Mành chà
Mỗi chiếc mành có 7 lao động, trong đó có chủ ghe, một thợ phụ còn gọi là ông cầm chèo và 5 người bạn nghề. Nghề này chủ yếu đánh bắt các loại cá để muối mắm.
Ảnh minh họa: Báo Bình Thuận
Gọi là mành chà, vì mỗi ghe đều sở hữu riêng một số cây chà đặt cố định trong một mùa cá. Chà của ghe nào, ghe ấy đánh bắt, đấy là quy định bất thanh văn. Tháng giêng, ngư dân bắt đầu chuẩn bị đặt chà. Vật liệu để làm chà là lá dừa nước mua từ cửa Sa Cần, Bình Sơn, Quảng Ngãi; đá tảng lặn lấy từ bãi rạn Bàn Than, Tam Hải; tre đồng ngà mua từ trên nguồn. Lá dừa khô được kết lại thành từng tua, độ dài của tua tùy thuộc vào mức nước đặt chà; tua lá được buộc vài ba tảng đá nặng một đòn khiêng ở cuối tua, phía đầu tua buộc vào cây tre lớn làm phao dựng đứng trên mặt nước. Cuối tháng ba âm lịch ngư dân tiến hành đặt chà. Ngư dân thường đặt chà ở các mực nước từ 7 đến 30 sải. Chà 30 sải nước là xa nhất nên gọi là bìa. Mỗi chiếc mành đặt trên dưới 10 cây chà với các mực nước khác nhau.
Giàn mành chà cấu tạo theo hình tam giác cân: đỉnh là đáy giàn mành, đáy là miệng giàn mành. Mỗi cạnh tam giác dài độ 20 sải, đáy tam giác (miệng giàn mành) rộng khoảng 10 sải. Ở đáy giàn mành có một cái đãy đựng cá. Tiếp theo là lưới có độ dày 4 - 5 ngón tay. Tiếp theo nữa là lưới một, lưới hai, lưới ba, lưới bốn, đến miệng giàn mành là lưới năm. Hai cạnh của tam giác là hai triên (viền) của giàn mành được kết phao từ miệng đến đáy. Có một bộ phận khác rất đơn giản, nhưng rất quan trọng đối với giàn mành, đó là hai cục đá nặng khoảng 20 kg nối cố định với hai cái chốt bằng hai sợi dây dài non một sải. Cây chốt lại được nối với ghe bằng một sợi dây nhỏ. Khi thả lưới, người ta xỏ chốt vào khuy nằm ở đầu mút triên lưới, khóa thắt gút, nối hai cục đá vào hai đầu triên lưới tại miệng giàn mành. Muốn kéo lưới lên thì người trên ghe giật mạnh sợi dây nối với cục đá tháo thắt gút, chốt bung ra tách hai cục đá khỏi miệng giàn mành nhanh chóng kéo lưới, vì thế gọi là mành chốt.
Giàn mành được cấu tạo như vậy nên khi lưới nằm trong nước thì hai cục đá dằn miệng chìm sâu hơn đảy. Phao lại kéo hai triên lưới theo chiều ngược lại, tạo thành cái lòng chảo bằng lưới giữa biển. Nói cách khác, lúc này giàn mành có hình thù giống như một cái nhũi nằm ngửa, miệng chúc xuống, đáy nổi cao hơn, hứng đàn cá định đánh bắt phía trên. Tùy theo ý định đánh bắt cá ở độ sâu nào thì thả lưới xuống độ sâu đó.
Hai triên giàn mành được nối với ghe bằng hai sợi dây thừng lớn. Đánh cá sâu hay cá nổi là do sự điều khiển độ dài ngắn của ngư dân đối với sợi dây này.
Ví dụ: Muốn đánh cá ở tầng sâu nhất thì hai cục đá dằn miệng nằm sát đáy biển, đáy lưới thì trồi lên cách đáy biển 5 sải, giàn mành nằm nghiêng so với đáy biển khoảng 30 độ. Hai sợi dây thừng điều khiển độ sâu nối hai triên giàn mành từ đáy biển tới mặt nước. Phía trên cùng của hai sợi dây có hai cái phao làm bằng ống tre lớn, năm lóng. Hai ống tre nằm cách xa nhau bốn năm chục sải, kéo căng sợi dây và giàn lưới để mở rộng miệng giàn mành. Nếu đánh cá ở tầng nước giữa hay nước mặt thì giàn mành nằm lơ lửng giữa lòng biển theo tư thế nghiêng và có hình thù tam giác như lúc đánh ở đáy sâu vậy.
Trong ghe, người chỉ huy đánh bắt là ông cầm chèo. Ông thả dây câu xuống đáy biển, từ từ kéo lên. Hòn đản phía dưới kéo dây câu căng ra. Mắt ông nhìn vào hướng chuyển động của dây câu, đồng thời nhờ cảm giác của ngón tay trỏ đợ dây câu, xác định số lượng tầng chảy, hướng chảy, độ chảy của các tầng nước trong lòng biển rồi quyết định neo ghe thả lưới. Tùy theo tầng nước định đánh bắt cá, ông cho neo ghe ở vị trí nào. Nếu neo ghe sai vị trí, lưới có thể mắc chà hoặc không bọc được cá... Thả lưới xong ông coi nước, coi lưới, coi cá, ra lệnh giật chốt kéo lưới.
Khi giật chốt, cục đá rời khỏi miệng, lưới bật ngược từ dưới lên bất ngờ, hai triên ở miệng khép lại, cá bị vây kín không thể chạy thoát. Trong một buổi sáng thường đánh được vài ba vác (lần thả) mành. Làm nghề mành chà được mất thất thường. Có ngày, chỉ vài vác lưới đã đầy ghe, có ngày kéo lưới không mãi, bọn thợ phải neo ghe câu “thẻ” kiếm cá ăn trưa ngoài biển. Được hay mất thì quá ngọ, khi nồm lên thì ông cầm chèo cũng cho bạn thợ căng buồn chạy về đất liền.
Mùa đánh cá bằng mành chà thường rộ nhất vào tháng sáu, tháng bảy âm lịch. Giữa tháng tám âm lịch trở đi, sóng gió bất thường, nước chảy mạnh không thể thả lưới theo ý được, ngư dân không đi hành nghề này nữa.
Mùa cá mành chà diễn ra chủ yếu từ tháng tư đến thượng tuần tháng tám âm lịch. Những lúc trúng cá nhiều, bãi biển vui và làng chài cũng rất vui. Vui vì được nhiều cá; vui vì cả làng bận rộn, xôn xao lao động trong trời yên biển lặng...
Nghề mành chà là nghề đáy chốt nhất của ngư dân biển ngang. Bởi nghề mành chà đánh bắt các loại cá để muối mắm. Mắm là tài sản dự trữ của dân biển để đổi lấy nông lâm sản nuôi sống gia đình. Ngư dân biển ngang Tam Thanh thời đó ai khá giả hay nghèo khổ, hầu như phần quyết định là do làm nghề mành chà được hay mất.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/manh-cha-a13495.html