Mạng xã hội với vấn đề tuyên truyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Mạng xã hội chỉ xuất hiện ở vùng dân tộc thiểu số từ 6 - 8 năm, nhưng nó có tác động mạnh mẽ đến quan hệ xã hội của tộc người. Trước hết là hình thành ý thức cộng đồng tộc người cao, mang phạm vi xuyên biên giới, phạm vi toàn cầu.

Bài 2: Đổi mới nhận thức về mạng xã hội để làm tốt công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hiện nay, mạng xã hội hình thành nhiều trang, nhóm tuyên truyền, quảng bá về phong tục tập quán, ẩm thực, lễ hội, di sản văn hóa, văn nghệ các tộc người. Trong cộng đồng người Dao ở Lào Cai đã xuất hiện những Youtuber nổi tiếng như Đặng Văn Giáo, Hoàng Quốc Vinh. Họ vừa mở các trang giới thiệu, quảng bá về văn nghệ người Dao, vừa đưa lên Youtube các phong tục tập quán, lễ hội độc đáo của người Dao. Ẩm thực Thái đã được các nhóm cộng đồng người Thái Mường Lò, Mường La thường xuyên giới thiệu trên mạng xã hội. Đặc biệt, trên Youtube xuất hiện nhiều kênh do các bạn trẻ người Thái yêu ca hát lập nên, nổi tiếng nhất là kênh PHONG HẠO ENTERTAINMENT, KHÁNH BII OFFICIAL với hàng trăm nghìn lượt theo dõi và hàng triệu lượt xem.

Đội hình tri thức trẻ tình nguyện ra quân tổ chức hoạt động hướng dẫn kỹ năng sử dụng máy tính, ứng dụng phần mềm và khai thác Internet, mạng xã hội an toàn, hiệu quả cho người dân, thanh thiếu niên ở xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: Ngọc Trâm

Đội hình tri thức trẻ tình nguyện ra quân tổ chức hoạt động hướng dẫn kỹ năng sử dụng máy tính, ứng dụng phần mềm và khai thác Internet, mạng xã hội an toàn, hiệu quả cho người dân, thanh thiếu niên ở xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: Ngọc Trâm

Nhờ có mạng xã hội, một số tộc người đã tham gia hoặc đứng ra tổ chức các sự kiện văn hóa có quy mô quốc gia, quốc tế. Sự kiện Giao lưu văn hóa Thái Việt Nam lần thứ Nhất được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 16/7/2017 đã quy tụ được đông đảo cộng đồng người Thái ở Việt Nam, nhưng đồng thời cũng có sự tham gia của các đoàn người Thái đến từ Thái Lan, Lào…

Bên lề các sự kiện như Ngày hội văn hóa Thái toàn quốc năm 2019 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Lễ hội Xòe Mường Lò các năm 2018, 2019… đều có sự tham gia của cộng đồng người Thái Đông Nam Á. Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Pha Long, tỉnh Lào Cai cũng thu hút được nhiều người Mông ở nước ngoài tham dự. Nhờ mạng xã hội đã kết nối cộng đồng người Thái chung tay tổ chức các hoạt động văn hóa có quy mô lớn, sự liên kết tộc người qua các sự kiện văn hóa ngày càng có xu hướng phát triển.

Bên cạnh những yếu tố tích cực góp phần cố kết cộng đồng, mạng xã hội cũng tác động mạnh mẽ đến gia đình, dòng họ, cộng đồng làng. Trong gia đình, quan hệ trực tiếp giữa các thành viên bị giảm sút, những buổi sum họp gia đình ngày thường ngày càng thiếu vắng. Trước kia, thời gian rỗi thì gia đình quây quần trong các không gian chung của ngôi nhà (bên bếp lửa hoặc trước màn hình tivi…) nhưng hiện nay, sau thời gian làm việc về nhà, mọi người lại cắm cúi bên không gian riêng của mình, trò chuyện trên thế giới ảo bên màn hình điện thoại. Thậm chí đến bữa ăn cũng không đủ các thành viên, hoặc trò chuyện rất ít để mọi người lại nhanh chóng quay về với mạng xã hội. Việc trao truyền, giáo dục trẻ em trong các gia đình cũng ít được thực hiện. Cộng đồng dòng họ chỉ còn hiện diện trong một số nghi lễ chung.

Nguy hại hơn, mạng xã hội còn trở thành một phương tiện để kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo, mua bán người qua biên giới, lừa đảo góp vốn, tạo nên các nhóm huy động vốn bất hợp pháp. Đặc biệt, các thế lực thù địch đã lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, chống phá chính quyền, điển hình là sự lan truyền tôn giáo ngoại lai như Tà đạo “Giê sùa” và “Bà cô Dợ” hoành hành ở Điện Biên… chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Như vậy, gần một thập kỷ qua, mạng xã hội đã hình thành và phát triển một cách mạnh mẽ ở vùng miền núi phía Bắc. Mạng xã hội là yếu tố mới, ảnh hưởng nhiều đến quan hệ tộc người với các xu hướng khác nhau: xu hướng cố kết cộng đồng, tồn tại song song với xu hướng phân ly cộng đồng. Do đó, cần xác định mạng xã hội là một loại hình kênh truyền thông cực kì quan trọng và hấp dẫn, không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa hiện nay. Mặt khác, cần nhận thức tầm quan trọng của mạng xã hội và sử dụng mạng xã hội trở thành một loại hình kênh tuyên truyền có lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống lại các luận điểm tuyên truyền phản động của kẻ xấu.

Sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc thiểu số được đông đảo người tiêu dùng đón nhận một phần nhờ được truyền thông rộng rãi trên Internet. Ảnh: Hồng Minh

Sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc thiểu số được đông đảo người tiêu dùng đón nhận một phần nhờ được truyền thông rộng rãi trên Internet. Ảnh: Hồng Minh

Trong xã hội truyền thống, đồng bào chủ yếu tiếp nhận kênh truyền tin trực tiếp. Trong đó, nổi bật là truyền thông 1 - 1 nhóm, đây là loại truyền thông truyền thống của các xã hội trước kia. Mỗi bản, làng đều có người trưởng làng truyền đạt thông tin trực tiếp đến một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân (nhóm phụ nữ thêu thùa, nhóm nam giới làm nghề phụ, nhóm xe ôm…). Vì thế, cần tập huấn, nâng cao kỹ năng truyền tin cho cá nhân trưởng thôn bản hoặc trưởng nhóm. Kênh truyền tin này đạt được hiệu quả hay không còn do uy tín của người truyền tin như trưởng thôn, già làng, người có uy tín trong cộng đồng…

Nhưng hiện nay, những người uy tín nhiều tuổi, các trưởng họ, các nghệ nhân cao tuổi không biết sử dụng Internet thì trở thành những người “lạc hậu”, không bắt kịp xu thế của thời đại. Trong các làng bản xuất hiện “tầng lớp uy tín” mới, đó là những người trẻ, sử dụng thành thạo Internet. Họ khai thác Internet để bán hàng, làm kinh tế, học tập, giải trí, thậm chí mở rộng mạng lưới xã hội. Người dân trong làng bản muốn bán hàng, đón khách du lịch hoặc tìm hiểu phong tục tập quán đều hỏi các số người trẻ tuổi này.

Bên cạnh vai trò của lớp trẻ, vai trò của phụ nữ cũng được tăng cường. Trước đây, trong gia đình người Mông, người Dao, người Thái, phụ nữ chủ yếu đảm nhiệm công việc của gia đình, mọi quan hệ xã hội với láng giềng, thôn bản đều do người chồng thực hiện, nhưng từ khi tham gia vào mạng xã hội, nhất là tham gia bán hàng online, trao đổi hàng hóa, kinh doanh du lịch…, vai trò của phụ nữ được đề cao. Họ là người quyết định các giá cả dịch vụ du lịch ở các làng du lịch. Họ cũng là người kết nối mạng lưới buôn bán với các đô thị, các khu du lịch trong phạm vi tỉnh, phạm vi quốc gia. Vì vậy, trong các cuộc họp cộng đồng, người phụ nữ thường đại diện cho gia đình đến dự họp, trao đổi ý kiến. Nhờ có mạng xã hội, vai trò của phụ nữ đang ngày càng phát triển.

Mạng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong vấn đề xây dựng con người, định hình nhân cách cũng như tuyên truyền chính sách pháp luật. Mạng xã hội đã đến với mọi gia đình, mọi ngõ xóm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, với các vùng kinh tế hàng hóa phát triển, vùng du lịch thì mạng xã hội còn đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá sản phẩm và tăng thêm thu nhập cho người dân.

Vì vậy, cần phải thay đổi nhận thức về vai trò của mạng xã hội đối với phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi. Mặt khác, cần chú trọng xây dựng đội ngũ blogger cộng tác với ngành văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông trở thành một lực lượng tuyên truyền quan trọng trên mặt trận tư tưởng. Muốn vậy, phải xây dựng cơ chế chính sách, bổ sung mục tiêu trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là vấn đề cấp bách cần sớm được triển khai ở các địa phương.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa du lịch

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mang-xa-hoi-voi-van-de-tuyen-truyen-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post461004.html