Mạng xã hội trong nước bị siết chặt quản lý hơn, người dùng dễ từ bỏ để chuyển sang dùng mạng xã hội nước ngoài
Doanh nghiệp mạng xã hội (MXH) trong nước khó khăn trong việc xác định nội dung của người dùng đăng tải có vi phạm pháp luật hay không. MXH trong nước cũng bị siết chặt quản lý thông tin cá nhân và nội dung của người dùng hơn là các MXH nước ngoài. Điều này dẫn đến MXH trong nước dễ bị người dùng từ bỏ để chuyển sang dùng MXH nước ngoài.
Bộ TT&TT đang trong quá trình lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP (NĐ 72 và NĐ 27), mới đây Công ty cổ phần Line Việt Nam (đơn vị quản lý mạng xã hội Webtretho) đã gửi Bộ TT&TT đóng góp ý kiến vào xây dựng dự thảo sửa đổi hai Nghị định nói trên, trong đó Line Việt Nam cũng nêu ra một số khó khăn trong việc quản lý nội dung người dùng đăng tải, cũng như đề xuất chính sách khuyến khích phát triển mạng xã hội trong nước.
Về vấn đề tuân thủ về mặt nội dung, Line Việt Nam đề xuất: Khi NĐ 72 và NĐ 27 được sửa đổi, bổ sung thì sẽ làm rõ được quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội (MXH) và người dùng đăng tải có ảnh hưởng đến các bên thứ ba khác. Theo đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ MXH chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp doanh nghiệp không loại bỏ các thông tin vi phạm pháp luật trong một khoảng thời gian, nếu như có bằng chứng xác thực rõ ràng hoặc đã có thông báo, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Vd: Tòa án, Bộ TT&TT...) xác định nội dung đăng tải là vi phạm pháp luật. Thời gian để doanh nghiệp xử lý thông tin sai phạm nên kéo dài hơn thời gian theo quy định hiện tại (3 ngày thay vì 3 giờ) để doanh nghiệp có đủ thời gian xử lý.
Sở dĩ Line Việt Nam đưa ra đề xuất này là vì: Theo Điều 5 NĐ 72 nghiêm cấm các hành vi lợi dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng nhằm: Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Doanh nghiệp MXH vi phạm các quy định trên có thể bị đình chỉ hoạt động MXH đến 3 tháng và thu hồi Giấy phép hoạt động MXH nếu bị đình chỉ 2 lần.
Tuy nhiên, cần thừa nhận rằng các nội dung, thông tin đăng tải trên MXH là do người dùng đăng tải chứ không phải doanh nghiệp dịch vụ MXH. Dù vậy, trong quá trình hoạt động trong lĩnh vực MXH, các doanh nghiệp MXH luôn gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định cấm trên khi có người dùng đăng các thông tin về cá nhân, tổ chức khác nhưng doanh nghiệp MXH lại không thể xác định được các nội dung đăng tải này có vi phạm pháp luật hay không, đặc biệt là các nội dung mang tính dân sự.
Điển hình, người dùng thường tận dụng MXH để bình luận về cá nhân, tổ chức khác hoặc lên tiếng, phản ánh về hàng hóa, dịch vụ mà họ sử dụng. Tuy nhiên, doanh nghiệp MXH không có đủ thẩm quyền, cơ sở, bằng chứng và thông tin để đánh giá và quyết định nội dung nào là bịa đặt hay chỉ là phản ánh trung thực của người dùng. Do đó, doanh nghiệp MXH không thể loại bỏ nội dung của người đăng bài vì doanh nghiệp MXH sẽ bị người đăng bài khiếu nại vì không bảo đảm quyền tự do sử dụng dịch vụ MXH và chia sẻ các thông tin không vi phạm pháp luật của người dùng như doanh nghiệp MXH cam kết. Song song đó, doanh nghiệp MXH cũng e ngại rằng nếu các thông tin đăng tải này bị xem là bịa đặt, xuyên tạc thì doanh nghiệp MXH sẽ bị xem là vi phạm các quy định cấm tại Điều 5 NĐ 72.
Về chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước, Line Việt Nam đề xuất: Khuyến khích doanh nghiệp MXH trong nước phát triển và cân bằng nhu cầu của người dùng mạng xã hội Việt Nam đối với MXH trong nước, Line Việt Nam mong rằng các quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề MXH sẽ được điều chỉnh theo hướng áp dụng các ràng buộc pháp lý cho cả MXH trong nước và MXH xuyên biên giới. Nếu như việc áp dụng một số ràng buộc pháp lý chưa thể thực hiện được với các MXH xuyên biên giới, Line Việt Nam đề xuất quy định được điều chỉnh theo hướng tạm thời nới lỏng các ràng buộc pháp lý chưa thực sự cần thiết đối với MXH trong nước để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong nước và có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này cạnh trạnh với các MXH nước ngoài.
Lý do mà Line Việt Nam đưa ra đề xuất này, trong bối cảnh các MXH nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường mạng xã hội tại Việt Nam, Line Việt Nam cũng như các doanh nghiệp trong nước kinh doanh dịch vụ mạng xã hội khác đang gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng lại thị trường này. Một trong những khó khăn này là việc doanh nghiệp trong nước đang phải chịu nhiều ràng buộc pháp lý hơn các MXH nước ngoài.
Cụ thể: Khi người dùng các MXH nước ngoài để đăng tải các thông tin vi phạm pháp luật, đối tượng chịu trách nhiệm thường là chính người dùng đó vì các doanh nghiệp cung cấp MXH nước ngoài không chịu sự điều khiển của pháp luật Việt Nam trong việc quản trị nội dung. Do đó, các doanh nghiệp này có lợi thế hơn doanh nghiệp Việt Nam vì không phải quan ngại về vấn đề bị đình chỉ hoạt động hoặc tước giấy phép hoạt động
Các MXH nước ngoài không phải tuân thủ các quy định về xác thực thông tin người dùng bằng chứng minh nhân dân như các MXH trong nước. Việc đăng ký sử dụng dễ dàng và chính sách bảo mật an toàn khiến người dùng thường có xu hướng chọn sử dụng các MXH nước ngoài và từ bỏ MXH trong nước.