Mạng xã hội và cơn nghiện thị phi - Khi cảm xúc bị dẫn dắt bởi drama

Không còn đơn thuần là giải trí, những phiên livestream bóc phốt, các đoạn clip đấu tố trên mạng xã hội đang thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi mỗi đêm. Nhiều người trẻ 'mắc kẹt' trong những chuỗi drama (lùm xùm) liên miên mà không nhận ra sự lệch chuẩn trong cảm xúc và nhận thức đang âm thầm diễn ra. Khi mạng xã hội trở thành sân khấu thị phi, điều gì sẽ xảy ra với sức khỏe tinh thần và văn hóa tiêu dùng nội dung của cả một thế hệ?

1. Mạng xã hội từng là nơi chia sẻ thông tin, kết nối cảm xúc giờ đây đang dần trở thành một sân khấu hỗn loạn, nơi “ai lắm drama hơn thì thắng”. Ở đó, công chúng không còn là người xem thụ động, mà trở thành cổ động viên, giám khảo, thậm chí là… người kết án.

 Nhiều bạn trẻ thức xuyên đêm để xem các lisvestream hay những nội dung độc hại trên mạng xã hội - Ảnh: Thomas F.K

Nhiều bạn trẻ thức xuyên đêm để xem các lisvestream hay những nội dung độc hại trên mạng xã hội - Ảnh: Thomas F.K

Không ít bạn trẻ thức xuyên đêm không vì học bài, sáng tạo hay đam mê, mà để nuốt từng dòng trạng thái, từng ánh mắt đỏ hoe, rồi phán xét như thể mình là thẩm phán đạo đức. Một niềm khoái cảm méo mó nảy sinh từ việc thấy ai đó “bẽ mặt công khai”. Đó không còn là giải trí mà là nghiện thị phi.

Không phải ai đang sai, ai đang đúng. Cũng không chỉ là những cú chửi, những cuộc đấu tố trực tuyến. Mà là một nền văn hóa đang bị bẻ cong, nơi giới trẻ học cách phán xét trước khi hiểu, cười trên nỗi đau người khác như một thú tiêu khiển, và đánh mất khả năng cảm nhận sự thật như nó vốn có.

Một buổi livestream nửa đêm, hơn một triệu người xem cùng lúc. Người ta bật mí, soi từng ánh mắt, từng biểu cảm, tua lại từng câu chữ để mổ xẻ - như một trận bóng gay cấn không hồi còi. Chỉ khác, trận này chẳng có trọng tài. Và người chơi thì có thể bị đẩy vào đường cùng bằng ngôn từ.

Không còn là “giải trí”, mạng xã hội đang trở thành một đấu trường mà khán giả cũng chính là người hành hình. Những chiếc điện thoại sáng rực lúc 2 giờ sáng, không phải để đọc sách hay học kỹ năng mới, mà để hóng xem “ai lộ clip”, “ai bị bóc phốt”.

Chúng ta đang thức, nhưng không còn tỉnh.

2. Có một dạng nghiện đang lớn dần trong im lặng – nghiện drama. Cảm giác “biết chuyện sớm nhất”, được “hóng hớt tận gốc”, được “cười vào mặt người khác” là những liều dopamine dễ gây nghiện không kém gì thuốc lá.

Giới trẻ ngày càng phản xạ theo mô thức: tin đồn -> phản ứng -> phán xét - bỏ qua mất khâu quan trọng nhất: hiểu chuyện. Họ học được cách “cancel” ai đó, nhưng không được dạy cách kiểm chứng hoặc đặt mình vào vị trí người khác.

Và khi sống trong một chuỗi ngày cảm xúc bị điều khiển bởi thị phi, nhận thức tự nhiên cũng bị bóp méo. Họ tưởng sự thật là điều gì đó được vote (bình chọn) bằng lượt xem, chứ không phải được tìm ra bằng tư duy phản biện.

Không phải vô tình mà giới trẻ ngày nay ngày càng dễ stress, mệt mỏi, thậm chí… mất phương hướng. Họ không hiểu vì sao mình tiêu cực, nhưng mỗi ngày vẫn tiêu thụ hàng giờ đồng hồ drama online (thị phi trên mạng internet), toxic content (nội dung độc hại) và tranh cãi vô hồi.

Bởi vì, mỗi đêm, họ đều “bị cuốn vào” những câu chuyện không thuộc về mình, nhưng để lại dư chấn như thể mình vừa sống trong nó. Họ cảm thấy cần phải bênh ai đó, ghét ai đó, dằn mặt ai đó. Và sáng hôm sau, tỉnh dậy mệt nhoài trong một cơ thể chưa kịp hồi phục.

Thực chất, cảm xúc đó đang bị hack (điều khiển). Khi phản ứng liên tục với drama, não bộ bị lập trình để chỉ thích sự giật gân, nỗi đau người khác hay trò hạ bệ. Điều đáng sợ nhất là: người ta không còn phân biệt được đâu là sự thật, đâu là dàn dựng vì thứ gì đủ “drama” thì sẽ được mặc định là “có giá trị”.

Dần dà, sự kiệt quệ tinh thần trở thành mặc định. Họ mất hứng với học hành, công việc, thậm chí cả các mối quan hệ thật ngoài đời, bởi mọi sự quan tâm đã bị tiêu tốn trong những vở kịch không có thật.

3. Thật đáng tiếc, ở một thời đại mà tri thức nằm ngay trong tầm tay – chỉ một cú chạm – chúng ta lại dễ bị cuốn vào những thứ khiến đầu óc càng rối loạn. Giữa biển scandal và livestream bóc phốt, những nội dung mang giá trị tri thức như kỹ năng sống, tâm lý học, tài chính cá nhân hay tư duy phản biện... ngày càng bị lép vế. Một video dạy cách quản lý tài chính được 3.000 lượt xem. Nhưng một clip “bóc phốt người yêu cũ” thì 3 triệu view.

Điều này không phải lỗi của giới trẻ. Không phải người trẻ không muốn học. Nhưng thuật toán, môi trường và guồng quay xã hội đang khiến tri thức mất đi độ hấp dẫn cần thiết. Những người tử tế, chia sẻ có chiều sâu, thường bị “chìm” dưới biển ồn ào của sự giật gân.

Và, khi những người lan tỏa tri thức không có spotlight (nổi bật), còn những người nói xàm được tôn vinh, thì định hướng xã hội tự nó sẽ trôi dạt theo hướng lệch lạc.

Sự thật là, nếu không xây nền từ bây giờ, thì thế hệ kế tiếp sẽ lớn lên bằng meme (hình ảnh, video hài hước), reaction (phản ứng) và phán xét. Không chỉ người xem, mà cả người tạo nội dung cũng bị cuốn vào guồng xoáy ấy. Càng nhiều người chạy theo “view bằng mọi giá”, càng nhiều nhân vật công khai đời tư, dựng drama để đổi lấy viral (lan truyền).

Rồi đến khi niềm tin công chúng sụp đổ, họ quay sang nói mình là “nạn nhân” của mạng xã hội.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta – cả người xem và người làm nội dung – có đang đồng lõa tiếp tay cho sự xuống cấp về mặt nhận thức không?

Không cần nghiêm trọng hóa mọi thứ nhưng cần sự chủ động. Cần nhiều hơn những KOL (người dẫn dắt), influencer (người ảnh hưởng) dám nói về tư duy, cảm xúc, kỹ năng. Cần những nền tảng giáo dục sáng tạo, hấp dẫn nhưng vẫn dựa trên giá trị thật. Cần người trẻ được truyền cảm hứng để học cách làm chủ cảm xúc, thay vì bị dắt mũi bởi nó.

Không phải ai cũng cần thành học giả. Nhưng mỗi người trẻ cần được tiếp xúc với giá trị thật nhiều hơn: Biết cách phân biệt tin giả – tin thật. Biết cảm thông thay vì phán xét. Biết chọn lọc nội dung nuôi dưỡng cảm xúc và tư duy.

Muốn vậy, chúng ta cần một nền văn hóa tri thức có “gu”, có sức lan tỏa, không khô khan, mà gần gũi, nơi những người trẻ thấy rằng học một điều mới, hiểu một góc nhìn sâu sắc cũng thú vị không kém gì “drama nóng sốt”.

Thức xuyên đêm vì deadline, vì đam mê, vì viết code hay đọc sách... không ai phán xét. Nhưng thức xuyên đêm để hóng nỗi đau người khác thì cần được nhìn lại. Không phải vì nó “sai”, mà vì nó khiến ta đánh mất những gì tốt đẹp trong chính mình.

Chúng ta xứng đáng với một môi trường tốt hơn, nơi tri thức không bị lép vế, và cảm xúc con người không bị bóp méo bởi những cú like.

Mỗi lượt xem bạn trao đi là một lá phiếu. Hãy bầu chọn cho những gì bạn muốn thấy nhiều hơn trong thế giới này.

Di Ái

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mang-xa-hoi-va-con-nghien-thi-phi--khi-cam-xuc-bi-dan-dat-boi-drama-post341582.html