Mạng xã hội 'nóng' nghị trường
Quản lý mạng xã hội, ngăn chặn thông tin xấu độc, xây dựng Chính phủ điện tử, vụ Mobifone mua AVG… là những vấn đề được các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn trong ngày 17/11.
Chờ kết luận thanh tra vụ Mobifone mua AVG
Đề cập đến vụ việc Mobifone mua AVG, ĐB Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị cho biết, từ nhu cầu nào và dựa trên cơ sở nào mà Mobifone sử dụng vốn chủ sở hữu nhà nước để mua AVG. Hai là giá trị đích thực trong vụ giao dịch chuyển nhượng này là bao nhiêu? Thứ ba là từ khi mua AVG về Mobifone hoạt động của AVG ra sao, hiệu quả của nó có tương xứng với đồng vốn bỏ ra không?
Cho biết đây là vấn đề đang được thanh tra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói “khi nào có kết luận thanh tra thì mới có cơ sở trả lời”. Tuy nhiên, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), đây là vụ việc rất được quan tâm nên cần sớm có kết luận thanh tra để công khai cho dư luận biết.
Trước chất vấn này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, việc Mobifone mua AVG, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện dự án này từ 9/2016 đến nay. “Trong quá trình xây dựng kết luận thanh tra thì Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt để sớm đi đến kết luận cuối cùng, đảm bảo chính xác, đúng quy định của pháp luật và bảo toàn được giá trị doanh nghiệp, quyền lợi của người lao động, duy trì kinh doanh cũng như quyền lợi của một doanh nghiệp lớn”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng thông tin thêm: Trong thời gian thanh tra, Bộ TT&TT đã có văn bản kiến nghị sớm có kết luận thanh tra. Nhưng đến nay Bộ cũng chưa nhận được dự thảo kết luận thanh tra để tiếp thu, giải trình theo quy định. “Khi chưa có công bố kết luận thanh tra thì chúng tôi cũng chưa có thông tin để báo cáo vụ việc này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Kinh phí xây dựng Chính phủ điện tử chưa đáp ứng yêu cầu
Liên quan đến chất vấn của các đại biểu về những hạn chế trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, sở dĩ còn hạn chế vì ở một số nơi người đứng đầu chưa quan tâm chỉ đạo, quyết liệt. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân kinh phí đầu tư xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử tại nhiều bộ ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu nên việc ứng dụng công nghệ thông tin chậm, kéo dài hoặc triển khai không đồng bộ.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cùng với đó sẽ phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính để hoàn thiện cơ chế đầu tư tài chính. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga bày tỏ băn khoăn với nguyên nhân “thiếu kinh phí”. Bà Nga dẫn chứng, trong 3 năm trở lại đây, Chính phủ đã chi cho đầu tư công nghệ thông tin viễn thông gần 7.000 tỷ đồng. “Số tiền đầu tư đó có nhỏ không, có tương xứng kết quả đầu tư chưa”, bà Nga nêu câu hỏi.
ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) thẳng thắn cho rằng, Bộ TT&TT đã có quy định khi xây dựng các dữ liệu phải dựa trên dữ liệu hiện có và phải có kết nối liên thông nhưng thực tế, nhiều cơ sở dữ liệu các cơ quan đều xây dựng từ đầu, không trên nền tảng công nghệ, không sử dụng được của nhau, gây lãng phí tiền của, nhân lực. “Bộ đã nhận diện ra vấn đề này từ bao giờ, Bộ có tính toán được số tiền lãng phí này không? Bộ làm gì để khắc phục tình trạng trên?”, ông Thành nêu câu hỏi.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, kinh phí xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin và Chính phủ điện tử chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, giai đoạn 2011- 2015 tại quyết định của Thủ tướng phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin, kinh phí là 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn, ngân sách rất eo hẹp nên kinh phí bố trí cho mỗi năm chỉ là trên dưới 100 tỷ đồng. Sang giai đoạn 2016 – 2020, chương trình mục tiêu về công nghệ thông tin cũng có tổng vốn thực hiện là 7.920 tỷ đồng nhưng đến thời điểm hiện nay dự kiến cũng chỉ bố trí được 884 tỷ đồng. “Con số mà ĐB Nga nêu bao gồm cả kinh phí kết cấu hạ tầng khác như viễn thông”, Bộ trưởng Tuấn cho biết.
Facebook, Google thu cả trăm triệu đô nhưng không đóng thuế
Đối với nhóm chất vấn của các ĐB về thông tin giả, xuyên tạc, bịa đặt, chống phá chế độ, bôi nhọ lãnh đạo... trên mạng xã hội và giải pháp quản lý, Bộ trưởng Tuấn cho rằng, bên cạnh những tiện ích rất lớn thì những tác hại do mạng xã hội đem lại cũng không nhỏ. Từ năm 2014 đến nay ít nhất có 5- 6 trường hợp tự tử vì bị bôi nhọ trên mạng xã hội, tình trạng “ném đá” tập thể trên mạng xã hội. Tuy nhiên Bộ trưởng cho rằng không nên coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu mà ý thức người sử dụng mới là quan trọng. Bộ trưởng cũng thông tin, thời gian qua, Bộ TT&TT làm việc với các đại diện mạng xã hội ở nước ngoài. Từ đó, đã gỡ bỏ gần 5.000 clip trên youtube xấu độc, bôi nhọ…
Bộ trưởng cũng thông tin, hiện nay, Google có chính sách chia sẻ doanh thu cho người sử dụng, nhiều người xem thì càng được nhiều tiền. Các phần tử chống đối lợi dụng người cả tin, đăng tải các video chống phá nhà nước để kiếm tiền. Bộ Công an đã xử lý nhiều trường hợp. Việc ngăn chặn nguồn tiền bất hợp pháp là cần thiết. “Không có lý gì doanh thu trên lãnh thổ Việt Nam (năm 2016) hơn 100 triệu USD mà không đóng thuế. Bộ Công an, các địa phương cần vào cuộc điều tra, xử lý vấn đề này”, Bộ trưởng nói.
Một bộ phận ngại công khai, minh bạch:
“Chúng ta cần thẳng thắng nhìn nhận còn một số bộ phận ngại công khai minh bạch, nếu ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành coi như mình bị giám sát. Rồi bộ phận kỹ thuật cũng rất cục bộ. Đúng như nhiều đại biểu nói, dữ liệu mỗi nơi một tí, không ai chịu liên thông, chia sẻ, muốn tự mình làm hết.”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nói.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/mang-xa-hoi-nong-nghi-truong-1209125.tpo