Mang vũ khí nóng ra đe dọa người khác sẽ bị xử lý như thế nào?
Mang vũ khí nóng ra đe dọa người khác có thể sẽ bị xử phạt hình sự hoặc xử phạt hành chính tùy vào mức độ, tính chất, hành vi cụ thể. Vậy, đe dọa như thế nào sẽ bị xử lý và trường hợp nào bị xử lý hình sự, trường hợp nào là xử lý hành chính.
Mang vũ khí ra đe dọa người khác bị xử lý thế nào?
Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định trật tự công cộng như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;
b) Mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
b) Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương.
c) Quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ địa điểm cấm, khu vực cấm liên quan đến quốc phòng, an ninh.
d) Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
đ) Sàm sỡ, quấy rối tình dục.
e) Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng.
Như vậy, đối với hành vi mang theo vũ khí thô sơ trong người có khả năng sát thương thì có thể bị phạt tiền từ 03-05 triệu đồng.
Trường hợp mang theo vũ khí thô sơ trong người đe dọa người khác là hành vi gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ thì có thể bị phạt tiền từ 05-08 triệu đồng.
Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Tội gây rối trật tự công cộng bị xử lý như thế nào?
Tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt như sau:
- Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc đã bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Có tổ chức;
+ Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
+ Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
+ Xúi giục người khác gây rối;
+ Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì khung hình phạt cao nhất đối tội gây rối trật tự nơi công cộng là từ 02 năm đến 07 năm nếu người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
- Có tổ chức;
- Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
- Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
- Xúi giục người khác gây rối;
- Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
- Tái phạm nguy hiểm.
Mang vũ khí ra đe dọa người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015 thì người nào có hành vi đe dọa giết người sẽ bị xử lý như sau:
- Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
+ Đối với người dưới 16 tuổi;
+ Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.
Như vậy, hành vi dùng vũ khí bắt giữ người khác có thể được coi là hành vi đe dọa giết người. Nếu đáp ứng đủ yếu tố cấu thành tội nêu trên, người có hành vi dùng vũ khí đe dọa người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 133 như đã nêu.
Ngoài ra, người nào dùng vũ khí đe dọa để bắt giữ người khác có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với những tội danh:
- Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ.
- Tội đe dọa giết người.