Mang niềm vui đến với thương binh

Bao năm đã trôi qua nhưng đến nay di chứng của chiến tranh vẫn hiện hữu trên cơ thể nhiều thương binh, bệnh binh. Chia sẻ với mất mát, hy sinh của những người có công với đất nước, hằng năm, tỉnh Bắc Giang luôn chú trọng thực hiện các chế độ ưu đãi, cấp dụng cụ chỉnh hình, chăm sóc điều dưỡng, phục hồi chức năng để giúp các thương binh, bệnh binh nâng cao sức khỏe, vơi bớt khó khăn trong sinh hoạt.

Tri ân người có công

Trong những ngày tháng Bảy tri ân, nhiều thương binh, bệnh binh vui mừng khi được hỗ trợ lắp chân giả, tay giả. Dịp này, thương binh Nguyễn Văn Quyết ở xã Cẩm Lý (Lục Nam) lại đến hạn được hỗ trợ lắp chân giả. Ông vẫn nhớ rất rõ lần đầu tiên có thể đứng lên và bước đi không cần đến nạng gỗ, cảm thấy như mình được hồi sinh một lần nữa. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Quyết bị thương, mất một chân khi tham gia một trận đánh ác liệt. Bao năm qua, vết thương ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, sinh hoạt. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ lắp cho ông một chiếc chân giả mới bằng nhựa dẻo, nhẹ, đi rất êm giúp ông có thể tự di chuyển, phục vụ bản thân, thăm thú vườn tược. Cứ hai năm ông được cấp kinh phí hỗ trợ lắp lại chân giả một lần. Mỗi khi ra ngoài, ông thấy tự tin hơn.

 Thương binh Trần Thế Tân được lắp chân giả vui vầy bên các cháu.

Thương binh Trần Thế Tân được lắp chân giả vui vầy bên các cháu.

Theo các bác sĩ ngoại khoa, để hoàn thiện một chiếc chân giả, yêu cầu bệnh nhân phải khám sàng lọc, lấy khuôn, thử để điều chỉnh cho phù hợp với thể trạng từng người. Đặc biệt, thương binh, bệnh binh đều có bệnh lý nền, nhiều vết thương, thậm chí còn những mảnh đạn găm trên cơ thể, gần vết tháo lắp chân, tay giả. Bởi vậy, để thực hiện ca phẫu thuật lắp chân, tay giả cho thương binh, bệnh binh thường gặp nhiều khó khăn, bắt buộc phải bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Thương binh Trần Thế Tân, ở xã Lam Cốt (Tân Yên) mất 86% sức khỏe. Mặc dù đã được thay chân giả nhiều lần nhưng lần nào các bác sĩ cũng tập trung cao để hội chẩn vì trên cẳng đùi bị cụt của ông có nhiều mảnh đạn. Khó khăn là vậy nhưng các bác sĩ luôn dành sự quan tâm đặc biệt để lắp ghép cho người cựu binh chiếc chân giả phù hợp nhất. Trong kháng chiến chống Mỹ, tại chiến trường Phù Mỹ (Bình Định), ông Trần Thế Tân đã bị địch bắt tù đày và tra tấn bằng cách cưa cụt chân trái của ông.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông trở về quê hương làm nghề dạy học, việc di chuyển chủ yếu nhờ nạng gỗ. Vết thương chiến tranh vẫn ngày đêm âm ỉ hành hạ, trong những lần đi khám sức khỏe, ông mong muốn được phẫu thuật lắp chân giả để thuận tiện cho sinh hoạt hằng ngày. Niềm vui đến khi thương binh nặng Trần Thế Tân được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) hỗ trợ lắp chân giả. Từ đó, việc đi lại của ông dễ dàng hơn, đỡ vấp ngã khi không có người trợ giúp.

Chung tay vì việc nghĩa

Thực hiện Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, theo rà soát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2024, toàn tỉnh có 644 thương binh, bệnh binh đến niên hạn được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng với tổng mức hỗ trợ hơn 1,15 tỷ đồng. Nhiều cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ sở y tế quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện phẫu thuật lắp dụng cụ chỉnh hình miễn phí cho người có công. Mới đây, Khoa Ngoại chấn thương của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phẫu thuật lắp chân giả cho các thương binh, bệnh binh đến niên hạn được cấp mới năm 2024.

 Cán bộ Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh chăm sóc thương binh, bệnh binh. Ảnh: ĐỖ QUYÊN.

Cán bộ Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh chăm sóc thương binh, bệnh binh. Ảnh: ĐỖ QUYÊN.

Chung tay vì việc nghĩa, cùng với hoạt động phẫu thuật chỉnh hình, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm kêu gọi, vận động các tổ chức trong và ngoài nước, cơ quan, đơn vị, cá nhân tài trợ phương tiện, dụng cụ chỉnh hình cho thương binh, bệnh binh. Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hằng năm, UBND tỉnh, Sở LĐTBXH ban hành kế hoạch, chỉ đạo các địa phương mở đợt cao điểm vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp. Trung bình mỗi năm kêu gọi được khoảng 2 tỷ đồng. Nguồn quỹ này ưu tiên hỗ trợ phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe cho đối tượng chính sách.

Năm 2024, toàn tỉnh có 644 thương binh, bệnh binh đến niên hạn được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng với tổng mức hỗ trợ hơn 1,15 tỷ đồng.

Nhiều năm nay, cứ đến dịp 27/7, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh lại tổ chức chương trình khám, tư vấn sức khỏe, phục hồi chức năng miễn phí cho hàng trăm lượt thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Bà Nguyễn Thị Thời, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Năm nay, đơn vị bổ sung thêm nhân lực, máy móc, vật tư y tế tập trung phục hồi chức năng vận động cho thương binh, bệnh binh. Bởi phần lớn người có công đều cao tuổi, mang trong mình vết thương chiến tranh đã nhiều năm, sức khỏe giảm sút cần được chăm sóc, phục hồi chức năng”.

Công tác xã hội hóa trợ giúp dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng có sự chung tay của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc (Việt Yên), Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong (Hiệp Hòa) hỗ trợ một số thương binh trên địa bàn đứng chân. Mới đây, bác sĩ, thương binh Lê Thành Đô ở quận hai Bà Trưng (Hà Nội), chủ xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình đã tặng một số tay, chân giả cho thương binh, bệnh binh trên địa bàn tỉnh. Nhiều người có công được một số tổ chức phi chính phủ như: Đoàn tình nguyện Mercer on Mission của Trường Đại học Mercer (Mỹ) viện trợ tay, chân giả miễn phí.

Theo ông Bùi Quang Phát, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, bên cạnh thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ với người có công, ngành lao động tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh quan tâm cải thiện đời sống, sức khỏe cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Thời gian tới, Sở phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động các nguồn xã hội hóa chăm lo cho người có công; ưu tiên kinh phí hỗ trợ mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, chăm sóc điều dưỡng, phục hồi chức năng. Qua đó giúp cải thiện sức khỏe, thiết thực tri ân các thương binh, bệnh binh, tô thắm truyền thống “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/mang-niem-vui-den-voi-thuong-binh-093227.bbg