Mang Tết Trung thu đến với trẻ em nghèo, khó khăn trên cả nước
Cùng với những phần quà ý nghĩa, các em nhỏ trên khắp cả nước còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ sôi động, được nghe kể về sự tích chú Cuội, chị Hằng Nga.
Tại Hà Nội, nhằm động viên các em học sinh khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp Tết Trung thu năm 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa phối hợp cùng với một số nhà tài trợ tổ chức trao tặng quà cho 1.000 học sinh khuyết tật hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của các trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, PTCS Xã Đàn và trường Tiểu học Bình Minh. Tổng giá trị suất quà được trao gần 160 triệu đồng.
Cùng với những phần quà ý nghĩa, các em học sinh còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ sôi động, được nghe kể về sự tích chú Cuội, chị Hằng Nga; tham gia trò chơi vui nhộn, hấp dẫn, với không khí vui tươi, phấn khởi. (Thu Hiền/VOV1).
Tại TP Đà Nẵng, dịp Tết Trung thu năm nay, Hội Từ thiện và Bảo vệ Quyền Trẻ em thành phố Đà Nẵng đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ các phần quà để thiếu nhi hoàn cảnh khó khăn vui Trung thu.
Các doanh nghiệp hỗ trợ 1000 suất quà, tặng trẻ em nghèo ở xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, trẻ em ở bãi rác Khánh Sơn, Làng Hy Vọng và bệnh nhi nghèo đang điều trị tại bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Mỗi suất trị giá từ 200.000 đồng đến 700.000 đồng, gồm tiền mặt, bánh kẹo, sữa và đồ dùng học tập. Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền Trẻ em thành phố Đà Nẵng cho biết: Ngoài nhận quà, các em còn được xem chương trình biểu diễn Văn nghệ, múa lân, chương trình ảo thuật xiếc... Đây là những món quà không lớn nhưng thể hiện tình cảm tình thương trách nhiệm của Hội đối với các cháu; góp phần cho thành phố tổ chức Trung thu trong một không khí vui tươi đấm ầm. (Tuyết Lê- VOV miền Trung)
Tại tỉnh Quảng Nam, dù trải qua 2 đợt dịch bệnh Covid-19, đời sống của đại bộ phận người dân còn nhiều khó khăn nhưng tại đô thị cổ Hội An, hội Tết Trung thu năm nay vẫn rộn ràng. Đây là một trong những lễ hội truyền thống có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân ở Hội An.
Nhiều năm qua, để tạo ra các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh nhân ngày Tết Trung thu, làm phong phú sản phẩm du lịch văn hóa, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam thường tổ chức Hội Tết Trung thu với nhiều hoạt động giải trí đặc sắc. Từ 13- 15/8 âm lịch, tại các điểm di tích, nhà hàng, doanh nghiệp, nhà cổ, các cơ quan, đơn vị trong khu phố cổ đều trang trí lồng đèn, trưng bày mâm cỗ. Thông qua các hình tượng Thỏ Ngọc, Mặt Trăng, chú Cuội- chị Hằng,... các mâm cỗ trưng bày nhiều loại hoa quả, thực phẩm phong phú sắc màu, thân thiện với môi trường và gần gũi với con người, khắc họa nên hình ảnh Trung thu đầy ý nghĩa. Tại vòng cung Chùa Cầu diễn ra các đêm hát bội, giúp du khách, nhất là các em thiếu nhi có dịp thưởng thức và tìm hiểu loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Năm nào cũng vậy, hội thi múa Lân- Thiên cẩu, biểu diễn múa rồng, ảo thuật và văn nghệ “Em vui Trung thu” luôn tạo nên sân chơi đầy sắc màu cho tuổi thơ phố Hội. Từ năm 2018, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã lập hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét công nhận Lễ hội Trung thu Hội An là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp tỉnh. Ông Trần Văn An, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết: múa Lân, múa Thiên cẩu gắn liền với Tết Trung thu và cũng là một trong những sinh hoạt tín ngưỡng của người dân Hội An với mong muốn cầu an bình, may mắn cho cộng đồng. Nếp sinh hoạt này còn có sự giao lưu với múa linh vật của các cộng đồng dân cư sống ở Hội An như người Hoa, người Nhật Bản,... thể hiện yếu tố giao lưu, tiếp biến với các vùng văn hóa khác. (CTV Quốc Hải/VOV-Miền Trung)
Trung Thu là dịp Tết đặc biệt của thiếu nhi với đêm rước đèn lồng, trông trăng phá cỗ. Thế nhưng với không ít trẻ em khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, miền vui nhỏ bé Tết Trung thu sẽ chỉ là một “giấc mơ” nếu không có sự chung tay góp sức của những tấm lòng hảo tâm và toàn xã hội.
Theo số liệu của phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hải Dương, trên địa bàn thành phố hiện có 816 em nhỏ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gần 400 em diện được hưởng trợ cấp xã hội. Thành phố Hải Dương đã trích ngân sách tặng 125 suất quà cho trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các hoạt động đều mang ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội dành cho trẻ em, nhất là các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Cùng với những hỗ trợ của Nhà nước nhằm chăm lo cho các đối tượng trẻ em đặc biệt khó khăn trên địa bàn, Thành đoàn Hải Dương cũng chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ, tổ chức thăm, tặng quà cho các em dịp Tết trung thu này. (CTV Linh Giang/VOV-Đông Bắc)
Tại Cần Thơ, những ngày qua, các sở ban, ngành cùng nhiều tổ chức, cá nhân ở Cần Thơ tổ chức nhiều hoạt động chăm lo trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vui đón Tết Trung thu trong không khí vui tươi, đầm ấm.
Theo ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, đây là hoạt động thường niên của Sở mỗi dịp tết Trung thu, tạo cơ hội cho trẻ em các quận huyện có dịp vui chơi, giao lưu và giải trí. Bên cạnh đó, các quận, huyện đoàn cũng tổ chức chương trình “Ðêm hội trăng rằm” dành cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Ban tổ chức đã tặng các phần quà, mỗi phần trị giá 200.000 đồng, và trao 600 phần bánh, 600 chiếc lồng đèn cho thiếu nhi tham gia rước đèn.
Trước đó, Thành Đoàn Cần Thơ cũng đã phối hợp với Huyện đoàn Thới Lai tổ chức chương trình vui Tết Trung thu cho hơn 200 thiếu nhi với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, nghe kể chuyện về sự tích chú Cuội - chị Hằng, rước đèn, phá cỗ..v..v.. Dịp này, Thành đoàn tặng 100 phần quà với mỗi phần quà trị giá 150.000 đồng cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.(Thanh Tú/VOV-ĐBSCL)
Tại tỉnh Bình Định, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Định vừa phối hợp Chi hội Tâm Phát Quy Nhơn tổ chức Tết Trung thu và trao gần 250 phần quà Trung thu tặng các cháu đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định.
Vui Tết Trung thu, các cháu thiếu nhi được xem múa lân và nhận quà gồm bánh kẹo, đèn lồng, quần áo, dày dép, cặp sách.. Dịp này, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh cũng trao hơn 200 phần quà gồm mỳ tôm, gạo và các nhu yếu phẩm khác tặng các gia đình đồng bào dân tộc Ba Na nơi đây. Được biết, Trung thu năm nay, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Định cùng các chi hội đã vận động, kêu gọi được hơn 5.000 phần quà trị giá hơn 1,2 tỷ đồng tặng các cháu thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh./. (Thành Long/VOV-Miền Trung)