Mạnh dạn chuyển đổi để tạo đột phá từ nông nghiệp công nghệ cao

Sau nhiều năm thành công với thương hiệu rau sạch, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đức Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) tiếp tục có bước đi đột phát khi mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dưa lưới. Qua đó, HTX bước đầu có được 'trái ngọt' trong hoạt động làm kinh tế nông nghiệp, trở thành minh chứng rõ nét cho những người nông dân Việt Nam 'dám nghĩ, dám làm'.

Xuất phát điểm là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai mô hình trồng rau thủy canh ở Thủ đô từ năm 2017, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đức Phát đã đạt được nhiều thành tựu nhất định và tạo được tiếng vang thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.

Thế nhưng, không "ngủ quên trên chiến thắng", sau hơn nửa thập kỷ gắn bó với cây rau sạch, đầu năm 2023, HTX lại tiếp tục mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dưa lưới Nhật Bản và gặt hái được nhiều kết quả thành công ngoài mong đợi.

Làm nông nghiệp không cần… đất

Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Mạnh Hồng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đức Phát cho biết, từ lúc thành lập vào tháng 6/2017, HTX chuyên sản xuất rau thủy canh và là một trong những đơn vị đầu tiên áp dụng mô hình công nghệ Israel ở Thủ đô.

Theo đó, rau được trồng bằng kỹ thuật thủy canh. Đây là kỹ thuật trồng cây trong dung dịch dinh dưỡng, hay còn được gọi là trồng cây trong nước hoặc trồng cây không cần đất. Qua đó, giúp hạn chế tối đa mầm bệnh cùng sinh vật gây hại, cho cây trồng đạt năng suất cao, chất lượng đảm bảo, hiệu quả vượt xa cách thức trồng rau truyền thống.

Ở thời điểm đó, cùng với sự hỗ trợ của UBND huyện Thanh Trì, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao đã huy động đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất tại xóm 10, xã Yên Mỹ. Mô hình được trang bị nhiều công nghệ hiện đại như hệ thống nhà màng với tổng diện tích 2.600m2, hệ thống lưới cắt nắng tự động cảm biến nhiệt độ, hệ thống quạt đối lưu không khí, công nghệ tưới nước nhỏ giọt, cấp dinh dưỡng và thu hồi dinh dưỡng tuần hoàn cho cây trồng,...

Suốt nhiều năm liền, sản phẩm rau sạch của HTX Đức Phát đã xây dựng được thương hiệu và giữ vững uy tín trong lòng người tiêu dùng Thủ đô và các địa phương lân cận. HTX đã ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm cho nhiều bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn huyện Thanh Trì, doanh thu mỗi năm từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, cao gấp 10 lần so với trồng lúa.

Đem lại nguồn thu lớn, sản phẩm chất lượng và được người dùng tin tưởng lựa chọn, vậy nhưng có một thực tế là chi phí đầu vào trong hoạt động gieo trồng rau sạch cũng không hề nhỏ. Do đó, như nhiều đơn vị khác, lãnh đạo HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đức Phát cũng phải “đau đầu” đối mặt với bài toán đã làm kinh tế thì phải có lợi nhuận.

“Rau được trồng trên nước cho năng suất cao. Tuy nhiên, xét về bài toán kinh tế thì không đem lại quá nhiều lợi nhuận. Lý do là bởi sản phẩm sau khi thu hoạch không cạnh tranh được với giá rau truyền thống của bà con nông dân ngoài thị trường. Trong khi đó, giá cả của những dung dịch, hạt giống sử dụng cũng đắt gấp từ 5 - 10 lần so với các dung dịch, hạt giống phục vụ nông nghiệp thông thường”, Giám đốc Nguyễn Mạnh Hồng trải lòng về những khó khăn trong việc cạnh tranh giá cả của đầu ra sản phẩm.

Nông dân “dám nghĩ dám làm”

Sau một thời gian suy nghĩ, tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật, đầu năm 2023, ông Hồng và Ban lãnh đạo HTX đã có một quyết định táo bạo khi đưa HTX chuyển đổi hoàn toàn từ trồng rau sạch sang trồng cây dưa lưới. Kết quả là chỉ trong chưa đầy nửa năm, quả dưa đã đem lại bước đột phá mới cho HTX trên con đường làm kinh tế nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững.

“Chuyển đổi rồi mới thấy trồng cây dưa là phù hợp nhất và mang lại nhiều hiệu quả nhất khi làm nông nghiệp công nghệ cao. Tuy tổng doanh thu thấp hơn rau sạch do trồng ít vụ hơn nhưng lợi nhuận đem về lại gấp nhiều lần”, ông Hồng phấn khởi chia sẻ khi bước đi táo bạo đã giúp HTX thu hoạch những “trái ngọt”.

Dưa lưới được trồng trong chậu giá thể hoàn toàn bằng xơ dừa suốt vòng đời với chế độ dinh dưỡng, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm được điều chỉnh hoàn toàn tự động. Đến cuối vụ, quả dưa đạt chuẩn sẽ có vỏ quả chín vàng đều, đường vân nứt nổi trên bề mặt.

Mỗi cây dưa chỉ cho 1 quả duy nhất, nặng từ 1,4 - 1,8 kg. Giá trên thị trường khi bán tại vườn dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Với mỗi vụ kéo dài từ 58 - 60 ngày, cả nhà vườn rộng 2.300 m2 sẽ cho sản lượng khoảng 3 - 4,5 tấn dưa. Tổng doanh thu đạt khoảng 150 - 160 triệu đồng/vụ; lợi nhuận lên đến 35 - 40 triệu đồng/vụ sau khi trừ đi các khoản chi phí.

So với làm nông nghiệp truyền thống, mô hình trồng dưa áp dụng công nghệ Israel đã giúp HTX giảm nhân công từ 8 - 10 lần.

So với làm nông nghiệp truyền thống, mô hình trồng dưa áp dụng công nghệ Israel đã giúp HTX giảm nhân công từ 8 - 10 lần.

Nhờ có hệ thống nhà màng mà năng suất vượt trội đến hơn 90%. Đồng thời, giúp cây trồng không phụ thuộc vào thời tiết, nhiệt độ. Ông Hồng cho biết, nếu trồng ngoài nhà màng thì không thể trồng được giống dưa lưới với năng suất và chất lượng tốt như hiện nay.

“Khi thấy tự mình trồng được những sản phẩm nông nghiệp sạch đưa đến tay người tiêu dùng, bản thân cảm thấy việc mình làm mỗi ngày vui lắm, ý nghĩa lắm!”, Giám đốc Nguyễn Mạnh Hồng trải lòng.

So với làm nông nghiệp truyền thống, mô hình trồng dưa thủy canh áp dụng công nghệ Israel đã giúp HTX giảm nhân công từ 8 - 10 lần. Minh chứng là cả quy mô nhà lưới rộng tới 2.300 m2 nhưng chỉ cần 2 người là đủ đảm bảo khối lượng công việc, chưa kể cũng không mất nhiều sức lao động như trồng dưa thông thường.

Hiện, dưa lưới là sản phẩm chính của HTX Đức Phát, được trồng gần như quanh năm. Chỉ riêng trong 3 tháng mùa đông, thời tiết rét đậm không thích hợp cho sự phát triển của quả nên HTX chuyển sang trồng một số giống hoa phục vụ Tết Nguyên đán như hoa đồng tiền, hoa hồng,... Tất cả cũng đều được trồng trong nhà màng, đem lại hiệu quả kinh tế không hề thua kém so với trồng dưa.

Cho đi mà không cần nhận lại

Là một trong những đơn vị đi đầu của địa phương trong việc triển khai mô hình thủy canh, thời gian đầu, lãnh đạo HTX Đức Phát đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để tự mày mò, tìm hiểu và học từ thất bại để tiến đến thành công.

Hơn ai hết, ông Hồng là người hiểu rõ nhất những nỗi vất vả của người nông dân khi làm nông nghiệp công nghệ cao, nhất là trong giai đoạn đầu. Do đó, nhiều người khi tìm đến với HTX Đức Phát để xin học hỏi kinh nghiệm đều được ông Hồng hướng dẫn hết lòng và không ngại chia sẻ bí quyết.

Thậm chí, với những người quyết tâm làm đến cùng, công nghệ chuyển giao trồng thủy canh trị giá hàng trăm triệu đồng cũng được ông sẵn sàng... cho không! Không ít bà con từ các tỉnh xa xôi như Điện Biên, Lai Châu, Sa Pa (Lào Cai), Thái Nguyên,... đã lặn lội về tận xóm nhỏ xã Yên Mỹ và được ông Hồng “chắp cánh” cho giấc mơ làm giàu từ chính mảnh đất quê hương.

Đến nay, khi thấy HTX Đức Phát bước đầu thành công với nông nghiệp công nghệ cao, nhiều hộ lân cận cũng mong muốn tiếp bước và học hỏi để trồng dưa trong nhà màng. Tuy nhiên, chỉ với sự sẵn lòng giúp sức của ông Hồng là chưa đủ mà còn cần thêm sự "tiếp sức" linh hoạt của các cấp chính quyền.

Ông Hồng cho biết: “Một số hộ nông dân ở địa phương rất muốn theo chúng tôi làm nhà màng để trồng dưa. Tuy nhiên, hiện có vướng mắc là cơ quan quản lý an ninh đê điều không cho phép dựng nhà màng, nếu có thì chỉ cho phép làm rất thấp, rất bé, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn kích thước mô hình. Nếu dựng nhà màng như vậy thì không thể trồng dưa, không thể mang lại hiệu quả khi làm nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi đó, nhà màng không phải công trình kiên cố trên đất và cũng chỉ là nhà tạm dựng nên để người dân phát triển kinh tế mà thôi”.

Nhận thấy quả dưa lưới là giống cây có thể đem lại hiệu quả cao, cải thiện đáng kể đời sống cho bà con nên HTX Đức Phát rất mong muốn các cấp chính quyền có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân trên địa bàn được tiến hành sản xuất, mở rộng quy mô. Qua đó, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế địa phương.

Hà Trang - Nguyễn Hòa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/manh-dan-chuyen-doi-de-tao-dot-pha-tu-nong-nghiep-cong-nghe-cao-1093705.html