hội, Hội LHPN các tỉnh, thành phố đề xuất các nội dung phối hợp giữa Trung ương Hội và các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương nhằm góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; phát huy năng lực chuyên môn của các thành viên đóng góp vào hoạt động Hội và phong trào phụ nữ.