Mạnh dạn đón khách khi mở cửa du lịch
Để phục hồi ngành du lịch, các chuyên gia cho rằng cần mạn dạn mở cửa đón khách mà không cần lo số ca nhiễm từ quốc tế.
Thị trường đang "ấm" lên
Phát biểu tại diễn đàn “Luồng xanh cho du lịch cất cánh" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 11/03/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết tổng số khách du lịch nội địa 2 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 17,6 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch tháng 02/2022 ước đạt 41,38 nghìn tỷ đồng, tăng 313% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Đây là tín hiệu đầy khả quan về chặng đường phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ của ngành du lịch Việt trong năm mới, tạo đà thuận lợi cho kế hoạch và lộ trình mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian sắp tới.
Dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights (Theo dõi xu hướng du lịch) cho thấy, lượng tìm kiếm bắt đầu tăng từ đầu tháng 12/2021, tăng vọt trong thời gian từ cuối tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022 (lượt tìm kiếm thời điểm ngày 1/1/2022 tăng 222% so tháng trước và tăng 248% so cùng kỳ 2021).
"Đặc biệt, từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí thời điểm ngày 21/1 tăng 425%, thời điểm ngày 3/2 tăng 374% so cùng kỳ 2021" - Ông Nguyễn Trùng Khánh thông tin.
Mạnh dạn đón khách với tâm lý mới
Ông Trần Đắc Phu, Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, mọi người đều có thể bị nhiễm SARS-CoV-2. Tỷ lệ mắc bệnh không có triệu chứng cao khoảng 60% - 80%. Khác với SARS tất cả đều có biểu hiện nên nhanh chóng cách ly và giải quyết.
Đặc biệt phân tích về chủng Omicron, vi rút xâm nhập tế bào người nên lây lan nhanh đã lan ra hầu hết các nước có dịch, giảm hiệu lực bảo vệ của vắc xin. Việc tiêm mũi bổ sung tăng hiệu quả bảo vệ, triệu chứng nhẹ nhưng lây lan nhanh vì vậy có thể gây quá tải hệ thống y tế.
Do đó, phải có quan điểm không cản được dịch bệnh, chúng ta chỉ có thể làm lây lan chậm lại, giữ biểu hiện nhẹ để không quá tải hệ thống y tế và sớm đạt miễn dịch cộng đồng từ từ.
Dẫn chứng số liệu trong số tổng các ca mắc Covid-19 tại Việt Nam thì chỉ có 0,3% là của người nhập cảnh. PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng số ca nhiễm từ các địa phương với nhau lớn hơn rất nhiều, vì vậy không cần lo số ca nhiễm từ quốc tế nữa mà nên mạnh dạn mở cửa du lịch.
Về cách ly tập trung, cách ly tại nhà, ông Phu cho biết, người nhập cảnh cần được thực hiện thuận tiện. Hiện đang đề xuất có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 24 giờ không phải cách ly. Với F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc mắc COVID-19 khỏi bệnh trong vòng 3 tháng: đang đề xuất cho đi làm, thực hiện theo dõi và phòng bệnh). Với F0, cách ly 7 ngày, nếu ngày thứ 7 xét nghiệm âm tính hoặc 10 ngày, hiện đang đề xuất cho F0 là nhân viên y tế không triệu chứng đi làm tại cơ sở điều trị F0.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, bệnh tới đâu cách ly tới đó, không còn cách ly xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời khẳng định 5K là cần thiết, nhưng cần linh hoạt, các K bổ trợ cho nhau. Ví dụ trong du lịch, 5K ở ngoài trời, tại bảo tàng và nhà hàng sẽ thực hiện khác nhau.
Bên cạnh đó, dù dịch xảy ra trên phạm vi cả nước, 63/63 tỉnh, thành phố có dịch nhưng nguy cơ dịch, tỷ lệ mắc và tử vong và tỷ lệ tiêm khác nhau. Do đó có thể căn cứ để mở cửa du lịch khép kín theo từng địa phương.
“Nới lỏng nhưng không buông lỏng. Chúng ta mở cửa an toàn, có mở cửa mới có khách du lịch. Nới lỏng toàn bộ nhưng phải có dự phòng đồng bộ” - Ông Phu nhấn mạnh./.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/manh-dan-don-khach-khi-mo-cua-du-lich-20220312001714487.htm