Mang nước ngọt về vùng hạn mặn
Cuối tháng Ba, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long càng khốc liệt hơn, một số địa phương bị nước mặn bao trùm toàn bộ diện tích. Trước tình hình này, LLVT Quân khu 9 tiếp tục điều động lực lượng và phương tiện chở nước ngọt cấp miễn phí, góp phần giảm bớt khó khăn cho bà con vùng hạn mặn.
Tiền Giang: Nước ngọt cứu cây
Gần hai tháng nay, một ha sầu riêng của bà Nguyễn Thị Vân, ngụ ấp Mỹ Lương, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trong tình trạng "khát" nước ngọt nghiêm trọng. Đã có hai cây sầu riêng 15 năm tuổi chết khô, nhiều cây gần 10 năm tuổi bị héo lá do nhiễm mặn. Bà Vân cho biết: "Năm nay xâm nhập mặn sâu vào đất liền, nhiều nhà vườn trở tay không kịp nên khó cứu nổi cây ăn trái. Để có nước tưới, từ đầu mùa khô tôi trữ nước ngọt trong ao có lót bạt nhựa nhưng do xâm nhập mặn kéo dài, nguồn nước cạn kiệt nên hằng ngày tôi phải mua nước ngọt với giá 140.000 đồng/m3 để tưới cầm chừng, duy trì sự sống cho cây. Nay được Ban CHQS huyện Cai Lậy chở nước ngọt giúp, tôi cũng đỡ vất vả hơn".
Cùng chung cảnh ngộ với bà Vân, một ha sầu riêng của ông Phạm Văn Trung ở ấp Mỹ Điền, xã Mỹ Long cũng rơi vào tình trạng thiếu nước. Khoảng một tháng nay, ông Trung đã đầu tư gần 10 triệu đồng để mua nước ngọt tưới cây. "Vườn sầu riêng của tôi đang trong thời kỳ ra hoa, do thiếu nước nên có một số cây bị chết, nay được hỗ trợ một gốc sầu riêng 100 lít nước, tôi rất mừng. Tôi mong chính quyền có biện pháp lâu dài để ngăn mặn, trữ nước ngọt chứ không thể chuyển nước như thế này vì diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp", ông Trung nói.
Đồng chí Bùi Văn Trăn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long cho biết: "Toàn xã có hơn 900 ha trồng sầu riêng. Từ sau Tết, cây sầu riêng đã thiếu nước tưới, nếu không cung cấp nước ngọt kịp thời sẽ thiệt hại lớn. Do địa hình của xã là vùng trũng nên khi nước mặn vào các kênh rạch thì rất lâu mới xả hết lượng nước mặn ra sông, ảnh hưởng tới việc dự trữ nguồn nước ngọt của địa phương. So với đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 thì năm nay kéo dài hơn, vì vậy, từ ngày 15-3 đến nay, chúng tôi cũng đã huy động lực lượng xây bể chứa nước nhưng không thể đáp ứng đủ. Hôm nay được bộ đội và dân quân chuyển nước ngọt cho bà con, chúng tôi cảm ơn và mong được sự hỗ trợ nhiều hơn của LLVT tỉnh".
Thời gian này, Ban CHQS huyện Cai Lậy đang huấn luyện dân quân tự vệ nên rất thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dã ngoại giúp dân chuyển nước ngọt cứu cây. Thượng tá Nguyễn Văn Tùng, Chính trị viên Ban CHQS huyện Cai Lậy cho biết: "Trong đợt xâm nhập mặn này, chúng tôi giúp người dân trên địa bàn hai xã Mỹ Long và Long Tiên. Do cây sầu riêng là một trong những loại cây có giá trị kinh tế cao nên địa phương ưu tiên trước nhằm giảm bớt thiệt hại cho bà con. Để đạt hiệu quả thì chúng tôi phân loại cây trồng theo tuổi mà cấp nước nhiều hay ít với quyết tâm không để vườn cây nào chết khô do thiếu nước".
Bến Tre: Hạn mặn bủa vây
Hiện nước mặn đã bao trùm toàn tỉnh Bến Tre khiến người dân bị thiếu nước ngọt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, đến ngày 24-3, trên sông Cửa Đại, độ mặn cao nhất lên đến 28‰; trên sông Hàm Luông 30‰; trên sông Cổ Chiên 21‰. Nhiều nơi nước mặn 4‰ xâm nhập sâu vào nội địa gần 90km. Đồng chí Ngô Tấn Quyền, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh (Giồng Trôm) cho biết: "Nước mặn đã làm thiệt hại hơn 80% diện tích các loại cây ăn trái có múi. Riêng dừa là cây chủ lực của địa phương có sức chịu đựng khô hạn nhưng cũng có biểu hiện trái teo, buồng không trổ bông nữa. Còn nước ngọt thì thiếu nghiêm trọng". Chị Nguyễn Thị Thúy Loan, ngụ xã Mỹ Thạnh kể: "Trước Tết Nguyên đán gia đình tôi đã xài nước mặn. Ban đầu hơi mằn mặn còn tạm sử dụng nhưng bây giờ như muối vậy. Để có nước ngọt nấu cơm, tôi phải mua 200.000 đồng/m3, nhưng tiện tặn lắm chứ đâu có tiền đổi hằng ngày. Bây giờ bộ đội hỗ trợ nước ngọt miễn phí, mừng dữ lắm".
Còn tại Sơn Phú - một trong bốn xã của huyện Giồng Trôm bị ảnh hưởng nặng nề của hạn mặn năm nay, người dân phải mua nước ngọt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/m3, tùy theo quãng đường vận chuyển xa hay gần. Trong khi đó, hạn hán kéo dài làm cho sông rạch cạn khô, nước mặn xâm nhập sâu và độ mặn càng tăng. Đồng chí Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết: "Độ mặn nước sông ở đây hiện là 17‰, còn nước máy lên 5,8‰, cao hơn nhiều so với năm 2016. Thiệt hại hoa màu chưa thể thống kê vì sau khi mưa xuống cây dừa mới biểu hiện nhưng chắc ảnh hưởng nhiều đến đời sống bà con".
Ông Nguyễn Văn Tèo, ngụ ấp 3, xã Sơn Phú kể: "Tôi trồng khoảng 60 gốc dừa, nước mặn quá không dám tưới nhưng tới giờ vẫn thiệt hại khoảng 70%. Bữa nay bộ đội hỗ trợ nước ngọt đem về nấu ăn với tắm rửa cho hai đứa cháu, tắm nước mặn hoài nó chịu không nổi". Bà Nguyễn Thị Thiểu, 70 tuổi, sống một mình ở ấp 4 than thở: "Ba tháng xài nước mặn rồi, khổ lắm mấy cháu ơi. Giờ mấy cháu cho nước ngọt nên bà thấy cái nào chứa nước được thì lấy đựng để dành nấu ăn".
Trung tá Trần Quang Trung, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn Vận tải 659, Cục Hậu cần, Quân khu 9 cho biết: "Thực hiện sự chỉ đạo của quân khu, tính đến cuối tháng 3-2020, chúng tôi đã thực hiện 28 chuyến tàu; trong đó 10 chuyến (mỗi chuyến vận chuyển 250m3 nước ngọt) và 18 chuyến (mỗi chuyến vận chuyển 90m3 nước ngọt), giúp bà con các địa phương tỉnh Bến Tre khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn. Đơn vị chúng tôi luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện vận chuyển nước ngọt cấp miễn phí cho bà con khi có yêu cầu".
Sự có mặt kịp thời của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 9 thể hiện trách nhiệm, tình cảm của "Bộ đội Cụ Hồ" luôn sát cánh cùng nhân dân trong mọi thời điểm gian khó. Và những giọt nước ngọt đậm tình quân-dân càng tăng thêm niềm vui, giảm bớt nhọc nhằn cả người nhận lẫn người cho giữa mùa hạn mặn khốc liệt năm nay.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/mang-nuoc-ngot-ve-vung-han-man-614154