Mang 'sóng biển' Trường Sa đến cực Bắc Tổ quốc
Mới đây, tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang), triển lãm ảnh theo các chủ đề 'Cực Bắc Hà Giang và Biển đảo Việt Nam', 'Khát vọng cống hiến – Lẽ sống thanh niên' đã thu hút hàng trăm thanh niên.
Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên
Sự kiện do Ban Thường vụ Huyện đoàn Mèo Vạc phối hợp với Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương và các đơn vị tổ chức. Đây cũng là cơ hội để thiếu nhi miền cực Bắc của Tổ quốc bày tỏ những cảm xúc những tình cảm tốt đẹp của mình chào mừng Đại hội Đoàn các cấp.
Triển lãm ảnh được tổ chức thiết thực, hiệu quả cùng công tác tuyên truyền triển khai rộng rãi tới thanh, thiếu nhi, đồng thời bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Từ đó nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ niềm tự hào, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời tạo cơ hội cho các em thiếu nhi được giao lưu, hiểu hơn về quê hương, đất nước Việt Nam thông qua các hoạt động ý nghĩa.
Chủ đề “Cực Bắc Hà Giang và Biển đảo Việt Nam” là nội dung do Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam và Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương thực hiện với 43 bức ảnh về Trường Sa và Nhà giàn DK1.
“Khát vọng cống hiến – Lẽ sống thanh niên” gồm 50 pa-nô ảnh chia thành 3 phần. Đó là những mốc son lịch sử của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh qua các thời kỳ Đại hội; Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Dịp này, Ban Quản lý Công viên Địa chất toàn cầu Cao Nguyên đá Đồng Văn cũng phối hợp cùng các cơ quan tổ chức triển lãm ảnh Cao nguyên Đá Đồng Văn với 150 bức tranh, ảnh với chủ đề: “Về Cao nguyên”. Các hoạt động thu hút đông đảo nhân dân, đặc biệt là học sinh trên địa bàn huyện Mèo Vạc tham gia.
Thông qua triển lãm, tiềm năng, vẻ đẹp của biển, đảo Việt Nam cũng như Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã được giới thiệu đến với đông đảo công chúng. Triển lãm đã góp phần phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền chủ quyền biển đảo của đất nước tới người dân vùng cao.
Đã có khoảng gần 1.000 học sinh, đoàn viên thanh niên, và bà con nhân dân 17 dân tộc sinh sống tại Mèo Vạc như Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, Pà Thẻn, La Chí, Cờ Lao, Giáy, Phù Lá... dự triển lãm ảnh.
Điểm nhấn của sự kiện lần này đó là sự xuất hiện của 43 bức ảnh đặc sắc về quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Cùng với đó là 33 lá cờ Tổ quốc từ 33 điểm đảo trên quần đảo Trường Sa, các hiện vật liên quan đến đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo.
Sự kiện còn có màn xếp hình bản đồ Việt Nam của học sinh rất sinh động và lôi cuốn. Theo Ban tổ chức, những phần trình diễn liên quan đến chủ quyền biển đảo, tình yêu quê hương đất nước sẽ bồi đắp ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ.
Ứng dụng công nghệ số trong thuyết minh
Ứng dụng công nghệ số để phát triển du lịch thông minh đang là xu thế tất yếu và là định hướng ưu tiên của du lịch toàn cầu, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn các năm qua.
Không nằm ngoài xu thế này, du lịch Việt Nam đã chủ động tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển du lịch thông minh, hướng tới phát triển bền vững ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Đặc biệt, lần đầu tiên ứng dụng công nghệ số được phổ biến trong thuyết minh triển lãm tại vùng cực Bắc của Tổ quốc.
Kỹ sư Trần Vũ Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi ứng dụng thuyết minh điện tử tự động cho các tác phẩm trưng bày. Mỗi bức ảnh được gắn một mã QRcode. Mã này chứa đựng thông tin thuyết minh về bức ảnh, những câu chuyện liên quan.
Người xem có thể dùng thiết bị điện tử cầm tay như điện thoại di động, quét mã QRcode gắn trên bức ảnh. Thông tin sẽ hiện ra dưới dạng chữ để đọc hoặc dạng audio để nghe. Đây là hình thức rất mới, mở ra việc thông tin tuyên truyền được phong phú hơn, tăng tính trải nghiệm cho người xem, và để lại nhiều dấu ấn hơn về tác phẩm”.
Cũng theo kỹ sư Thành, trước đây, mỗi khi đi xem một triển lãm, người tham quan thường cần tới một người thuyết minh, giới thiệu cho mình nghe từng bức ảnh. Và thường người tham quan sẽ phải nghe lần lượt từ đầu cho đến cuối.
“Vậy nếu có một bức ảnh nào đó mà người tham quan không thích thì sao? Chắc vẫn phải nghe thôi. Hay khi người thuyết minh nghỉ, người tham quan sẽ phải lặng lẽ chờ hoặc tự cảm nhận theo cách của riêng mình.
Với công nghệ thuyết minh điện tử tự động mà CLB ứng dụng triển lãm ảnh, người tham quan có thể xem triển lãm vào bất cứ lúc nào mà không cần tới người thuyết minh. Hay có thể chủ động lựa chọn bất kỳ bức ảnh nào mình thích mà không phải chờ đợi”, kỹ sư Trần Vũ Thành nhấn mạnh.
Ban tổ chức cho biết, toàn bộ ảnh trưng bày sau triển lãm sẽ được bán, kinh phí thu được sẽ dùng để mua quần áo thể thao tặng cho bộ đội Trường Sa trong hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương do Trung ương Đoàn tổ chức vào tháng 5/2022. Hiện tại, trên quần đảo Trường Sa có 66 đội bóng, nhu cầu cần 660 bộ quần áo thể thao. Tổng kinh phí cần khoảng 86 triệu đồng.
Em Lò A Sũ (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên em được ngắm những bức ảnh về biển đảo. Qua đây, em hiểu hơn những hình ảnh của các chú bộ đội ngoài Trường Sa, cuộc sống và sinh hoạt ngoài đảo cũng rất sinh động và ấm áp.
Đối với học sinh miền núi, điều này rất ý nghĩa và thú vị. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ để thuyết minh cũng khiến chúng em thích thú và muốn nghe, tìm hiểu nhiều hơn. Triển lãm phần nào giúp học sinh thêm yêu quê hương, dân tộc và đồng bào của mình hơn.
Tùng Bách