Mạng xã hội không phải tòa án!

Dù các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự những trường hợp vu khống, xúc phạm người khác trên mạng xã hội nhưng tình trạng này vẫn không giảm

Liên quan vụ việc ông N.V.Đ (SN 1964, quê An Giang) treo cổ tự tử sau khi bị một fanpage đăng hình ảnh với lời bình ông là "kẻ biến thái", Công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai và các cơ quan chức năng đang vào cuộc làm rõ.

Những bình luận vô cảm

Theo gia đình ông Đ., sau khi hình ảnh ông bị đăng tải trên fanpage hơn 200.000 người theo dõi, người thân và bạn bè, người quen biết liên tục "hỏi thăm". Đến rạng sáng 24-8, ông Đ. được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ. Ngay sau đó, chủ fanpage nêu trên đã đăng một bài khác "nói lại cho rõ" về việc vì sao đưa thông tin, hình ảnh và biển số xe của nạn nhân lên mạng.

Mới đây, khi vụ việc người dân phát hiện 2 bộ xương khô trong rừng ở Gia Lai được báo chí đăng tải, hàng loạt fanpage đã lấy thông tin, hình ảnh để đăng lại. Hàng ngàn bình luận suy đoán nguyên nhân dẫn đến cái chết, trong đó không ít lời lẽ mang tính chất xúc phạm 2 người đã qua đời và gia đình nạn nhân. Khi công an vào cuộc, xác định được danh tính 2 nạn nhân và thân nhân họ, nhiều bình luận tiếp tục bàn luận về cuộc sống, gia đình người đã mất…

Cách đây không lâu, cộng đồng mạng cũng đã mở "phiên tòa" trên nhiều fanpage, diễn đàn để công kích mẹ ruột một nữ diễn viên qua đời vì ung thư. Dù không phải là người trong cuộc, không hiểu rõ nỗi đau của người mẹ mất con, các "thẩm phán online" vẫn không ngớt lời miệt thị, phán xét người thân của nữ diễn viên. Sau đám tang con gái, người mẹ này đã phải lên tiếng, van xin cộng đồng mạng bớt bàn tán để gia đình bà bình yên.

Trong khi đó, ngày 28-8, Công an huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt hành chính 1 trường hợp sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook vu khống, xuyên tạc, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của lực lượng công an. Chủ tài khoản này là N.V.P (SN 1987, trú tại huyện Sơn Động) đã bình luận bài viết: "Triệt phá tụ điểm mại dâm núp bóng quán karaoke" với nội dung: "Còn đầy, bắt mô hình thôi. Khéo công an đi hát còn nhiều hơn".

Cũng liên quan việc bình luận sai sự thật, Công an tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt ông H.H.H (SN 1994) do xúc phạm các chiến sĩ PCCC. Cụ thể, khi nhận được tin báo cháy tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, các chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC - Cứu nạn cứu hộ nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Trong lúc lực lượng chức năng làm nhiệm vụ thì ông H. đã quay video đăng lên TikTok "câu like" với nội dung "Cứu hỏa Đức Trọng đi cho có lệ. Vậy cũng lấy 100 củ"...

Công an làm việc với người có bình luận vu khống lực lượng phòng cháy chữa cháy ở Lâm ĐồngẢnh: Đình Thi

Công an làm việc với người có bình luận vu khống lực lượng phòng cháy chữa cháy ở Lâm ĐồngẢnh: Đình Thi

Cẩn thận với phát ngôn trên mạng

Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP HCM, nhìn nhận đã có những cái chết đau lòng chỉ vì không chịu nổi áp lực từ mạng xã hội. Vấn đề này gióng lên hồi chuông báo động về cách ứng xử trên thế giới ảo. Trong bối cảnh các trang mạng xã hội phát triển mạnh mẽ với nhiều ứng dụng có đến hàng triệu người dùng thì cũng là lúc hình ảnh của cá nhân bị xâm phạm, bị sử dụng bất hợp pháp càng nhiều.

"Đáng nói là người bị sử dụng hình ảnh cá nhân và cả người vi phạm đôi khi không nhận thức được việc đó. Luật quy định việc đăng tải hình ảnh, thông tin của người khác lên mạng xã hội phải được người đó đồng ý. Sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho họ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác" - luật sư Võ Đan Mạch phân tích.

Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ. "Người có hành vi tự ý chụp ảnh, quay và/hoặc sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác, nếu xâm phạm nhân phẩm, danh dự của người đó thì được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm ngoài việc bị xử lý hành chính còn có thể bị khởi tố hình sự với nhiều tội danh khác nhau" - luật sư Võ Đan Mạch cảnh báo.

Trao đổi với phóng viên, bà Huỳnh Thị Ngọc Hoa, Phó Viện trưởng VKSND TP HCM, nhận xét: "Mạng xã hội đang bùng nổ, nhiều cá nhân có quyền lập các trang mạng đăng tải nhiều nội dung, hình ảnh thu hút người theo dõi. Tuy nhiên, không ít thông tin, hình ảnh phiến diện, mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự người khác; các fanpage này còn thả nổi bình luận khiến hàng ngàn người không hiểu rõ sự việc đã để lại ý kiến mỉa mai, châm biếm, bôi nhọ người khác. Điều này dẫn đến rất nhiều hệ lụy".

Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Hoa, người dùng mạng xã hội cần phải hết sức cân nhắc, tiếp nhận thông tin một cách bình tĩnh, có chọn lọc; bình luận có trách nhiệm, nhân văn, tránh những từ ngữ xâm phạm, nhục mạ, vu khống người khác; đồng thời tuân thủ các quy tắc cộng đồng trên không gian mạng. "Hãy nhớ rằng mạng ảo nhưng cuộc sống và những con người phía sau đó là thật; hệ lụy từ hành vi vu khống, miệt thị, xúc phạm người khác rất khó lường" - bà Hoa nhìn nhận.

Mạng xã hội không phải tòa án để kết tội hay trừng phạt bất cứ ai.

Quan trọng là ý thức

Theo luật sư Võ Đan Mạch, dù pháp luật đã có chế tài nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của người tham gia mạng xã hội.

"Những cá nhân, tổ chức có sức ảnh hưởng rộng rãi trên mạng xã hội cần xác minh tính chính xác của thông tin khi đăng tải; phải ý thức được sự tác động của tin tức ấy đến cộng đồng người xem, đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức liên quan. Đặc biệt, những cá nhân có hình ảnh bị phát tán trên mạng xã hội cần bình tĩnh và nắm rõ các quyền của mình, thực hiện các biện pháp đề nghị xử lý phía có hành vi vi phạm, để không dẫn đến trường hợp nghĩ quẩn, tự sát vì bất lực khi thông tin cá nhân của mình bị phát tán rộng rãi một cách tiêu cực và trái pháp luật" - luật sư Võ Đan Mạch nhấn mạnh.

PHẠM DŨNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/mang-xa-hoi-khong-phai-toa-an-20220904193822265.htm