Mạnh dạn đa dạng cây trồng, vật nuôi - nông dân có thu nhập khá

Thời gian qua, đã có nhiều nông hộ trên địa bàn TP. Sóc Trăng mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa cây, xen canh, đa con có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, qua đó góp phần gia tăng giá trị canh tác, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Diện tích trồng ngải bún sắp thu hoạch của anh Thạch Hoàng Thanh - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Khóm 6, Phường 9 (TP. Sóc Trăng). Ảnh: T.H

Diện tích trồng ngải bún sắp thu hoạch của anh Thạch Hoàng Thanh - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Khóm 6, Phường 9 (TP. Sóc Trăng). Ảnh: T.H

Anh Thạch Hoàng Thanh - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Khóm 6, Phường 9 (TP. Sóc Trăng) là một trong những hộ nông dân từ thu nhập trung bình vươn lên có thu nhập khá nhờ áp dụng phương thức sản xuất theo hướng mới.

Ban đầu, gia đình anh Thanh chỉ canh tác độc canh 0,3ha ngải bún, mà không trồng xen canh bất cứ loại hoa màu gì khác, nên cho thu nhập không cao, đời sống gia đình gặp khó khăn. Sau khi được tham gia các khóa tập huấn của hội nông dân các cấp tổ chức, anh Thanh mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa cây, xen canh, đa con có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.

Anh Thạch Hoàng Thanh chia sẻ: “Ở đây, gia đình nào cũng trồng ngải bún, không nhiều thì ít, giá cả lệ thuộc vào thị trường, được mùa thì mất giá, được giá thì lại thất mùa. Gia đình tôi cũng vậy, chỉ biết trồng độc canh nên kinh tế gia đình gặp khó khăn. Ngải bún được trồng bằng củ vào đầu mùa mưa, khoảng đầu tháng 5 dương lịch. Đất trồng phải tơi xốp, không để úng nước, loại cây này cũng không kén đất. Trồng khoảng từ 5 đến 6 tháng, đến cuối mùa mưa, khi phần lá lụi tàn là lúc người ta thu hoạch củ ngải bún. Nhờ tham gia các lớp tập huấn của Hội Nông dân tỉnh, thành phố, từ đó bản thân tôi quyết tâm áp dụng biện pháp trồng xen canh nhiều loại cây màu ngắn ngày trên cùng một diện tích đất, để tăng thêm thu nhập. Với cách làm này, trừ hết chi phí, gia đình tôi còn lãi trên 50 triệu đồng/năm”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch Hội Nông dân Phường 9 (TP. Sóc Trăng) cho biết, với cách làm ăn cũ, kinh tế gia đình anh Thanh không ổn định. Nhưng nhờ bản tính cần cù, chịu khó, tìm tòi học hỏi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các lớp tập huấn của hội nông dân nên anh Thanh mạnh dạn trồng xen các loại hoa màu, đã góp phần tạo thêm hiệu quả sử dụng đất và tăng thêm thu nhập kinh tế gia đình. Đến nay, kinh tế của gia đình anh Thanh từng bước phát triển ổn định.

Không dừng lại ở việc đa dạng cây trồng để tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống, lâu nay, lượng chất thải từ nuôi bò của gia đình, người dân trong khóm còn phơi khô bán kiếm ít tiền để mua thêm cám cho bò. Năm 2019, khi được đơn vị chức năng hướng dẫn cách ủ phân vi sinh, anh Thanh không bán phân bò của nhà nữa và thu mua thêm của người dân để ủ phân, rồi bán lại cho ai có nhu cầu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, để kiếm thêm thu nhập.

Nhận xét về mô hình phát triển kinh tế này, đồng chí Phạm Hữu Thắng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Sóc Trăng đánh giá, mô hình kinh tế của gia đình anh Thanh thời gian qua được nông dân địa phương tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp mà không có sự kết hợp, bổ trợ, cứ trồng độc canh một loại cây, nuôi một loại con theo cách sản xuất cũ sẽ khó phát triển bền vững. Trồng nhiều loại cây sẽ tạo được nguồn thu ổn định, hạn chế rủi ro khi nông sản rớt giá. Riêng anh Thanh đã biết kết hợp chăn nuôi bò để tận dụng nguồn thức ăn trong vườn nhà, lại có nguồn phân bón cho cây trồng; đồng thời anh Thanh còn học cách ủ phân vi sinh bán lại cho người dân có nhu cầu sử dụng để bón cho rau màu, cây ăn trái, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.

T.H

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/manh-dan-da-dang-cay-trong-vat-nuoi-nong-dan-co-thu-nhap-kha-43986.html