Mang phồn thịnh đến với khách hàng

BHG - Phát huy bản sắc văn hóa Agribank: “Trung thực, kỷ cương, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả”, Phòng giao dịch (PGD) Kim Ngọc (Bắc Quang) đã nỗ lực mang phồn thịnh đến với khách hàng, khẳng định sự gắn bó, vai trò quan trọng trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân tại địa bàn phụ trách.

Lãnh đạo Phòng giao dịch Kim Ngọc (Bắc Quang) tìm hiểu tình hình sử dụng vốn vay của khách hàng Đỗ Thị Hương.

Lãnh đạo Phòng giao dịch Kim Ngọc (Bắc Quang) tìm hiểu tình hình sử dụng vốn vay của khách hàng Đỗ Thị Hương.

PGD Kim Ngọc là 1 trong 4 đơn vị trực thuộc Agribank Bắc Quang, có địa bàn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ tương đối rộng, bao gồm 7 xã của huyện Bắc Quang. Trong đó, có 3 xã khu vực I (Kim Ngọc, Liên Hiệp, Vô Điếm), 2 xã khu vực II (Bằng Hành, Hữu Sản) và 2 xã đặc biệt khó khăn – khu vực III (Đức Xuân, Thượng Bình). Với sứ mệnh đồng hành, gắn bó với “tam nông”, PGD Kim Ngọc đã tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, nhất là 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững. Thông qua nguồn vốn của PGD Kim Ngọc góp phần làm cho diện mạo nông nghiệp, nông thôn thêm khởi sắc. Riêng nông dân, nhờ có điểm tựa quan trọng là nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh đã giúp họ bứt phá vươn lên, trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế ở cơ sở.

Hiện nay, xưởng sản xuất gỗ ván bóc của gia đình chị Đỗ Thị Hương, thôn Minh Khai không chỉ được biết đến là một trong những cơ sở sản xuất có quy mô lớn nhất trên địa bàn xã Kim Ngọc mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. “Nếu không có tổng nguồn vốn đầu tư trị giá 2,6 tỷ đồng từ PGD Kim Ngọc thì gia đình tôi khó có thể mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh như hiện nay” – chị Đỗ Thị Hương chia sẻ. Nhờ dòng vốn Agribank kết hợp với sản xuất, kinh doanh hiệu quả, gia đình chị Hương hiện đã đầu tư 2 dàn máy bóc, máy cắt gỗ trị giá hơn 1 tỷ đồng; xây dựng khu nhà xưởng, nhà kho lên đến gần 15.000 m2 và đầu tư 4 xe ô tô tải phục vụ việc vận chuyển gỗ và ván bóc. Hàng năm, cơ sở của chị Hương xuất ra thị trường từ 2.500 m3 đến hơn 4.000 m3 ván bóc với giá bán hơn 2 triệu đồng/m3, mang lại nguồnthu không nhỏ.

Đặc biệt, để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất ván bóc, ngoài thu mua gỗ cho người dân trong và ngoài xã, chị Hương còn chủ động vay vốn từ PGD Kim Ngọc để đầu tư trồng mới hơn 40 ha keo, Bồ đề, nâng tổng diện tích rừng của gia đình lên gần 60 ha. Không những vậy, chị Hương còn liên kết với các hộ dân trong xã trồng 40 ha rừng nhằm mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất. Chị Hương cho biết: Bình quân 1 ha rừng mang lại nguồn thu nhập cho gia đình từ 90 – 120 triệu đồng/chu kỳ 7 năm. Không chỉ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, chị Hương còn tạo việc làm thường xuyên cho 14 lao động địa phương và gần 20 lao động thời vụ. Chị Hoàng Thị Lạ, thôn Mâng không giấu được niềm vui: “Nếu như trước đây, thời điểm nông nhàn, gia đình tôi khó có thêm nguồn thu nhập. Nhưng nhiều năm trở lại đây, nhờ có xưởng sản xuất gỗ ván bóc của chị Hương hoạt động kinh doanh hiệu quả đã giúp tôi có việc làm thường xuyên với thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/tháng, cao gấp nhiều lần so với làm nông”.

Còn tại xã đặc biệt khó khăn Thượng Bình, dòng vốn từ PGD Kim Ngọc sau khi giải ngân đã tạo thế và lực giúp nhiều hộ vượt khó, kinh doanh hiệu quả. Anh Trần Văn Thiếp, thôn Trung chia sẻ: “Nguồn vốn Agribank giúp tôi thay đổi tư duy từ, mạnh dạn đầu tư kinh doanh để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống”. Trước thực tế xã Thượng Bình thiếu cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng xe máy trong khi nhu cầu của người dân rất lớn, anh Thiếp đã quyết tâm vay vốn 300 triệu đồng từ PGD Kim Ngọc để đầu tư cơ sở kinh doanh sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng xe máy. Hoạt động trên đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn của người dân trong xã, giúp anh Thiếp kinh doanh hiệu quả với thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng/tháng. “Hiện, tôi đã xây dựng được nhà ở khang trang, mua xe ô tô phục vụ nhu cầu đi lại. Tất cả là nhờ nguồn vốn đầu tư hiệu quả của Agribank đấy”, anh Thiếp phấn khởi nói. Đặc biệt hơn, thông qua hoạt động kinh doanh của mình, anh Thiếp còn dạy nghề miễn phí cho 3 lao động địa phương, trong đó có 1 học viên sau khi học nghề đã mở được cửa hàng sửa chữa xe máy, phục vụ nhu cầu của người dân.

Có thể khẳng định, câu chuyện sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả của chị Hương, anh Thiếp chỉ là số ít trong rất nhiều khách hàng điển hình của PGD Kim Ngọc. Song, tựu chung lại, nguồn vốn Agribank đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại địa phương. Giám đốc PGD Kim Ngọc Triệu Quốc Việt cho biết: Hiện nay, PGD Kim Ngọc đã giải ngân nguồn vốn vay hơn 154 tỷ đồng cho gần 970 khách hàng, phục vụ kịp thời nhu cầu vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Cùng với đó, đơn vị đặc biệt chú trọng việc tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Trong 5 năm trở lại đây, PGD Kim Ngọc không có tình trạng nợ xấu.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202209/mang-phon-thinh-den-voi-khach-hang-74101a5/