Mang Yang: Đổi thay những ngôi làng vùng khó

Nhờ được đầu tư tuyến giao thông kết nối, xóa bỏ tình trạng bị cô lập vào mùa mưa, cộng với việc triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ cây trồng, vật nuôi nên nhiều hộ dân tại các làng vùng khó ở huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) như: Đê Kôn (xã Hà Ra), Pờ Yầu (xã Lơ Pang), Đê Bơ Tưk (xã Đak Jơ Ta) đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Nỗ lực thoát nghèo

Ông Klưnh-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Đê Kôn-cho biết: Làng hiện có 54 hộ với 238 khẩu, 100% là người Bahnar. Trước đây, cứ vào mùa mưa bão là cả làng bị cô lập bởi con đường vào làng thường xuyên bị sạt lở, lầy lội. Cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nông sản làm ra không thể tiêu thụ, bị thương lái ép giá, trẻ em không được đến trường thường xuyên. Từ khi được Nhà nước đầu tư tuyến đường vào làng, người dân có nhiều cơ hội được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế. Quan trọng hơn là sản phẩm làm ra của người dân không còn bị thương lái ép giá. Cuộc sống của người dân đã dần thay đổi. Cuối năm 2022, làng có 30 hộ nghèo nhưng đến nay đã giảm còn 26 hộ.

Con đường lên làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang) được bê tông hóa giúp người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: M.P

Con đường lên làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang) được bê tông hóa giúp người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: M.P

Trong khi đó, ông Hriu-Trưởng thôn Đê Kôn-cho hay: Có đường giao thông thuận lợi, bà con đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Một số hộ dân đã chuyển dần diện tích cây bời lời sang trồng cà phê hay trồng keo, bạch đàn. “Chính quyền xã đang hoàn tất thủ tục giao đất, giao rừng với gần 400 ha rừng để bà con tham gia quản lý, bảo vệ và được hưởng lợi từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng”-ông Hriu nói.

Trước đây, làng Pờ Yầu được ví như “ốc đảo”, cuộc sống của người dân thiếu thốn đủ bề. Từ khi tuyến đường từ trung tâm xã Lơ Pang dẫn lên làng được bê tông hóa cùng hàng loạt các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế đã giúp bà con từng bước thoát nghèo. Đơn cử, gia đình anh Hyưk trước đây thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chỉ trông chờ vào hơn 1 ha mì.

Năm 2019, được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ 500 cây cà phê giống, anh đã chuyển đổi dần diện tích trồng mì kém hiệu quả sang trồng cà phê. Anh Hyưk còn được chính quyền địa phương giúp đỡ, phân công cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng; được hỗ trợ 1 con bò giống và đã có bê con. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh đã dần được cải thiện.

Tập trung các nguồn lực hỗ trợ

Cùng với việc tháo gỡ “nút thắt” về giao thông, nhiều chính sách và giải pháp giảm nghèo cũng được huyện Mang Yang quan tâm. Ông Nguyễn Hữu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Đak Jơ Ta-cho biết: Thời gian qua, làng Đê Bơ Tưk đã được hỗ trợ nhiều chương trình, dự án từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ phát triển về mô hình nuôi dê, bò sinh sản. Ngoài ra, làng còn được cấp phát giống mít Thái da xanh, hỗ trợ phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cho 30 hộ dân.

Nhờ được hỗ trợ nuôi dê, gia đình anh Đinh Luy (làng Đê Bơ Tưk, xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang từng bước ổn định cuộc sống. Ảnh: Minh Phương

Nhờ được hỗ trợ nuôi dê, gia đình anh Đinh Luy (làng Đê Bơ Tưk, xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang từng bước ổn định cuộc sống. Ảnh: Minh Phương

Còn ông Huỳnh Ngọc Hải-Chủ tịch UBND xã Lơ Pang thì thông tin: Làng Pờ Yầu hiện có 128 hộ, trong đó có 34 hộ nghèo, 54 hộ cận nghèo. Nhờ các ban, ngành của huyện quan tâm triển khai các mô hình phát triển kinh tế như: trồng và chăm sóc cây cà phê, hỗ trợ bò sinh sản, chăn nuôi dê, ngan… nên đời sống của bà con dần được cải thiện. Năm 2028, tỷ lệ hộ nghèo của làng là 70% thì hiện nay giảm còn 26,5%. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động bà con vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời mở các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để hướng dẫn người dân nhân rộng; tập trung tối đa mọi nguồn lực để đưa làng Pờ Yầu vươn lên”-Chủ tịch UBND xã Lơ Pang nêu giải pháp.

Trong khi đó, ông Trần Văn Bảng-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Năm 2022, toàn huyện có 2.847 hộ nghèo, chiếm 16,33% tổng số hộ. Trong đó, 2.572 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 25,76% số hộ DTTS toàn huyện. Theo kế hoạch tỉnh giao, cuối năm 2023, toàn huyện giảm còn 2.316 hộ nghèo, chiếm 13,03% (giảm 3,3%, tương đương 531 hộ nghèo). “Năm 2023, huyện được phân bổ hơn 9,1 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực để triển khai các dự án, chương trình phát triển mô hình sản xuất, phát triển sinh kế hiệu quả; hỗ trợ cộng đồng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; đào tạo nghề cho người dân, nhất là đồng bào DTTS”-ông Bảng thông tin.

Theo bà Hoàng Thị Lan Anh-Phó Chủ tịch UBND huyện: Những năm gần đây, nhờ triển khai đồng bộ các chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện, đặc biệt là ở các làng đồng bào DTTS giảm nhanh và bền vững. Diện mạo các làng vùng khó ngày một thay đổi, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo. “Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế nhằm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn huyện”-Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.

MINH PHƯƠNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/mang-yang-doi-thay-nhung-ngoi-lang-vung-kho-post242757.html