Mảng tối tăng vốn ảo
Cấp tập tăng vốn, 'làm xiếc' với báo cáo tài chính đưa cổ phiếu lên sàn, giao dịch chéo tạo thanh khoản đẩy giá cổ phiếu lên mức cao nhưng một thời gian sau đó là sập sàn để lại cho nhà đầu tư mớ giấy lộn không có giá trị là tình trạng của nhiều doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.
Thời gian gần đây, dư luận đang dồn sự quan tâm đến vụ lừa đảo diễn ra trên diện rộng tại CTCP Địa ốc Alibaba với tổng số tiền của các bị hại lên tới 2.500 tỷ đồng. Bên cạnh những hình thức lừa đảo tinh vi đến từ con người của công ty, một yếu tố khác cũng gây dựng được lòng tin và uy tín đối với khách hàng chính là đà tăng vốn “khủng” của “doanh nghiệp ma” này.
Theo đó, Alibaba tăng vốn điều lệ rất nhanh từ mức 20 tỷ đồng khi thành lập năm 2016 lên 1.600 tỷ đồng vào năm 2017 và 5.600 tỷ đồng vào năm 2019. Sau khi vụ việc vỡ lở, một câu hỏi được đặt ra: Phải chẳng mô hình CTCP lại dễ dàng tăng vốn đến vậy? Nếu Alibaba đưa cổ phiếu lên sàn thì các nhà đầu tư (NĐT) sẽ ra sao?
Nhiều chiêu trò
Thực tế, đối với các công ty đại chúng, quá trình tăng vốn sẽ khó khăn hơn khi phải được sự đồng ý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đồng nghĩa với việc sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn và khó có cơ hội “phù phép” vốn.
Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK), không ít NĐT đã nếm trải đau thương bởi những mã cổ phiếu tăng vốn bất thường trước và sau khi lên sàn.
Thông thường, để thực hiện một thương vụ tăng vốn ảo, doanh nghiệp (DN) sẽ sử dụng các cách chủ yếu: làm giả giấy tờ góp vốn qua ngân hàng bằng cách đi “thuê tiền” và nhờ người thân đứng tên trong danh sách cổ đông.
Cách này được CTCP Mo và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (MTM) thực hiện, đồng thời làm giả giấy tờ giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa các công ty liên quan, sau đó đăng ký giao dịch cổ phiếu trên TTCK.
Một cách khác là thông qua các công ty liên quan tới ban lãnh đạo để mua cổ phần phát hành thêm bằng chính nguồn tiền đi vay của chính công ty phát hành thêm như trường hợp của CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (mã: KSA) vừa có kết luận điều tra của cơ quan công an và 4 bị can đã bị đề nghị truy tố.
Sau khi phát hành thành công, một lượng tiền mặt đúng bằng số tiền phát hành sau khi trừ đi các chi phí phát sinh sẽ được thể hiện trên báo cáo tài chính quý gần nhất tại 2 mục: tiền hoặc tương đương tiền và đầu tư ngắn hạn (tiền gửi).
Để xóa dấu vết tăng vốn ảo, DN đó sẽ phải tìm cách làm biến mất số tiền từ tăng vốn ảo khỏi 2 mục trên bằng nhiều cách khác nhau, như: thanh toán tiền cho công ty A, công ty B, hay ký kết hợp đồng góp vốn…
Ngoài ra, còn có một kiểu tăng vốn ảo kinh điển hơn nữa là niêm yết cửa sau bằng cách hoán đổi cổ phiếu, mà mới chỉ có một vài DN thực hiện thành công, như CTCP Đầu tư Alphanam, CTCP Luyện thép Sông Đà…
Thực tế, mục đích của động thái tăng vốn ảo đều là để làm giá cổ phiếu trên TTCK nhằm thu hút các NĐT thiếu kinh nghiệm hoặc không kiềm chế được lòng tham nhập cuộc.
Sau khi đã huy động được một lượng tiền không nhỏ từ các NĐT mê “lướt sóng”, giá cổ phiếu của các DN đó bắt đầu lao dốc bằng chuỗi giảm sàn kéo dài cả tháng.
Sở dĩ xảy ra diễn biến lao dốc của giá cổ phiếu bởi thực tế trong các đợt phát hành tăng vốn, các đối tác lớn của DN không bỏ ra đồng nào nên họ bán ra với bất cứ giá nào, cuối cùng NĐT trên TTCK là đối tượng thiệt hại nhiều nhất.
Nghi vấn tăng vốn ảo nhiều nhưng làm rõ được ít
Mảng tối khó xóa bỏ
Bên cạnh những cái tên khá nổi bật thời gian qua là MTM, FTM (Fortex), KSA hay CDO, chắc hẳn nhiều NĐT vẫn còn nhớ mã cổ phiếu NHP của CTCP Sản xuất xuất nhập khẩu NHP.
Hiện, cổ phiếu này đang giao dịch trong vùng giá 500 – 700 đồng/cp, trong khi trước đó chào sàn với giá 15.600 đồng/ cp rồi tăng một mạch chinh phục mức đỉnh 22.000 đồng/cp.
Đáng chú ý, trước thời điểm niêm yết 6 tháng, Sản xuất xuất nhập khẩu NHP đã tăng vốn điều lệ 3 lần từ 25 tỷ đồng lên 275 tỷ đồng thông qua bán ưu đãi thưởng cổ phiếu, trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Tương tự, cổ phiếu KSH của CTCP Khoáng sản Hà Nam cũng có quá trình tăng vốn khủng từ 5 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng trong vòng một năm trước thời điểm lên sàn. Đến nay, giá cổ phiếu KSH đang treo ở 800 đồng/cp và hầu như không có giao dịch.
Trên thị trường cũng đã từng có rất nhiều đợt phát hành, hoán đổi cổ phiếu bị các NĐT nghi ngờ nhưng vẫn cần phải chờ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc mới có thể làm rõ.
Để khắc phục tình trạng trên, Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 của Chính phủ có mục đích kiểm soát chặt hoạt động phát hành riêng lẻ nhằm đảm bảo sự minh bạch cũng như bảo vệ lợi ích của NĐT cá nhân.
Tại Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), các cơ quan chức năng cũng đã nâng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi gian dối trên TTCK, các quy định về quản trị với công ty đại chúng cũng được nâng cao nhằm đảm bảo sự công bằng đối với các cổ đông, ngăn cấm giao dịch nội gián.
Tuy nhiên, quy định nào cũng vẫn sẽ tồn tại những kẽ hở, việc có lợi dụng các kẽ hở để thực hiện hành vi hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức của các chủ thể có liên quan gồm DN, công ty tư vấn, công ty kiểm toán…
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/mang-toi-tang-von-ao-313180.html