Mang rác vào bờ
Từ cuối năm 2021 đến nay, tại tỉnh Quảng Bình có 400 tàu, thuyền của ngư dân thực hiện mô hình 'Ngư dân mang rác vào bờ', qua đó đã thu gom được hàng chục tấn rác từ biển.
Tại tỉnh Bình Định, tháng 12-2023 cũng đã có chuyến tàu cá đầu tiên của ngư dân mang được 8kg rác thải vào bờ. Những con số rất nhỏ nhưng có ý nghĩa góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng, đồng thời lan tỏa đến các địa phương khác.
Hằng năm, ước tính có 2,8-3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền ở Việt Nam, và ít nhất 10% trong số này đổ ra đại dương. Để làm sạch biển, trước hết phải bắt đầu từ việc con người trên tàu, thuyền ngừng xả rác xuống biển, vậy thì chỉ còn cách mang rác vào bờ.
Đây là một trong những giải pháp của dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tài trợ và thực hiện thông qua Trung tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế và môi trường bền vững thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Rác mang từ biển vào bờ nhưng không phải tiêu hủy hoàn toàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) tiếp tục phát triển mô hình “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ bảo vệ môi trường, xây dựng quỹ tình thương giúp trẻ mồ côi và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.
Khi tàu cá về, chị em phụ nữ phân công nhau phân loại, thu gom để bán phế liệu, tiền thu được lập quỹ hỗ trợ trẻ em và phụ nữ nghèo trong xã, thăm hỏi các trường hợp ốm đau, đỡ đầu các cháu mồ côi tại địa phương. Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định (tỉnh Bình Định) tiến hành thu mua phế liệu từ nguồn rác thải ngư dân mang về theo biên bản thỏa thuận; một số doanh nghiệp ở tỉnh này tổ chức tặng quà là vật tư, nhiên liệu, phiếu mua hàng cho tàu cá mang từ 50% đến 100% rác thải nhựa vào bờ.
Mang rác thải nhựa vào bờ rồi xử lý thành nguyên liệu có lợi ích thiết thực và mang ý nghĩa xã hội như trên đòi hỏi sự vào cuộc của cả cộng đồng, doanh nghiệp và không thể thiếu vai trò của Nhà nước, với việc ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cũng như các chế tài pháp luật cần thiết.
Đó là một nội dung quan trọng trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam đã cam kết cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030.
TRẦN HOÀI
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/mang-rac-vao-bo-762701