Mang thị trường đến với du lịch Việt Nam

Để ngành du lịch Việt Nam tiếp tục thu hút du khách nhiều hơn nữa, cần tạo ra hệ thống các sản phẩm mang tính đặc trưng và quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia một cách hiệu quả; đồng thời hướng tới du lịch xanh, sinh thái trong mục tiêu chung của nền kinh tế là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững...

Năm 2024, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt.

Năm 2024, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, mục tiêu đến năm 2025 du lịch Việt Nam phấn đấu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trực tiếp 8-9% trong GDP.

Chiến lược ngành du lịch Việt Nam đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.

XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU DU LỊCH BỀN VỮNG

Để đạt được các mục tiêu, ông Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng đòi hỏi vai trò rất lớn của cơ quan quản lý Nhà nước. Ngành du lịch cần thiết kế hạ tầng xanh hướng tới sự thịnh vượng và bền vững dựa trên các tiêu chí của chứng chỉ LEED. Xây dựng các công trình với việc sử dụng các vật liệu phát xạ thấp, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường sống, công trình xanh, hạ tầng xanh. Cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo 4 yếu tố: tiện nghi, thẩm mỹ, vệ sinh, an toàn để thu hút du khách.

Bên cạnh đó, các yếu tố tạo nên điểm đến hấp dẫn của du lịch Việt Nam là phong cảnh đặc sắc, văn hóa bản địa và công nghệ thông minh… Điều này yêu cầu sự đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.

Ở góc độ chuyên gia, TS Trịnh Lê Anh, Trưởng Bộ môn Quản trị Sự kiện, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đặt vấn đề lâu nay mọi người vẫn cho rằng điểm quan trọng số 1 của thương hiệu du lịch phải là tài nguyên và hình ảnh điểm đến.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng giờ đây chúng ta cần thay đổi quan niệm này. Chúng ta không nên cứ nhấn mạnh tài nguyên và hình ảnh điểm đến là số 1 nữa mà thay vào đó, câu chuyện về sự cam kết của Chính phủ và thái độ hiếu khách của người dân trên thực tế, tức là hành vi thực tế được cam kết bởi Chính phủ và người dân sở tại là yếu tố quan trọng nhất.

“Yếu tố trải nghiệm thực tế của du khách cùng với tài nguyên và hình ảnh điểm đến mới tạo nên thương hiệu du lịch bền vững trong thời đại mới", TS. Trịnh Lê Anh nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, các doanh nghiệp du lịch cho rằng để xây dựng thương hiệu du lịch, cần kể những câu chuyện chân thực và cuốn hút về các sản phẩm, đồng thời phát triển chiến lược quảng bá chung giữa ngành du lịch và hàng không. Cần đẩy mạnh marketing số, sử dụng KOLs (những người có sự ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội) và hợp tác với các tổ chức truyền thông quốc tế để tăng độ nhận diện thương hiệu.

TS. Bùi Thanh Thủy, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nhấn mạnh đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng để phát triển ngành du lịch. Trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay, cần cải thiện cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật để kích cầu ngành du lịch thông qua phát triển giao thông vận tải, nhất là đường bộ và hàng không.

Mặt khác, Việt Nam có nhiều tiềm năng để khai thác du lịch, nhưng theo bà Thủy, cần tạo ra hệ thống các sản phẩm mang tính đặc trưng và quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia một cách hiệu quả.

DOANH NGHIỆP DU LỊCH RẤT THIẾU THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG, ĐỐI TÁC

Nhấn mạnh tới vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong quảng bá du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng doanh nghiệp du lịch chủ yếu là vừa và nhỏ. Nên các cơ quan đại diện nước ngoài có vai trò cực kỳ quan trọng trong hỗ trợ du lịch Việt Nam tiếp cận với thị trường quốc tế.

Khác với xuất khẩu hàng hóa, du lịch là xuất khẩu dịch vụ, xuất khẩu tại chỗ, mang thị trường tới nơi sản xuất. Song để mang thị trường đến nơi sản xuất hiệu quả (tới điểm đến Việt Nam), ngành du lịch rất cần các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tiếp cận, thâm nhập thị trường, làm sao mang được thị trường tới Việt Nam nói chung và các địa phương Việt Nam nói riêng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, trong thời gian qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ khá hiệu quả cho các doanh nghiệp du lịch nước ngoài tiếp cận, thâm nhập vào Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy năm 2024, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt; tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023… Đóng góp tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam có vai trò rất lớn của các cơ quan thương vụ, đại sứ Việt Nam ở nước ngoài.

Để ngành du lịch Việt Nam tiếp tục thu hút du khách quốc tế nhiều hơn nữa, trong thời gian tới Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng các doanh nghiệp du lịch rất cần tiếp cận thông tin từ các thị trường, thông tin đối tác.

“Đây là vấn đề cốt yếu, 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở 94 quốc gia là số lượng lớn, làm sao thu hút được khách du lịch từ 94 quốc gia, kết nối được với các đối tác để nắm bắt được xu hướng, thị hiếu của khách du lịch tại thị trường đó là vấn đề đặt ra”, ông Tuấn đặt vấn đề.

Doanh nghiệp du lịch Việt Nam rất cần các sự kiện liên quan tới hội chợ, hội nghị, hội thảo chuyên đề tại các thị trường quốc tế nhất là các thị trường lớn mà các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được và tiếp cận rất khó như Hoa Kỳ… Để doanh nghiệp biết và tham gia các hội thảo chuyên đề liên quan tới du lịch ở nước ngoài rất khó khăn do không có thông tin.

Do đó, cần thiết có đầu mối của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giúp doanh nghiệp có thông tin và kết nối ngay được. Đồng thời kết hợp, phối hợp tăng cường tổ chức các hội thảo chuyên đề thường xuyên tại thị trường nước ngoài giúp doanh nghiệp giao thương với đối tác hiệu quả.

Vấn đề visa hiện nay cũng có nhiều vướng mắc ở thị trường nước ngoài, vì vậy, ông Tuấn cho rằng cơ quan đại diện Việt Nam cần hỗ trợ giải quyết kịp thời. Đồng thời cần nghiên cứu mở rộng miễn visa đơn phương, hỗ trợ thực thi điện tử nhanh chóng cho doanh nghiệp. Phối hợp trong tổ chức các đoàn nhà báo, đối tác nước ngoài vào khảo sát điểm đến Việt Nam.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/mang-thi-truong-den-voi-du-lich-viet-nam.htm