'Mang việc làm trở lại nước Mỹ' - lời hứa bất thành của ông Trump

Khi tranh cử tổng thống năm 2016, ông Donald Trump khẳng định sẽ tạo hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động Mỹ. Nhưng ông không hoàn thành lời hứa này.

Theo South China Morning Post, hồi tháng 5, nhà sản xuất thép United States Steel công bố đợt sa thải thứ tư với 2.700 nhân viên phải nghỉ việc ngay lập tức và 6.500 người có khả năng sớm "lên đường".

Nhà sản xuất thép có trụ sở tại thành phố Pittsburgh (Pennsylvania) gửi thông báo cho hàng nghìn công nhân tại trụ sở chính và các bang như Michigan. Đây là những nơi mà cử tri đã giúp ông Trump bước vào Nhà Trắng hồi năm 2016. Họ tin tưởng vào lời hứa "khôi phục ngành sản xuất" của ông Trump.

Nhưng ông Trump không thực hiện được cam kết quan trọng đó. Hàng trăm nghìn lao động trong những ngành như thép, máy móc và xe hơi đang đối mặt nguy cơ mất việc làm hoặc đã phải đi tìm công việc khác. Tình trạng thị trường lao động công nghiệp suy giảm ảnh hưởng nặng nề tới các bang như Michigan.

Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ, hơn 170.000 người làm việc trong lĩnh vực sản xuất mất việc làm trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump. Ngay cả trước đại dịch, mức lương trung bình theo giờ của những công nhân này cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010.

 Ông Trump từng cam kết tạo hàng triệu công ăn việc làm khi tranh cử hồi năm 2016. Ảnh: AP.

Ông Trump từng cam kết tạo hàng triệu công ăn việc làm khi tranh cử hồi năm 2016. Ảnh: AP.

Lời hứa suông

"Rất nhiều lời hứa của ông Trump chỉ là lời nói suông. Chúng chẳng mang lại ý nghĩa gì cho ngành sản xuất", South China Morning Post dẫn lời ông Scott Paul, Chủ tịch Alliance for American Manufacturing (AAM), một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi công nhân hãng United Steel và các nhà sản xuất khác của Mỹ.

"Điều ông Trump thiếu là một chiến lược lớn hơn và cách định hình lại khả năng cạnh tranh của Mỹ, cũng như cách đối phó với Trung Quốc", ông Paul nói thêm. Theo chủ tịch AMM, bốn năm ở Nhà Trắng cho thấy Tổng thống Trump không có khả năng biến chính sách thành việc làm cho người lao động Mỹ.

Ông chủ Nhà Trắng chỉ trích Trung Quốc cướp việc làm của người Mỹ. Ông hứa hẹn mang về hàng triệu công việc được trả lương cao. Tuy nhiên, thuế trừng phạt đánh vào hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc không giúp khôi phục ngành sản xuất Mỹ. Trên thực tế, người tiêu dùng Mỹ phải trả tiền thuế vì giá hàng hóa tăng cao.

"Thật sai lầm khi chấp nhận một thỏa thuận thương mại nửa vời. Thỏa thuận đó suy yếu chiến lược và mục tiêu dài hạn của chính Tổng thống Trump", ông Paul nhận định. Chủ tịch AAM cho rằng thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" giữa Mỹ và Trung Quốc không xóa bỏ được các hành vi phản cạnh tranh của chính quyền Trung Quốc, ví dụ như trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước.

Ông Trump cũng hứa hẹn chi 1.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, sử dụng sản phẩm của Mỹ để xây dựng cầu, đường và các dự án khác. Nhưng ông chỉ làm được rất ít. Và khi ngày bầu cử 3/11 đến gần, tình trạng suy thoái vẫn đang nghiêm trọng tại nhiều bang chiến trường.

 Tuy nhiên ông Trump chưa hoàn thành được lời hứa của mình. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên ông Trump chưa hoàn thành được lời hứa của mình. Ảnh: Reuters.

Có đủ bằng chứng cho thấy cử tri một số bang sản xuất mất niềm tin với ông Trump. Trong sáu tuần qua, công đoàn United Steel chiếu hình ảnh ứng cử viên Dân chủ Joe Biden và phó tướng Kamala Harris trên các tòa nhà ở Pennsylvania, Ohio, Wisconsin, Minnesota và Illinois. Tuần trước, họ chiếu hình đối thủ của ông Trump tại khách sạn Trump International Hotel & Tower ở Chicago.

"Ông Trump không tạo phép màu như đã hứa. Khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, cử tri sẽ trừng phạt tổng thống", giáo sư Michael Lewis-Beck tại Đại học Iowa bình luận. "Nền kinh tế hiện tại còn tồi tệ hơn nhiều so với cuộc Đại suy thoái năm 2008", giáo sư nói thêm.

Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden nhìn thấy cơ hội từ cú bước hụt của ông Trump. Ông đề xuất chính sách thuế "Made in America", phạt thuế các công ty sản xuất hàng hóa và dịch vụ ở nước ngoài rồi bán trở lại Mỹ. "Tôi không cho rằng sức sống của ngành sản xuất Mỹ đã là dĩ vãng", ông nói trong một cuộc kêu gọi ở bang Michigan.

Cơ hội của ông Biden

"Hôm nay, tôi sẽ công bố kế hoạch để tạo ra hàng triệu công việc có thu nhập tốt. Khi chúng ta tiêu tiền thuế của người Mỹ, chúng ta nên sử dụng nó để mua các sản phẩm Mỹ và hỗ trợ việc làm cho người Mỹ", cựu phó tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Theo trung bình các cuộc thăm dò của Real Clear Politics, ông Biden đang dẫn trước ông Trump ở 6 bang chiến trường, bao gồm Pennsylvania, Wisconsin, Michigan, Florida, Bắc Carolina và Arizona. Thống kê của Cục Điều tra Dân số năm 2018 cho thấy tại những bang này, số việc làm của các công nhân đã sụt giảm trong vài năm gần đây, nâng tỷ lệ nghèo đói lên hai chữ số.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng đòn thuế mà ông Trump đánh lên hàng Trung Quốc tác động đến công ty và người tiêu dùng Mỹ. Theo phân tích của American Action Forum, chính sách thuế làm tăng chi phí tiêu dùng lên khoảng 57 tỷ USD/năm. Tổng thống Trump và các cố vấn bác bỏ quan điểm này, nhấn mạnh rằng thuế trừng phạt giúp điều chỉnh sự mất cân bằng thương mại và bảo vệ ngành sản xuất của Mỹ.

Tuy nhiên các nhà kinh tế cho rằng đòn thuế của ông Trump không giúp tăng sản lượng của Mỹ. Năm 2019, sản lượng sản xuất trong nước tại Mỹ không đổi so với năm trước, ở mức 6.270 tỷ, mặc dù nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 17%, theo Công ty tư vấn Kearney.

"Chúng tôi rất muốn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc vì chi phí quá đắt đỏ", ông Weijian Shan, chủ tịch Công ty PAG, tiết lộ. "Chi phí lao động tăng và đồng NDT mạnh lên dẫn đến làn sóng di dời từ Trung Quốc sang Mexico và Việt Nam. Ngay cả các công ty Trung Quốc cũng chuyển sản xuất", ông nói.

 Cựu Phó tổng thống Joe Biden hiện dẫn trước ông Trump trên nhiều bang chiến trường trong các cuộc thăm dò. Ảnh: Reuters.

Cựu Phó tổng thống Joe Biden hiện dẫn trước ông Trump trên nhiều bang chiến trường trong các cuộc thăm dò. Ảnh: Reuters.

"Nhưng tôi nhận thấy điều này không có ý nghĩa đối với ngành sản xuất Mỹ. Các chính sách của chính phủ Mỹ nhằm điều chỉnh cán cân thương mại đã không có hiệu quả", ông nói thêm. Theo Cục Điều tra Dân số, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ đạt mức kỷ lục 83,9 tỷ USD trong tháng 8.

Bất chấp mọi bằng chứng chống lại, ông Trump vẫn khẳng định rằng mọi thứ đang được cải thiện. Tháng 9, chiến dịch của ông chạy một quảng cáo trên truyền hình, tuyên bố Mỹ đang trải qua "nền kinh tế tốt nhất trong lịch sử". "Thép đang trở lại nhanh chóng. US Steel đang tăng công suất. Những doanh nghiệp khác cũng vậy", tổng thống viết trên Twitter.

Nhưng các cuộc thăm dò cho thấy cử tri Mỹ vẫn chưa bị thuyết phục. "Nhiều lần, công nhân nhà máy cảm thấy rằng các chính trị gia quên họ ngay sau khi bầu cử diễn ra", ông Paul của AAM nói.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mang-viec-lam-tro-lai-nuoc-my-loi-hua-bat-thanh-cua-ong-trump-post1146401.html