Mạnh dạn chuyển đổi để mở hướng làm giàu

Đi theo con đường đồi đất đỏ dẫn đến vùng canh tác của Hợp tác xã Kinh doanh và Dịch vụ (HTX KD&DV) nông sản Tây Vĩnh Thủy (xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh), chúng tôi đến thăm trang trại trồng cây ăn quả của gia đình anh Trần Thanh Hảo, một trong những nông dân tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng để mở hướng phát triển kinh tế, trở thành điển hình trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

 Phát triển cây chanh leo ở xã Vĩnh Thủy. Ảnh: P.N

Phát triển cây chanh leo ở xã Vĩnh Thủy. Ảnh: P.N

Trước đây, cây cao su đem nguồn thu nhập chính cho gia đình anh Hảo. Tuy nhiên do ảnh hưởng của thiên tai, nhất là cơn bão vào năm 2016 đã làm cho hơn 2 ha cao su của gia đình anh gần như bị gãy đổ hoàn toàn và không thể cho thu hoạch tiếp. Ban đầu anh Hảo có ý định dành toàn bộ số vốn còn lại để khắc phục, trồng mới nhưng nhận thấy cây cao su không phải 1- 2 năm là có thể cho khai thác ngay, mặt khác thiên tai lại xảy ra liên miên trong những năm qua cũng là mối lo lớn. Đang băn khoăn suy nghĩ, anh Hảo gọi điện tâm sự với một người bạn tại Gia Lai thì được giới thiệu về mô hình trồng cây chanh leo và lời mời vào tham quan trực tiếp. Sau khi tận mắt chứng kiến những vườn cây chanh leo nặng trĩu quả trên vùng đất đỏ ba dan và được chia sẻ kinh nghiệm canh tác, anh Hảo trở về nhà tìm tòi nghiêm cứu thêm về loại cây này. Từ đó anh quyết định đầu tư hơn 140 triệu đồng để trồng 1.000 gốc chanh leo Đài Loan trên 2 ha cao su bị gãy đổ; trở thành người đầu tiên đưa cây chanh leo vào trồng trên địa bàn huyện Vĩnh Linh.

Anh Hảo cho biết: “Ban đầu khi mới đưa cây chanh leo về trồng người dân trong thôn đều lo lắng cho tôi và bảo tôi liều. Bởi cây chanh leo không phải là loại cây xa lạ nhưng ở đây người ta chỉ trồng ăn chơi, nhà nào có cũng chỉ từ 1 đến 2 gốc là nhiều, còn trồng với quy mô lớn để làm kinh tế thì chưa ai làm cả. Với lại giống chanh leo Đài Loan này còn khá mới tại địa phương”. Tuy nhiên chỉ sau hơn 6 tháng trồng và chăm sóc, trong lứa quả bói đầu tiên, cả vườn chanh leo cho thu hoạch được hơn 5 tấn quả. Từ lứa thứ 2 trở đi, vườn chanh leo của anh Hảo ngày càng cho năng suất cao hơn, với sản lượng đạt từ 15- 17 tấn/vụ, trung bình mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ chính. Qua đó, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho anh với mức từ 300- 400 triệu đồng mỗi năm.

Đến cuối năm 2019, anh Hảo quyết định cải tạo toàn bộ vườn chanh leo, trồng lại cây mới và chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ an toàn để nâng cao chất lượng sản phẩm. “Từ vườn chanh leo đang đem lại nguồn thu ổn định thì việc làm mới lại hoàn toàn cũng khiến tôi suy nghĩ nhiều. Nhưng với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện nay thì nông dân chúng tôi cũng hiểu được rằng việc chuyển đổi canh tác theo hướng hữu cơ an toàn là điều tất yếu. Sản phẩm tạo ra không chỉ đáp ứng được yêu cầu của khách hàng mà còn nâng cao giá trị, tăng năng suất cho người trồng, từ đó sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, anh Hảo giải thích thêm.

Nhận thức được điều này, cùng với 9 hộ gia đình khác trên địa bàn xã, anh Hảo đã đăng ký tham gia vào dự án trồng chanh leo của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc trên diện tích 1 ha. Tham gia dự án, bên cạnh được hỗ trợ về mặt kỹ thuật và nguồn vốn, anh Hảo còn được đảm bảo tiêu bao về sản phẩm với mức giá cao gần gấp đôi so với phương pháp canh tác trước đây. Nhờ có kinh nghiệm trồng và chăm sóc, đến nay vườn chanh leo đã bắt đầu ra quả, với tỉ lệ đậu cao trên 80%; dự tính khi vào chính vụ sản lượng có thể đạt được 10 tấn quả và sau khoảng 2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch.

1 ha đất còn lại từ vườn chanh leo cũ, anh Hảo đã chuyển đổi sang trồng cây bưởi da xanh và mở rộng thêm 1 ha. Trước đó, vào năm 2018 sau khi tham gia vào HTX KD&DV nông sản Tây Vĩnh Thủy và được sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp, anh Hảo đã trồng thử nghiệm 0,25 ha thanh long ruột đỏ. Ngoài ra còn có thêm 0,25 ha vải đã cho thu hoạch nhiều vụ. Anh Hảo cho biết, đến nay toàn bộ quỹ đất của gia đình đã được chuyển đổi hoàn toàn sang trồng cây ăn quả trên diện tích hơn 4 ha.

Không chỉ có anh Trần Thanh Hảo, hiện nay nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Vĩnh Linh cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để mở hướng phát triển kinh tế. Tiêu biểu nhất là các mô hình trồng cây ăn quả trên đất gò đồi tại các xã Vĩnh Thủy, Trung Nam, thị trấn Bến Quan… Việc người nông dân mạnh dạn, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho chính mình mà còn góp phần mở ra những hướng đi mới cho nền sản xuất nông nghiệp của địa phương; đồng thời góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Phương Nga

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=147272