Mang tình lên xứ hoa ban

Hơn 15 năm trước, tôi may mắn được Ban biên tập Báo Công an TPHCM (CATP) giao thực hiện một chương trình từ thiện - xã hội ở tỉnh Điện Biên. Đó cũng là cơ hội giúp tôi được đặt chân đến Điện Biên Phủ - địa danh gây tò mò cho tôi từ khi mới 10 tuổi. Đó là hành trình như một giấc mơ với ngập tràn cảm xúc!

Bí ẩn "Điện Biên Phủ” và "Việt Minh"

tôi biết ba từ "Điện Biên Phủ” lần đầu vào năm 1974, khi học lớp 4. Nhà tôi ở Đà Lạt, ba tôi đi làm về thường thuê sách đọc trước khi ngủ. Tôi và anh, chị trong nhà vẫn đọc ké những cuốn sách đó của ba. Đa số là những bộ tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, Tam Quốc Chí, Hán Sở tranh hùng, Thủy Hử, Tây Du Ký... Riêng "Điện Biên Phủ” - tôi đọc trong cuốn sách nào đó của ba thì giờ không nhớ, nhưng 50 năm rồi vẫn ám ảnh tôi vì cái tên "Điện Biên Phủ” cùng với lực lượng "Việt Minh" là điều bí ẩn, gợi nhiều tò mò mà trong sách nói rằng đã dùng chiến thuật du kích đánh thắng đội quân hùng mạnh của nước Pháp (có sự hỗ trợ của Mỹ), bắt hơn một vạn từ quân đến tướng Pháp làm tù binh!

Gần một năm sau thì Đà Lạt được giải phóng. Học sinh chúng tôi bắt đầu tập hát những bài như: Giải phóng Miền Nam, Tiến về Sài Gòn, Kim Đồng, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng... Rồi những đứa trẻ sinh ra ở Miền Nam như chúng tôi qua nhiều cấp học cũng hiểu "Việt Minh" bí ẩn hay "Việt cộng", "Cộng sản"... mà báo, đài ở Miền Nam nhắc đến hàng ngày, cùng do Bác Hồ, tức lãnh tụ Hồ Chí Minh lập nên. Chúng tôi cũng được xem phim, đọc sách về "trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", được học những tấm gương anh hùng từ Chiến dịch Điện Biên Phủ, như: Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Trần Can, Tạ Quốc Luật... gắn liền các địa danh đi vào lịch sử như: Đồi A1, Mường Thanh, Him Lam, Mường Phăng (nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt sở chỉ huy), Bản Kéo, Hồng Cúm, Lũng Lô... Nhiều năm sau đó, tôi vẫn say mê tìm đọc các tài liệu, tác phẩm văn học về Chiến dịch Điện Biên Phủ và ước ao có một ngày được đến thăm nơi diễn ra trận đánh kết thúc tham vọng của thực dân Pháp muốn tái đô hộ Đông Dương.

Bà con các dân tộc đến Trạm quân dân y bản Vàng Đán

Khoảng năm 2007, hai nhà hảo tâm từng đồng hành với rất nhiều chương trình từ thiện - xã hội của Báo CATP là vợ chồng anh Khanh - chị Hương (gia đình Ngọc Sương) và anh Hưng - chị Thu (gia đình Phúc An, cùng ngụ tại Quận 1, TPHCM), nghe tin Báo CATP mở cuộc vận động giúp đỡ đồng bào nghèo ở tỉnh Điện Biên nên ủng hộ 400 triệu đồng (tương đương 30 lượng vàng thời điểm tháng 6/2007) để xây một trường mẫu giáo ở vùng biên giới còn nhiều khó khăn thuộc huyện Điện Biên Đông.

Đường vào "giấc mơ tuổi thơ”

tôi đã liên hệ với anh Hoàng Văn Thành - Tổng biên tập Báo Điện Biên Phủ khi ấy, để nhờ anh hỗ trợ. Anh Thành cùng một số cán bộ, phóng viên Báo Điện Biên Phủ đón tôi trong cái bắt tay chân tình. Tôi đã kinh ngạc trước một Tổng biên tập báo Đảng vùng Tây Bắc có diện mạo y hệt người Châu Âu với dáng cao, mắt sâu, râu rậm, da trắng, mũi thẳng và nghĩ thầm: "Không khéo ông này là con cháu của lính lê dương Pháp giác ngộ theo Việt Minh ở Điện Biên Phủ năm xưa!". Nghĩ vậy thôi chứ không dám hỏi. Sau này thân nhau, tôi mới biết anh trăm phần trăm là người gốc Hải Phòng, nhưng sinh ra và lớn lên ở tỉnh Lai Châu cũ (gồm cả Điện Biên hiện nay) và là người rất hiếu thảo với cha mẹ, dòng họ, quê hương mình.

Ngày ngôi trường khánh thành, Ban Biên tập lại phân công tôi đưa hai gia đình tài trợ là anh Hưng - chị Thu và anh Khanh - chị Hương ra Điện Biên. Chúng tôi bay nối chuyến Sài Gòn - Hà Nội, Hà Nội - Điện Biên, sau đó được anh Thành đón bằng ôtô rồi đi suốt nhiều giờ theo đường rừng núi hiểm trở mới đến được địa điểm xây trường. Đây là vùng giáp biên giới, gần một đơn vị biên phòng đóng quân. Ngôi trường xinh xắn giữa rừng núi hoang vu và niềm vui của đại diện chính quyền địa phương, bà con và những học sinh người dân tộc HMông, Dao, Thái... đã làm các nhà tài trợ xúc động. Họ đã cảm ơn anh Thành cùng các cơ quan, đơn vị đã chung tay góp sức giúp số tiền tài trợ thành công trình nhiều ý nghĩa.

Hoa ban nở trắng núi rừng Điện Biên

Trên đường trở về thành phố Điện Biên Phủ, dù trời sắp tối, anh Thành vẫn tranh thủ dẫn cả đoàn đến thăm những căn chòi lụp xụp được cất bằng tre và cây rừng, mái lợp cỏ tranh nằm ven con đường đất. Những căn chòi đó là "phòng trọ” của học sinh nghèo từ các bản vùng sâu ra tá túc. Nhìn những đứa trẻ ốm yếu, xanh xao, mặt mũi lấm lem, quần áo xộc xệch, sống với những túi ngô xay và chống lại cái rét vùng cao bằng những tấm chăn bông xơ xác, rách từng mảng, nhiều người trong đoàn không kìm được nước mắt. Trên xe có thứ gì, họ lôi xuống tặng hết cho những đứa trẻ tội nghiệp. Anh Thành đề xuất: "Nếu có ít tiền, tôi sẽ nhờ bộ đội biên phòng xin chính quyền cho xẻ gỗ, cất cho các cháu một dãy nhà gỗ lợp tole, nền xi măng". Những nhà tài trợ đã đồng ý và tặng thêm 400 triệu đồng nữa để cất dãy nhà nội trú cho học sinh, đồng thời xây một trạm quân dân y tại bản Vàng Đán, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, phục vụ việc khám, chữa bệnh cho bà con nghèo vùng biên giới.

Giữa hoàng hôn yên bình của núi rừng, anh Thành nhảy cẫng reo vui trước món quà từ thiện bất ngờ đó, làm các vị khách Sài Gòn càng thêm quý mến anh. Sau này, vợ chồng anh Hưng - chị Thu, anh Khanh - chị Hương còn tài trợ (qua Báo CATP) hàng trăm triệu đồng để nhờ anh Thành mua 50 con bò tặng bà con nghèo Điện Biên, mỗi gia đình một con làm vốn liếng, tặng bộ đội biên phòng 4 con để tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ... Đêm đó, đoàn từ thiện của Báo CATP ngủ lại đồn biên phòng. Giữa núi rừng cô tịch, giá buốt, nhưng ấm áp tình quân dân. Những nhà hảo tâm ở tận TPHCM đã vượt ngàn dặm để lên miền biên viễn xa xôi, chia sẻ với bà con nghèo những món quà ý nghĩa. Họ rất xúc động với cuộc sống, chiến đấu, bảo vệ biên cương của cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng.

Năm 2012, Hoàng Văn Thành đang là Tổng biên tập báo Điện Biên Phủ được cấp trên điều về làm Tổng biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường. Anh về Hà Nội công tác, nhưng vẫn tiếp tục vận động cho các chương trình từ thiện giúp đỡ bà con nghèo tỉnh Điện Biên. Tấm lòng và tinh thần trách nhiệm với dân nghèo của anh một lần nữa lay động nhiều người. Vì vậy, gia đình Phúc An (anh Hưng - chị Thu), gia đình Ngọc Sương (anh Khanh - chị Hương) tiếp tục ủng hộ xây thêm một trường học và 10 căn nhà tình thương cho Điện Biên...

Trường mầm non Báo CATP xây dựng ở vùng biên giới huyện Điện Biên Đông năm 2007

Sau những lần lên Điện Biên được anh Hoàng Văn Thành và các anh chị ở Báo Điện Biên Phủ tận tình giúp đỡ trong công tác từ thiện, chăm lo việc đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi và giới thiệu cảnh quan, văn hóa, lịch sử của địa danh từng gây "chấn động địa cầu"; tôi cùng các nhà tài trợ rất ấn tượng, xúc động. Anh luôn dành những gì tốt nhất cho đoàn từ thiện từ Sài Gòn ra. Anh trở thành cầu nối rất nhân văn, thuyết phục để những nhà hảo tâm ở xa ngàn dặm cùng thương yêu, chia sẻ đến những phận đời khổ sở, lam lũ vùng rừng núi Tây Bắc. Anh đã làm đẹp thêm hình ảnh những người làm báo hết mình vì cộng đồng. Trưa 11/12/2018, nhà báo Hoàng Văn Thành - Tổng biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường đã ra đi sau hơn 3 năm kiên trì, bản lĩnh chống chọi với căn bệnh ung thư, để lại tiếc thương cho bạn bè, đồng nghiệp và biết bao mảnh đời anh từng cưu mang, giúp đỡ!

Trạm quân dân y ở bản Vàng Đán, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ do Báo CATP vận động các nhà tài trợ đóng góp xây dựng

Hồn thiêng trong sắc hoa ban!

nhớ lại những chuyến công tác từ thiện đến vùng đất Điện Biên Phủ anh hùng, chúng tôi nhớ đến nhà thơ Tố Hữu với những câu thơ đọng vào trong tim bao thế hệ học trò: "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng, chí không mòn!"... nhớ hoa ban nở trắng những cung đường ôm núi, vượt suối, lộng lẫy, kiêu sa không thua kém hoa anh đào nổi tiếng trên các triền đồi Nhật Bản mà chúng tôi có dịp thưởng ngoạn. Nhớ đường đèo chênh vênh vừa đúng chiếc ôtô lăn bánh, ngồi trên xe không dám nhìn vực sâu hun hút bên dưới; nhớ từng ánh mắt, nụ cười của bà con người HMông, Thái, Dao... khi được nhận những con bò mà Báo CATP cùng các nhà hảo tâm trao tặng.

Nhớ các trẻ em nghèo côi cút dưới mái lá dột nát, hẩm hiu giữa rừng chiều biên giới làm cả đoàn ai cũng ngân ngấn nước mắt. Nhớ những trạm y tế, những ngôi làng mới tinh nổi lên sáng ngời, đẹp đẽ giữa núi rừng hùng vĩ và niềm vui của những học trò đang bập bẹ học tiếng Việt. Nhớ những dấu tích lẫm liệt, oai hùng trên hầm Đờ-cát (Christina de Castries - tướng chỉ huy quân Pháp bị bắt sống tại Điện Biên Phủ). Nhớ Đồi A1, khu Mường Phăng (sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), nhớ đoàn xe đạp thồ huyền thoại của lực lượng dân công hỏa tuyến. Nhớ cảm xúc dâng trào khi chúng tôi đến dâng hương ở Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ... Mồ hôi, nước mắt, xương máu của hàng trăm nghìn người Việt yêu nước đã viết lên bản anh hùng ca "Điện Biên Phủ” 70 năm trước, là tiền đề để có một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, phát triển tươi sáng hôm nay!

Mỗi dịp được đến Điện Biên sau Tết âm lịch, nhìn hoa ban nở trắng hồng giữa những bản làng bình yên, treo cờ đỏ sao vàng, tôi luôn tin rằng màu hoa tươi đẹp đó mang linh hồn ngàn, vạn Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống giữa núi rừng Tây Bắc. Đó là điều làm bao người miền xuôi lẫn miền núi yêu thương, tự hào với sắc hoa vừa bình dị vừa cao sang này!

Ký của LẠI VĂN LONG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhip-song/mang-tinh-len-xu-hoa-ban_162000.html