Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 8: Trái tim của huyện đảo Trường Sa
Rất nhiều người Việt Nam yêu và thuộc bài hát 'Gần lắm Trường Sa' của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long. Bài hát có những câu khi hát lên thật bồi hồi, xúc động 'Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…'. Là người Việt Nam, ai cũng có ao ước được một lần đặt chân lên đảo Trường Sa, chúng tôi thật may mắn cùng Đoàn công tác số 5 đặt chân lên đảo.
“Thủ đô của huyện đảo Trường Sa”
Trường Sa là hòn đảo được mệnh danh là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa”, giống như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa Biển Đông. Trường Sa là đảo lớn nhất của Quần đảo Trường Sa, nằm cách Cam Ranh khoảng 254 hải lý. Đảo nằm gần đường xích đạo nên khá nóng, ngay khi chúng tôi vừa tiếp đất, đã cảm nhận cái nóng xích đạo qua làn da. Chợt nhớ khi trò chuyện với lính Hải quân ở đảo, chiến sĩ Lê Duy Cát nói: “Cái chung nhất của chúng em ở đây là màu da. Ai cũng có nước da sạm đen. Nắng gió chỉ là một phần thôi, cái chính là do chúng em tập luyện ở ngoài trời rất nhiều”.
Tuy thời tiết nóng, nhưng Trường Sa lại có rất nhiều cây xanh cổ thụ, khiến cho khách đến thăm dễ tìm cho mình những bóng cây để đón gió. Ngay từ cầu cảng vào đảo, đã có hai hàng cây bàng vuông cao ngất che phủ cả đường đi. Các loài phong ba, mù u, cây tra, xương rồng, phi lao… mọc khắp nơi, tạo cảm giác đảo Trường Sa như là một khu vườn xanh giữa biển khơi. Có một khẩu hiệu rất lớn, ghi rõ “Quân dân đảo Trường Sa quyết tâm thực hiện tốt chương trình xanh hóa Trường Sa”, chắc chắn trong tương lai, Trường Sa sẽ ngày một xanh hơn…
Đảo Trường Sa bây giờ là thị trấn, là trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Trên đảo có các công trình như Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tượng đài liệt sĩ, nhà đèn, trung tâm y tế, chùa Trường Sa, trạm khí tượng thủy văn. Tháng 3/2004, sân bay Trường Sa được nâng cấp với một đường băng dài, rộng…Trong tương lai, Trường Sa sẽ trở thành địa chỉ cung ứng dịch vụ nghề cá, cảng biển.
Nhiều năm qua, đảo như một điểm tựa thuận tiện cho ngư dân tránh gió. Ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và một số địa phương ven biển Nam Bộ khi xa bờ, ra khơi đánh bắt; mỗi khi bất ngờ có bão giông, đau ốm phần nhiều đã đến Trường Sa tạm lánh, cấp cứu, điều trị, tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm và rau xanh.
Những cánh thư từ đất liền
Một trong những món quà mà Đoàn công tác mang ra Trường Sa, là những cánh thư từ đất liền. Chúng tôi tình cờ bắt gặp các chiến sĩ mở thư của các em học sinh ra đọc bên bàn nước, dưới bóng cây mát rượi. Các chiến sĩ khoe với chúng tôi một bức thư viết chữ khá đẹp, viết còn lỗi chính tả, ngây ngô nhưng sự chân thành thì rất đỗi vô cùng: “Cháu tên là Đạt, học sinh lớp 5, cháu cũng đã nghe đến Quần đảo Trường Sa nhưng chưa bao giờ cháu được đặt chân tới đó, nơi mà các chú canh chỗ đó ngày đêm… Chúng cháu biết các chú ở đó canh chừng ngày đêm, và rất nhiều khó khăn, các chú đã bảo vệ đất nước hòa bình.Yêu các chú bộ đội nhiều”.
Ông Nguyễn Nam Tiến, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh thay mặt Đoàn Thừa Thiên Huế tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Món quà từ khúc ruột miền Trung mang đến Trường Sa cũng là tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân xứ Huế.
Trong các trang sổ ghi cảm tưởng của các đoàn ghé thăm đảo, chúng tôi thấy có những dòng của đại diện đoàn kiều bào: “Trường Sa ngày 21 tháng 4 năm 2023. Đoàn công tác số 4, đại diện người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan, đơn vị rất vui mừng đến thăm, động viên quân, dân đảo Trường Sa, nhân kỷ niệm 48 năm giải phóng Trường Sa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Xin gửi tới các đồng chí những tình cảm thân thương nhất của Nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài…”
Phát biểu tại buổi làm việc với quân dân Trường Sa, Chuẩn đô đốc – Phó Tham mưu trưởng Phạm Văn Hùng yêu cầu, lực lượng cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Trường Sa phải thường xuyên tổ chức huấn luyện cho bộ đội chính quy, hiện đại, dám chiến đấu, dám hy sinh. Đảo Trường Sa phải là pháo đài vững chắc bảo vệ Tổ quốc. Để mất đảo, mất biển là chúng ta có tội với các Vua Hùng, với tổ tiên và các thế hệ con cháu mai sau. Bên cạnh đó, đảo cũng phải phát triển kinh tế, phải xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế trên biển của cả nước…
Tiếng hát đêm biển khơi
Các nghệ sĩ Mai Trung, Kiều Oanh, Lan Anh của Nhà hát Cung đình Huế trong chuyến đi này có những ngày “cháy” hết mình cùng người lính và người dân trên biển. Mai Trung – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa lặng lẽ nhưng đã góp phần nhiều cho các tiết mục văn nghệ thành công. Cuối chiều, anh vác chiếc loa nặng mà Đoàn mang theo, gặp sự cố khiến lưng anh bị đau, nhưng vẫn cố gắng tham gia dàn xếp các tiết mục cho chương trình.
Khi màn đêm vừa buông xuống trên đảo, chương trình giao lưu văn nghệ “Hành khúc chiến sĩ Trường Sa” được bắt đầu. Phông sân khấu là cột mốc tọa độ của đảo. Các thành viên của đoàn cùng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo quây quần với nhau. Khán giả vỗ tay nhiệt liệt khi chứng kiến các màn múa hát sôi động của Đội Văn nghệ xung kích đảo Trường Sa.
Các chiến sĩ hát hay và có những tiết mục múa dân vũ đặc sắc, khỏe khoắn khiến nhiều người vui mừng, bởi thế hệ trẻ bây giờ thật sung sức và tài hoa. Những ca khúc hát về biển đảo, về người chiến sĩ Hải quân Việt Nam, về tình yêu, tuổi trẻ và cả câu Lý Mười Thương do NSUT Kiều Oanh thể hiện… được cất lên giữa biển trời lộng gió. Cứ thế, đêm văn nghệ giữa trùng dương xung quanh là biển mặn có điều gì đó rất đặc biệt, bởi đã diễn ra cách đất liền hàng trăm hải lý, khán giả là người ở đảo nhưng cũng có hàng trăm người đến từ đất liền. Tiếng hát hòa trong tiếng sóng, như là lời của tình yêu Tổ quốc.
Đêm văn nghệ kết thúc khi trời đã về khuya. Chủ và khách bịn rịn. Sóng và gió ngày mỗi lớn, dội vào bờ rì rầm âm vọng của nỗi niềm khó tả: Chỉ chốc nữa thôi trong đêm nay, chúng tôi chia tay đảo Trường Sa.
(Còn nữa)