Mang Tết đủ đầy đến người lao động

Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ tập trung tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Trong đó, ưu tiên những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo và người lao động ở lại đơn vị, doanh nghiệp để công tác, sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết.

Đa dạng hoạt động chăm lo Tết cho người lao động

Nhằm khẳng định vai trò của các cấp Công đoàn Thủ đô trong việc chăm lo đoàn viên, người lao động trong dịp Tết, đồng thời tạo động lực để người lao động nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, góp phần vào sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, ngay từ rất sớm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; đồng thời, chỉ đạo các cấp Công đoàn chủ động tổ chức thực hiện bảo đảm thiết thực, an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện tại địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Từ đó, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong đoàn viên, người lao động.

Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, LĐLĐ thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các chuyến xe đưa công nhân về quê đón Tết.

Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, LĐLĐ thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các chuyến xe đưa công nhân về quê đón Tết.

Theo đó, với chủ đề “Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng” và phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ tập trung triển khai các hoạt động: Tổ chức Chương trình “Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng” tại cấp cơ sở và cấp trên cơ sở; tổ chức thăm, tặng quà, chúc Tết đoàn viên, người lao động, nhất là những trường hợp còn khó khăn, thu nhập thấp, mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nghề nghiệp, bị tai nạn lao động, thiếu việc làm, mất việc làm, bị nợ lương, thưởng; tổ chức Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2025” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến; tổ chức phương tiện đưa, đón miễn phí, hỗ trợ kinh phí vé tàu, xe, phương tiện cho đoàn viên, người lao động về quê đón Tết và quay lại nơi làm việc; tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết, thăm, động viên đoàn viên, người lao động không có điều kiện về quê đón Tết…

Ở cấp Thành phố, LĐLĐ Thành phố sẽ tổ chức chuỗi hoạt động để chăm lo cho đoàn viên, người lao động, gồm: Tổ chức chương trình “Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng” với sự tham gia của 1.000 đại biểu, trong đó có 800 đoàn viên, người lao động (mỗi đoàn viên, người lao động đến dự chương trình được tặng 2 triệu đồng tiền mặt, 1 túi quà trị giá 300 nghìn đồng); tổ chức chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2025” với khoảng 100 gian hàng gồm các sản phẩm, hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ Tết. LĐLĐ Thành phố tặng đoàn viên, người lao động khó khăn 5.800 phiếu mua hàng (mỗi phiếu mua hàng giá trị 500 nghìn đồng) và 5.000 suất quà 0 đồng (mỗi suất trị giá 300 nghìn đồng), ngoài ra LĐLĐ Thành phố phát 6.200 phiếu mua hàng (mỗi phiếu trị giá 500 nghìn đồng) cho đoàn viên, người lao động khó khăn mua hàng trực tiếp tại các điểm bán hàng.

Bên cạnh đó, LĐLĐ Thành phố tổ chức chương trình “Hành trình Tết Công đoàn - Xuân 2025”, cụ thể, tổ chức khoảng 30 chuyến xe đưa 1.200 công nhân lao động Khu công nghiệp về quê đón Tết và đón công nhân lao động quay trở lại làm việc sau Tết; hỗ trợ vé xe bằng tiền cho 5.000 công nhân lao động về quê đón Tết. LĐLĐ Thành phố cũng tổ chức hỗ trợ, thăm, tặng quà cho 30.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ 1 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa Mái ấm Công đoàn năm 2025, số lượng dự kiến là 35 Mái ấm Công đoàn cho 35 gia đình đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Chú trọng ổn định quan hệ lao động

Song song với việc triển khai các hoạt động chăm lo, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tích cực tham gia ổn định quan hệ lao động trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác giám sát của Công đoàn đối với việc thực hiện Nghị định 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo Hợp đồng lao động và pháp luật về tiền lương tại doanh nghiệp; phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn tham gia thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật Lao động, Công đoàn, Bảo hiểm xã hội... chú trọng việc thanh toán tiền lương, tiền thưởng tại các đơn vị, doanh nghiệp.

Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình quan hệ lao động, diễn biến tư tưởng và các kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, người lao động ở từng doanh nghiệp. Trường hợp có tranh chấp lao động xảy ra, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nắm tình hình, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, nhu cầu tìm việc làm, chuyển đổi việc làm của người lao động để kịp thời cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động tuyển dụng, lựa chọn việc làm phù hợp, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dịp cuối năm và đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động.

Các Công đoàn cơ sở chủ động đề nghị người sử dụng lao động thông tin sớm và đầy đủ để người lao động biết rõ về kế hoạch, thời điểm trả lương, nâng lương, trả thưởng và các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán; đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng của người lao động dẫn đến nguy cơ tranh chấp và bất ổn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Nắm bắt, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, người lao động để kịp thời trao đổi, đề xuất với người sử dụng lao động đối thoại, nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc, kiến nghị. Tuyên truyền, vận động, động viên đoàn viên, người lao động quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/mang-tet-du-day-den-nguoi-lao-dong-180600.html